Nơi đây, các em luôn được sống giữa  vòng tay yêu thương của “mẹ”.

Nơi đây, các em luôn được sống giữa vòng tay yêu thương của “mẹ”.

(HBĐT) - Mỗi khi có dịp đi qua Kỳ Sơn, chúng tôi đều ghé thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội. Mùa xuân đang đến trong từng nhà, mùa xuân hiển hiện ở những nhịp phách của đời sống và mùa xuân rạng ngời trên nét mặt của những em thơ ở Trung tâm BTXH tỉnh.

 

Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc, ông Ngô Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh không giấu được niềm vui khi lãnh đạo tỉnh đã quyết định đầu tư cho Trung tâm dự án xây dựng khu nhà chuyên biệt dành cho những đối tượng tâm thần phân liệt với số vốn trên 14 tỷ đồng. Trung tâm cũng đang triển khai cải tạo khu nhà dành riêng cho những người tàn tật, sắp tới sẽ đưa vào sử dụng. Bên cạnh niềm vui ấy,  đọng lại trong ánh mắt của ông những trăn trở, suy tư cho những cảnh đời, những số phận. 

 

Những mảnh đời côi cút

 

Hiện nay, Trung tâm nhận chăm sóc, giáo dục cho hàng chục cháu nhỏ đủ mọi lứa tuổi, trong đó có 38 cháu đang theo học các lớp từ 1 đến 12. Những cháu còn lại không thể đến trường chủ yếu do bị bệnh tật hoặc khuyết tật. Các cháu vào trung tâm với những lý do, hoàn cảnh khác nhau. Có cháu vào Trung tâm khi  chỉ mới một ngày tuổi; có cháu thì bố mẹ đều đã qua đời, không nơi nương tựa. Đáng thương như hoàn cảnh cháu Bùi Thị Lý được đón vào Trung tâm khi chỉ mới vài ngày tuổi. Cháu quá nhẹ, thể trạng yếu ớt. Thiếu mẹ, thiếu bố nên cháu khóc suốt đêm. Các mẹ ở Trung tâm đã thay nhau chăm sóc nên cháu bụ bẫm và khỏe mạnh hơn. Trường hợp cháu Bùi Thị Trà My được đón vào Trung tâm cũng mới có mấy tháng tuổi. Cháu bị hở hàm ếch nên việc chăm sóc cháu khá vất vả.

 

Lấp lánh tình yêu thương

 

Những cảnh đời côi cút ấy giờ đây lại được sống trong sự yêu thương, chăm sóc của các cô, các chú. Các cháu còn quá nhỏ để cảm nhận thế giới xung quanh nhưng tình cảm yêu thương hết mực của các mẹ đã thực sự làm chúng tôi cảm động. Hiện, phòng trẻ sơ sinh có 12 chị nuôi dưỡng thay nhau chăm sóc các cháu. Có nhiều chị đã gắn bó với trung tâm ngay từ những ngày đầu mới thành lập với bao thiếu thốn nhưng bằng tình yêu thương, các chị đã không quản khó khăn phần nào bù đắp những mất mát cho các em.

 

Chị Nguyễn Thị Thu ở phố Bãi Nai, Mông Hóa, Kỳ Sơn có lẽ là một trong những người gắn bó với phòng trẻ sơ sinh lâu nhất. Chị cho biết: Gần 15 năm chăm sóc các cháu, chị càng thấu hiểu nỗi mất mát mà các cháu phải gánh chịu. Các cháu dù được thương yêu, chăm sóc nhưng cháu sẽ khó phát triển bình thường nếu sống thiếu vòng tay yêu thương của cha mẹ. Chị Bùi Thị Thu ở khu 4, thị trấn Kỳ Sơn cũng đã có hơn chục năm làm công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu ở Trung tâm. Chị tâm sự: Có những hôm  ngồi bên giường ru cháu này ngủ thì bên giường bé khác khóc quấy gọi mẹ. Lúc ấy nghĩ thương lắm, giá chúng được ở nhà như những trẻ em bình thường khác thì tốt biết bao.

 

Ngoài công việc ở Trung tâm, các chị còn có cả một gia đình nhỏ để lo toan, vun đắp. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, thị trấn Kỳ Sơn chia sẻ: Ngày đầu khi các cháu vào Trung tâm, do chưa quen nên hay khóc quấy, không có cách nào để dỗ dành được. Sau một thời gian có lẽ các cháu cũng phần nào hiểu được sự vất vả của các mẹ nên ngoan hơn, chịu ăn, chịu ngủ. Nhiều bé do thể trạng yếu nên thường xuyên đau ốm. Những lúc như vậy, các chị lại phải thay nhau túc trực để lo cho các bé từng giọt sữa, viên thuốc. Các chị cũng không nhớ đã bao nhiêu lần thức trắng đêm để lo cho các bé. Điều an ủi với các chị là luôn được chồng, con, gia đình động viên, ủng hộ nên nỗi vất vả cũng vơi đi phần nào.

 

Mùa xuân hy vọng...

 

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, Trung tâm lại đôn đốc mọi người làm việc khẩn trương hơn để chuẩn bị cho các cháu có một cái tết đủ đầy, ấm áp. Ngoài chế độ 360.000 đồng/tháng/cháu theo quy định hiện hành,  trong những ngày Tết, các cháu ở Trung tâm còn được hỗ trợ thêm quần áo mới, tham gia nấu bánh chưng, đón tết, giao lưu văn nghệ và được lì xì đầu năm mới... Đây cũng là dịp có nhiều đoàn từ thiện khắp mọi nơi trên đất nước về thăm Trung tâm; là dịp để các cô, bác lãnh đạo Tỉnh có cơ hội được gần gũi, chia sẻ cùng các em ở Trung tâm còn thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc cho đến cuốn sách, tập vở nhưng lại đong đầy tình thương yêu. Các cô, các chú, các mẹ dành cho các em tình yêu thương nhưng không thể cho các em tình mẫu tử ruột rà. Các em sống trong vòng tay yêu thương của các mẹ nhưng không thể bằng sự chăm sóc của chính người đã sinh thành ra các em. Các mẹ có một mong ước giản dị là các em sớm được nhận làm con nuôi để được sống trong một gia đình đúng nghĩa, có mẹ, có cha để các em không còn thiệt thòi, không còn thấy chạnh lòng mỗi khi năm hết, tết đến.

 

Chiều đã dần buông, chia tay các em thơ, tạm biệt các “mẹ”, chúng tôi không khỏi  lưu luyến. Mong cho những mảnh đời côi cút sẽ không còn cút côi, mong cho những mơ ước sẽ trở về hiện hữu như chính niềm hy vọng mùa xuân.

 

 

 

                                                                                     Hồng Nhung

 

 

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục