Nhiều năm nay, bộ loa đài cá nhân của ông Bùi Ngọc Tích đã trở thành đài phát thanh công cộng của cả thôn Rộc Trụ.

Nhiều năm nay, bộ loa đài cá nhân của ông Bùi Ngọc Tích đã trở thành đài phát thanh công cộng của cả thôn Rộc Trụ.

(HBĐT) - “A lô… A lô… Đã đến giờ nghe đài, xin mời bà con chú ý! A lô… A lô…” Nói đoạn, ông nhanh nhẹn đặt micrô hướng vào cái đài nhỏ, thành thạo chỉnh tần số sóng FM để bắt chương trình thời sự buổi sáng quen thuộc.

 

Ngày nào cũng thế, cứ 5 giờ sáng là ông Bùi Ngọc Tích (thôn Rộc Trụ 1, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ) lại bật đài, phóng lên loa thật to để người dân trong thôn cùng ông khởi đầu một ngày mới bằng những thông tin hữu ích trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Công việc này, ông làm một cách tự nguyện, và thấm thoắt đã làm được già nửa cuộc đời…

 

Hơn 40 năm… bật đài cho dân nghe

 

Bộ đồ nghề “tác nghiệp” của ông Tích gồm một cái đài nhỏ hiệu Sony, một cái micrô nối ra loa thùng, rồi từ đó dẫn thẳng lên cái loa phát thanh được đặt trên sân thượng. Với bộ đồ nghề đơn giản tự sắm, ông cần mẫn làm công việc mà theo như ông nói, là “công vụ quan trọng của cuộc đời”: bật đài cho người dân trong thôn cùng nghe. Đều đặn mỗi ngày ba lần, ông bật vào khung giờ nhất định để phục vụ “bạn nghe đài” ở thôn Rộc Trụ – nơi ông đã gắn bó gần trọn cuộc đời. Buổi sáng, ông bật từ 5 giờ đến 7 giờ, buổi trưa từ 10 giờ đến 12 giờ và buổi chiều từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút. Thường thì ông không bật đài vào buổi tối vì “yêu cầu của người dân địa phương là muốn được… nhàn tai để xem tivi” – ông cười cười giải thích. “Lịch phát sóng” của “nhà đài” Bùi Văn Tích đã trở nên quen thuộc đối với người dân thôn Rộc Trụ. Quen đến mức chỉ cần nghe nhạc hiệu chương trình thôi là có thể biết được lúc đó vào khoảng mấy giờ. Thậm chí đã quen đến mức những âm thanh đó được mặc định như phần tất yếu của một ngày, sẽ không còn là buổi sáng trọn vẹn nếu như không có tiếng đài của ông.

 

Ông Tích coi bật đài là công việc ý nghĩa nhất trong ngày, và hơn thế, còn là điều ông cảm thấy tâm huyết nhất trong suốt 70 năm qua. Trong 70 năm, ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế dễ chừng phải được 40 năm có lẻ! Bắt đầu từ năm 1968 – khi ông mua cái đài đầu tiên. Biết chuyện, nhiều người bảo ông rỗi hơi và lập dị. Không ít người xì xào hoặc nói thẳng ra rằng ông… bị hâm. Mặc kệ! Bản thân ông ý thức được điều mình làm nhưng lắm lúc cũng phải “thanh minh” với vợ: “Bà hiểu cho tôi! Ngày nào không được bật đài tôi thấy ngày đó mình thật vô dụng...”     

 

“Đã bật là phải bật to ra loa phóng thanh để nhiều người cùng nghe, chứ nghe một mình thì ông ấy không thích đâu! Cứ khăng khăng là phải bật ra loa, người đâu mà… lạ!” – bà Nguyễn Thị Chỉnh nói về chồng một cách trìu mến.

 

Đúng là ông Tích… lạ thật! Chẳng thế mà hơn 40 năm kể từ khi có cái đài đầu tiên, bằng cách này hay cách khác, ông đã biến cái đài cá nhân của ông thành “đài phát thanh công cộng” của cả thôn Rộc Trụ. Để làm được điều đó, ông sắm thêm bộ loa phóng thanh ngót nghét chục triệu đồng trong khi mua riêng cái đài chỉ mất hơn một triệu. Số tiền đó hơn đứt một năm vợ chồng ông com cóp nuôi lợn, nuôi gà! Chưa kể tiền điện tháng nào cũng vọt lên cả trăm nghìn. Chủ yếu vì cái đài “bị” huy động hết công suất chứ đồ điện trong nhà ông quanh quẩn chỉ có quạt và bóng đèn tiết kiệm điện năng, hai vợ chồng dùng quá lắm chỉ mất khoảng ba chục nghìn là hết cỡ. Ngoài bộ loa đài, phụ tùng của ông Tích còn có sẵn mấy cuộn băng trắng để ghi âm các chương trình theo ông là quan trọng và bổ ích. Ông ghi âm để làm tư liệu, sau này thi thoảng phát lại cho bà con “ngấm”. Có “ngấm” thì mới làm theo được. Ấy là cái lý của ông.

         

Bác Hồ dạy “vì dân mà phục vụ”…

 

Cái đài đầu tiên, ông nhớ đó là đài Na-ti-ô-nan của Nhật. Hồi ấy, ngoài số tiền tiết kiệm ông còn phải bán gộp cả đàn gà và con trâu sắp đẻ mới mua nổi cái đài giá năm nghìn - gần gấp đôi cái xe đạp Thống Nhất vốn là ước mơ xa xỉ của nhiều gia đình lúc bấy giờ. “Ông là người đầu tiên trong thôn có đài, oách như cán bộ huyện!” – ông cười khà khà ra chiều ưng ý lắm! Nhưng ông mua đài không phải để cho oách! Nhìn cán bộ có đài, ông thích mê tơi và quyết tâm mua bằng được vì một lý do khác: ông ý thức được tầm quan trọng của cái đài. “Có thể đói ăn, đói mặc nhưng đừng để bị đói thông tin” – từ xưa khi còn là chàng trai 27 tuổi đến bây giờ khi đã trở thành một ông già “thất thập cổ lai hy”, ông Bùi Ngọc Tích luôn đinh ninh tâm niệm đó.

 

Mua được đài Na-ti-ô-nan đã là khó lắm, xoay được pin cho nó chạy đều đều với ông còn khó hơn. Thời bao cấp, pin thường chỉ phân phối cho cán bộ, mà ông khi đó chỉ là một anh xã viên quèn. Thế là, lúc thì ông… lân la nhờ vả người quen làm ở cửa hàng mậu dịch, lúc thì tiếp cận “mấy anh cán bộ huyện” để… ké suất mua pin. Có được pin rồi, đi làm đồng ông cũng kè kè cái đài đeo bên hông để vừa cày cuốc vừa bật to hết cỡ cho mọi người cùng nghe. Ai cũng thích. Còn ông thì thấy mãn nguyện vô cùng. Nói không ngoa, hồi đó cái đài đã “khai sáng” cho bao nhiêu cái đầu trong thôn Rộc Trụ. Nào là tin tức chiến trường, nào là dự báo thời tiết, nào là tình hình sản xuất của các địa phương, rồi lại còn “ba mươi phút dân ca và nhạc cổ truyền”, “tiếp chuyện bạn nghe đài”, “nhà nông cần biết”… Bản thân ông chưa từng đi đâu ra khỏi xã Khoan Dụ, nhưng nhờ nghe đài mà biết đó biết đây, biết “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” là cần thiết nên động viên con cháu “phải tích cực chuyển đổi thì hiệu quả kinh tế mới cao và bền vững”… Không biết đã bao nhiêu lần ông Tích khẳng định với bà con trong thôn: “Nghe đài không phải để giải trí suông mà để nắm bắt thông tin, biết đường sống và làm ăn cho tốt”. Đó là lý do khiến hơn 40 năm qua, ông tự nguyện làm “đài phát thanh” của thôn Rộc Trụ, tận tâm đúng nghĩa là một “đầy tớ trung thành của nhân dân”.

 

“Bác Hồ đã dạy lực lượng công an “vì dân mà phục vụ”. Tôi tuy chỉ là một lão nông chi điền nhưng trong khả năng của mình, tôi làm theo lời dạy của Bác bằng cách toàn tâm toàn ý bật đài phục vụ nhân dân” - ông Tích chia sẻ. Trong kho tư liệu phát thanh được ông ghi âm lại, có nhiều nhất là tư liệu về Bác Hồ với những câu chuyện cảm động, những bài học quý giá, những lời nói lay động lòng người… Ông bảo, nghĩ về Bác, bao giờ ông cũng thấy lòng mình trong sáng hơn, và ý chí “phục vụ nhân dân” càng trở nên thao thiết và mạnh mẽ.

 

Tiếp tục trải lòng theo những câu chuyện về Người, ông Tích ngùi ngùi tâm sự: Cho đến khi phải từ biệt thế giới này, điều luyến tiếc duy nhất của Bác Hồ là “không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Nghĩ đến điều đó, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi vẫn còn sống vui, sống khoẻ để ngày ngày được bật đài cho người dân thôn mình nghe…

 

Có lẽ niềm hạnh phúc đó là nguồn năng lượng quý giá để “đài phát thanh” thôn Rộc Trụ bền bỉ hoạt động suốt mấy chục năm qua. Và nhất định là sẽ còn lâu hơn thế!

 

                                                                                           Thu Trang

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục