Sản phẩm đặc trưng văn hóa các dân tộc Hòa Bình hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

Sản phẩm đặc trưng văn hóa các dân tộc Hòa Bình hấp dẫn du khách trong và ngoài nước

(HBĐT) - Cách đây vài năm về trước, trên bản đồ du lịch, Hoà Bình chỉ là một điểm đến chưa tạo được sức hút bởi sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng đầu tư cho ngành công nghiệp “không khói” này còn chưa thoả đáng, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì thế đã tạo ra tâm lý nhàm chán, có người dù mới chỉ lần đầu đặt chân đến đã ngao ngán: Sẽ không trở lại Hoà Bình lần thứ hai! ấy vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo du lịch Hoà Bình đã có sự thay đổi đáng kể. Giờ đây, Hoà Bình đang trở thành một điểm đến đầy mê hoặc và cuốn hút.

 

Sức hút từ du lịch thiên nhiên...

 

Khám phá và trải nghiệm. Vượt qua thử thách và hoà mình cùng thiên nhiên hoang sơ, tinh khiết. Được sống và tìm hiểu văn hoá đặc trưng bản địa. Đó chính là điều mà những người bạn tôi thường nhắc lại sau mỗi chuyến đi Hoà Bình.

 

Là một tỉnh miền núi, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, văn hoá - xã hội, nếp sống cổ xưa vẫn được giữ gìn cũng như điều kiện địa lý thuận lợi, không xa thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng. Vì thế nên du lịch Hoà Bình vẫn đang được xác định là một trong những ngành có tiềm năng để phát triển. Trong đó, sức hút từ du lịch thiên nhiên là điểm nhấn quan trọng để tạo nên dấu ấn của vùng đất “bốn Mường”. Nói về “kho báu” đó, anh Hà Quốc Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Lữ hành - thương mại (Công ty CP Du lịch Hoà Bình) nhấn mạnh: Hoà Bình là tỉnh miền núi nhưng lại không xa Hà Nội. Là nơi sinh sống của 6 dân tộc anh em với bản sắc văn hoá rất riêng, độc đáo. Nhận thấy tiềm năng và có điều kiện phù hợp để xây dựng, tổ chức các tour du lịch đi bộ nên ngay từ năm 1993, CTCPDL Hoà Bình đã mở và khai thác các tuyến du lịch đi bộ. Đầu tiên là tuyến đi bộ Mai Châu - Hang Kia - Pà Cò - Cun Pheo, tiếp đến là tuyến đi bộ Mai Châu - Pù Luông (Thanh Hoá) và tuyến bản Tớn (xã Nam Sơn - Tân Lạc) - Pù Luông (Thanh Hoá) - Mai Châu, tuyến đi bộ xuyên rừng già Pu Canh (Đà Bắc). Các tuyến đi bộ với sự khám phá và trải nghiệm đầy thú vị này đã thực sự tạo được dấu ấn riêng cho du lịch Hoà Bình. Dấu ấn đó là sự khám phá thiên nhiên vẫn còn nguyên  hoang sơ, huyền bí và thâm u của rừng già như vốn có sau mỗi bước chân. “Có một điều đặc biệt khi tham gia vào các tuyến du lịch thiên nhiên ở Hoà Bình, nó giống như một cuộc hành trình tự khám phá. Giống như bạn đã tự mở toang cánh cửa để bước vào một thế giới khác. Một thế giới hoang sơ, còn nguyên những trải nghiệm đầy thú vị, ngọt ngào. ít nhiều trong cuộc hành trình khám phá thiên nhiên, đất trời, ta lại tìm thấy cái cảm giác ngạo nghễ khi đã vượt lên được chính mình ở thử thách của ý chí và nghị lực”. Sự cảm nhận đầy nhạy cảm của anh bạn trở về sau những cuộc hành trình khám phá thiên nhiên Hoà Bình sẽ là dư vị ngọt ngào còn đọng lại mãi.

 

Nhắc đến du lịch khám phá ở Hoà Bình, quả thực không thể không nhắc đến tuor du lịch khám phá sông nước vùng lòng hồ Hoà Bình. Nơi mà nhiều người đã từng ví nó huyền bí, quyến rũ và mê hoặc như một Hạ Long thứ 2 trên núi. Chẳng vậy mà trong những lần cùng cô bạn học chung hồi đại học hiện đang công tác tại Hà Nội lang thang qua các triền núi khám phá cuộc sống nơi miền sơn cước. Cũng là người đi nhiều, có nhiều kỷ niệm với xứ Mường nhưng mỗi lần đứng ở bến Thung Nai lại thêm một lần xuýt xoa trước cảnh đẹp đầy mê hoặc quyến rũ mênh mang của nước hồ như miếng thạch xanh màu ngọc bích và cả sự hoài niệm về cái thuở ồn ào, mạnh mẽ của dòng sông khi chảy qua 170 thác, 130 ghềnh nay đã bị chặn đứng bởi con đập nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Đó cũng là nơi không chỉ tôi, bạn tôi và cả hàng triệu người nữa cũng muốn đến để khám phá, trải nghiệm và để thốt lên: vùng đất xứ Mường đẹp quá, mê hoặc quá, như một nàng công chúa tuyệt sắc đang vươn mình thức dậy đón nắng xuân. 

 

... đến du lịch cộng đồng, văn hoá

 

Cũng không phải đợi lâu cho một lời hẹn đáp lại lời mời thật chân tình, nồng ấm từ những người dân mến khách ở xứ Mường Bi - một trong 4 Mường lớn nhất của Hoà Bình để nhâm nhi vị ngọt, men say của hương rượu cần, được sống ở nhà gác, uống nước vác, ăn cơm đồ với thịt lợn thui. Xưa nay, người ta vẫn bảo đặc sản ở Hoà Bình không chỉ có rượu cần, mía tím, lá đu đủ đồ, cơm lam, xôi ngũ sắc mà còn có cả sự nồng ấm, chân tình trong cái xưa cũ vẫn còn lưu giữ nếp sống sinh hoạt thường ngày. “Thú thực, mỗi lần nghĩ đến vò rượu cần thơm ngọt, được nghe nhạc cồng chiêng âm vang của núi rừng và khi hứng khởi cùng biểu diễn văn nghệ với chính những người dân hiền lành, chất phác, nhiệt thành, tôi lại nao nao muốn lên đường” - Anh bạn tôi đã đôi lần thú nhận. Có lẽ chính những điều đó đã góp phần tạo nên sức hút, dấu ấn đặc biệt, cũng là giá trị cốt lõi của văn hoá vùng đất này.

 

Không chỉ được xem là một trong những cái nôi cổ xưa nhất của người Việt mà vùng đất bốn Mường còn nổi tiếng thế giới với một nền văn hoá lớn của nhân loại: văn hoá Hoà Bình. Nền văn hoá này đã được giới khảo cổ học thế giới công nhận cách đây gần 80 năm trước tại Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông được tổ chức tại Hà Nội. Với những tầng, lớp văn hoá, lịch sử ken dày, trải dài trên một địa bàn cư trú rộng lớn đã thực sự trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng, một sức hút, lôi cuốn bước dân du khách trong những hành trình khám phá vùng đất, cuộc sống con người và tìm hiểu những giá trị văn hoá bản địa đặc trưng được chắt lọc từ những tinh tuý của đất trời truyền từ đời này sang đời khác, trở thành cái cốt lõi vẫn luôn ngự trị trong cái phần “hồn” thiêng liêng giống như kim, như thạch vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống thường ngày không cao sang, không quyền uy mà rất đỗi bình dị và đời thường. Theo tiến sỹ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam á thì từ hàng nghìn năm trước, Hoà Bình là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Việt cổ. Điều này cũng đã được khẳng định bởi một hệ thống hang động còn lưu giữ dấu vết cư trú của người Việt cổ xưa như hang Chổ (Lương Sơn), hang Ma (Tân Lạc). Đặc biệt, phát hiện mới nhất về lối mòn cổ có niên đại cách đây khoảng 21 - 22 nghìn năm ở hang Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) đã thêm một lần nữa khẳng định điều đó. Có thể xem đây là những sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng để thúc đẩy, phát triển du lịch văn hoá gắn với du lịch cộng đồng ở Hoà Bình. Không chỉ vậy “cái nôi văn hoá của người Việt cổ” này còn là nơi quy tụ 177 di tích lịch sử văn hoá, danh lam, thắng cảnh. Đặc biệt, trong đó có 53 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 50 bản, làng du lịch - văn hoá. Đây đều là những nơi được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, trong vài năm trở lại đây, Hoà Bình đã dần trở thành một địa chỉ, điểm đến quen thuộc với nhiều du khách trong nước và quốc tế. Gắn theo đó là những ấn tượng khó phai về một vùng đất tươi đẹp, mến khách và mang đậm những giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc. Chẳng vậy mà Stever Job - một du khách Mỹ mà chúng tôi gặp khi đang mê mẩn với những cạp váy, giữa điệu nhạc cồng chiêng booông pìng poông... trong lễ Khai hạ Mường Bi đã không ngần ngại chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và Hoà Bình là một trong những nơi tôi không thể không đến. Đến đây, không chỉ được tiếp đón bằng tình cảm chân thành, nồng hậu và mến khách của người dân, tôi còn được khám phá, tận mắt chứng kiến nhiều điều mới lạ về nền văn hoá, phong tục, tập quán cũng như những nếp sống đặc trưng của người dân. Đó là những bất ngờ thú vị, chẳng hạn như được tham gia lễ hội lớn này, nó là một món quà rất thú vị. Lần sau sang Việt Nam, nhất định tôi sẽ trở lại đây để tiếp tục khám phá thêm về cuộc sống của các bạn.

 

Có thể nói, chính dấu ấn đậm nét của nền văn hoá Hoà Bình là chất xúc tác hiệu quả, trở thành giá trị cốt lõi để tạo nên sức hút độc đáo cho du lịch Hoà Bình trong những năm qua. Cũng chính điều này đã làm thay đổi những suy nghĩ của du khách khi đến với Hoà Bình. Không còn là cái cảm giác ngao ngán mà thay vào đó chính là sự cuốn hút đầy mê hoặc. Hoà Bình - tạm biệt để hẹn ngày trở lại. Xứ Mường có đi sẽ biết, sẽ hiểu rồi sẽ mê bởi nơi đây vẫn còn ẩn chứa nhiều huyền thoại đang chờ bạn khám phá!

 

 

                                                                                   Mạnh Hùng

 

 

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục