Bình yên bản mới Mai Sơn

Bình yên bản mới Mai Sơn

(HBĐT) - Chúng tôi cũng không thể ngờ rằng khoảnh đất mà cách đây chưa lâu còn hoang vu, um tùm lau lách, chỉ lưa thưa vài nóc nhà mái gianh mủn mục, bạc phếch vì mưa nắng nay đã trở thành khu dân cư đông vui, trù phú với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến khu tái định cư mới Mai Sơn ở xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn).

 

Bản mới bên đường Hồ Chí Minh

Ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi trước mặt chúng tôi là con đường bê tông chạy dài hơn 4 km nối từ đường Hồ Chí Minh chạy quanh men theo những chân ruộng đang xanh mướt rau đậu, hoa màu thay cho lối mòn lốc cốc tiếng mõ trâu về khi chiều buông. Ngạc nhiên, lại càng ngạc nhiên hơn khi ở cuối con đường bê tông là những nếp nhà yên vui. Dừng xe ở trước nhà văn hóa khang trang còn bện mùi vôi vữa, ông Bùi Văn Nin, Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp giới thiệu: Đây là xóm tái định cư Mai Sơn, là quê hương mới của đồng bào các xã Tân Mai, Phúc Sạn (Mai Châu). Bước đầu chuyển về vẫn còn không ít khó khăn nhưng đến nay, cuộc sống của bà con đã cơ bản ổn định. Chúng tôi vừa tổ chức bầu trưởng xóm lâm thời và tổ trưởng tổ Đảng. Đó là những thuận lợi và là những bước đi đầu tiên để bà con ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất và gắn bó với quê hương mới.

 

Cũng như xóm Tân Phúc, xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ), tính đến xuân này, bản tái định cư Mai Sơn, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) mới vừa tròn... nửa tuổi. “Cái tên  Mai Sơn là được ghép từ tên của 2 huyện Mai Châu - Lạc Sơn mà thành. Cái tên này cũng vừa để gợi nhớ quê cũ và cũng là niềm tin để bà con gắn bó với quê hương mới” - ông Bàn Văn Dậu, Trưởng xóm lâm thời xóm Mai Sơn phấn khởi cho biết.

 

Xóm Mai Sơn hiện có 60 hộ gia đình với 265 nhân khẩu chuyển về từ các xóm Thầm Nhân, Nánh, Khoang, Suối Lốn, xã Tân Mai; xóm Phúc, Gò Mu, xã Phúc Sạn. “Cũng đều là phải di chuyển ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, cũng đều khó khăn như nhau nên dù trước đây còn chưa biết nhau, phong tục tập quán, cách sống khác nhau nhưng bây giờ về sống chung trong một chòm xóm, dù là dân tộc nào, mọi người cũng đều coi nhau như anh em, chung tay, chung sức vượt qua khó khăn xây dựng, ổn định cuộc sống” - ông Lý Văn Chuồn, Tổ trưởng tổ Đảng xóm Mai Sơn nhấn mạnh. Theo hướng chỉ tay của trưởng xóm lâm thời Bàn Văn Dậu và Tổ trưởng tổ Đảng xóm Mai Sơn thì phía trước mặt chúng tôi là 60 nếp nhà lợp ngói mới chạy song song với con đường bê tông cùng hệ thống đèn điện chiếu sáng đồng bộ. Thấy chúng tôi phân vân về kiểu cách của những ngôi nhà trước mặt, ông Lý Văn Chuồn lý giải: ở đây chủ yếu là đồng bào người Dao, Thái và Mường. Người Dao làm nhà nền đất, đồng bào người Thái, Mường ở nhà sàn. Vì thế nên mới có ngôi nhà sàn cùng với những ngôi nhà nền đất như vậy. Nói về cuộc sống ở bản tái định cư mới, anh Lý Văn Cường cho biết: So về điều kiện ăn, ở, vệ sinh thì trước đây có mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ là có ngày mình được sống như ở đây. Ngày trước, ở quê cũ không có đất bằng nên nhà cửa cứ ở chênh vênh trên sườn đồi, vách núi. Đường sá thì đi lại khó khăn, chông chênh trong những ngày mưa, gió. Giờ trời mưa có đi ra đường cũng chẳng sợ đất bám chân. Ban đêm đi lại quanh xóm thăm nhau cũng tiện, chẳng phải lúc nào cũng khư khư ôm lấy cái đèn pin vì tối đến, hệ thống điện cao áp chiếu sáng khắp đường, khắp ngõ. Ngoài ra, ở đây cũng không phải lo chuyện trường, lớp cho các cháu bởi ở đây cùng với Nhà văn hóa, hệ thống trường và trạm y tế cũng  được xây dựng khá đồng bộ, hiện đại, phù hợp với người dân.

 

Ngoài cấp đất ở với diện tích 400 m2/hộ, cả 60 hộ dân đều được cấp 5.000 m2 đất   sản xuất. Với mục tiêu nhanh chóng giúp nhân dân ổn định cuộc sống, sản xuất trước mắt cũng như lâu dài, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện cũng đang chung tay, góp sức cùng xây dựng cuộc sống mới ở Mai Sơn.

 

Cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới

 

Không thể kể hết được những khó khăn, lo lắng của các hộ gia đình khi mới chuyển cư về đây. Đến nay, sau nửa năm về nơi ở mới, những khó khăn, lo lắng vẫn hiện hữu trong cuộc sống của người dân nơi đây. ông Bùi Văn Nin, Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp cho biết: Được sự giúp đỡ của các cấp, ngành, chính quyền và nhân dân địa phương, đến nay, cuộc sống của người dân ở xóm tái định cư Mai Sơn đã cơ bản ổn định. So về cơ sở vật chất, hạ tầng, xóm Mai Sơn hơn hẳn với các xóm khác trong xã. Đến nay, nhìn chung, người dân ở Mai Sơn cũng đã bắt kịp với cuộc sống của người dân trong xã. Về tâm lý, tư tưởng người dân cũng xác định gắn bó lâu dài với vùng đất, quê hương mới.

 

Nói về những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài của người dân trong xóm, anh Hà Văn Tuân cho biết: Trước khi về khu tái định cư mới, chúng tôi đã quen với cuộc sống núi rừng. Cuộc sống chủ yếu nhờ vào cây luồng và phát rừng làm nương rẫy. Làm lụng vất vả quanh năm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Do vậy, khi chuyển về đây, đa số các hộ dân đều còn gặp nhiều khó khăn, cần sự giúp sức của cấp uỷ, chính quyền và cả người dân địa phương. Chưa ở đâu, chưa khi nào sự đoàn kết gắn bó trên tinh thần tương thân - tương ái lại được phát huy như ở đây. ông Bùi Văn Nin, Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp cho biết thêm: Với nhiều hộ dân chuyển cư về nơi ở mới chưa thể thích ứng ngay với lối canh tác trồng, cấy ở vùng dưới. Sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở, chính quyền xã và nhân dân đã tích cực giúp đỡ các hộ dân tìm hướng đi phát triển sản xuất, xác định các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp để giải quyết vấn đề ổn định lương thực tại chỗ cho người dân.

 

Với sự quan tâm, giúp đỡ trên tinh thần tương thân, tương ái của người dân với các hộ chuyển cư, bà Lò Thị Hiên xúc động: Nếu không có sự giúp đỡ trực tiếp của người dân ở đây, cuộc sống của chúng tôi chắc chắn sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ giúp đỡ về kinh nghiệm sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống mà họ còn giúp tạo việc làm, có thu nhập để giải quyết những khó khăn trước mắt trong cuộc sống trong khi chờ đến mùa vụ thu hoạch đầu tiên trên quê hương mới.

 

 

  Người dân Mai Sơn bắt đầu sản xuất trên quê hương mới.

 

Những khó khăn trước mắt không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai nhưng trong những khó khăn ấy, chúng tôi đã thấy trong đôi mắt của chị Tươi, bà Hiên, anh Cường, anh Mừng... đã sáng lên những niềm tin. Niềm tin về một cuộc sống mới trên quê hương mới. Nơi mà nói như ông Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp khẳng định: Xóm Mai Sơn được xác định là điểm xây dựng nông thôn mới của huyện. Cũng thêm một tin vui đến với người dân Mai Sơn khi mới đây, Bộ CHQS tỉnh và huyện Lạc Sơn cũng xác định sẽ triển khai xây dựng đề án làng văn hoá - quốc phòng. Cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới ở Mai Sơn, cuộc sống ngày mai ở đây sẽ khác. Trong nắng xuân ấm áp, chúng tôi chợt thấy những cánh đào bung ra trước gió. Chỉ vào mấy gốc đào đang nở những nụ hoa xinh, ông Lý Văn Chuồn cười hồn hậu: Mấy gốc đào này được mang về từ quê cũ, đón cái Tết đầu tiên trên quê mới không thể thiếu nó được. Nhìn nụ cười bẽn lẽn, e ấp của em gái bên những cánh đào xinh, chẳng biết do hoa làm cho mặt người hồng xinh hay mặt người làm cho hoa đào thêm sắc thắm. Dù thế nào đi nữa, trong gió xuân nồng, nhìn đâu chúng tôi cũng thấy một cuộc sống mới đã bắt đầu ở Mai Sơn mạnh mẽ giống như cây cối đâm chồi, nảy lộc trong nắng xuân.

 

 

 

                                                                                    Mạnh Hùng

 

 

 

 

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục