Tưng bừng lễ hội Khai hạ Mường Bi.

Tưng bừng lễ hội Khai hạ Mường Bi.

(HBĐT) - “Tôi nghĩ, xứ Mường Hoà Bình đã từng có một không gian văn hoá cồng chiêng đậm đà bản sắc. Dù không phải là người Mường nhưng tôi sẽ cảm thấy xót xa nếu đến lúc nào đó, chúng ta tự đánh mất đi cái gọi là không gian văn hoá cồng chiêng Hoà Bình” - Tâm sự của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Chí Thanh dường như đã “chạm” vào trái tim của những người đang hướng về nguồn cội với một khát vọng lớn lao và chính đáng: “Đánh thức” cồng chiêng để thứ âm thanh linh thiêng của dân tộc có thể ngân vang giữa cuộc sống đương đại của người Mường Hoà Bình.

 

“Ngày xưa, người Mường phải khấn bái lễ nghi cẩn trọng rồi mới mang “chiêng thần” ra đánh. Tiếng chiêng là hồn phách của xứ Mường, vang khắp rừng, khắp núi ngân lên sức sống của người Mường, tiếng chiêng linh thiêng như lời sấm dậy, trở thành vật thiêng tượng trưng cho sự phồn thịnh của xã hội Mường... Tôi nghĩ, xứ Mường Hoà Bình đã từng có một không gian văn hoá cồng chiêng đậm đà bản sắc”.

 

Không gian đó - theo như cách cảm của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Bùi Chí Thanh - không ngùn ngụt hứng khởi và ùa mạnh vào tim như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà nhịp nhàng đi vào lòng người, khe khẽ lắng đọng thành từng giọt cảm xúc để rồi khơi gợi một cách nhuần nhị những rung động tinh tế nhất trong tận sâu tâm hồn. âm thanh đó lúc bay bổng, mơ màng, lúc thiết tha, lắng đọng, lúc rộn ràng, giục giã như sắp đi trẩy hội, lúc lại thư thái như cụ bà ngồi nhai trầu bên bát nước vối đặc... Một không gian âm nhạc mở ra một không gian văn hoá. Một thứ âm thanh linh thiêng của núi rừng. Một thứ âm thanh được thần thánh hoá để nối cõi thực của một đời với cõi vĩnh hằng của ngàn đời. Thứ âm thanh đó cũng như không gian văn hoá đó tượng trưng cho đức tín ngưỡng của cả một dân tộc, vừa giao hoà gần như tuyệt đối với thiên nhiên, vừa như tách ra để được vang âm trọn vẹn giữa đất trời.

 

         

Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc) được tổ chức quy mô, hoành tráng vào ngày mồng 7 Tết hàng năm.

 

Nghe tích xưa kể lại. Khởi nguồn của cồng chiêng là những âm thanh “thần bí” phát ra khi vô tình chạm vào các nhũ đá trong hang động. Lâu dần được con người chế tác và hoàn thiện thành nhạc cụ bằng kim loại như bây giờ. Bí quyết để tạo nên sức hấp dẫn cho thứ âm thanh vừa vang, vừa ngọt, vừa trong, vừa ấm nằm ở đôi tay của người thợ. Từ khâu pha chế đồng đến khâu đúc thành một chiếc chiêng đồng có độ vang ngân đẹp là cả một nghệ thuật dân tộc độc đáo, đủ để mỗi người thợ được ca ngợi như một nghệ nhân.

 

Một dàn cồng chiêng đủ bộ của người Mường gồm mười hai chiếc, tượng trưng cho mười hai tháng trong năm và trọn một vòng quay xuân - hạ - thu - đông của đất trời. Người Mường đặt tên chiêng theo số thứ tự từ chiêng mốt đến chiêng mười hai (căn cứ theo kích thước, độ cao âm lượng) và chia thành ba nhóm: bốn chiêng dàm (theo thứ tự từ chiêng chín đến chiêng mười hai, kích thước lớn, âm phát ra thuộc khu trầm trong dàn chiêng, còn gọi là chiêng khầm), bốn chiêng bồng (từ chiêng năm đến chiêng tám, kích thước trung bình, âm phát ra thuộc khu giữa trong dàn chiêng, còn gọi là chiêng bôồng bêênh) và bốn chiêng tlé (từ chiêng một đến chiêng bốn, kích thước nhỏ, âm phát ra thuộc khu vực âm cao nhất trong dàn, còn gọi là chiêng chót, chiêng poỏng hoặc chiêng lóng). Mười hai chiếc chiêng tạo ra mười hai âm sắc riêng biệt, đồng thời hợp thành một dàn cồng chiêng độc đáo với những bản hoà âm đã đi vào lịch sử của xứ Mường. Cồng chiêng theo phường bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mọi nhà. Cồng chiêng chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới. Cồng chiêng thành kính đưa người về cõi “Mường Ma”. Cồng chiêng thúc giục nhà nhà đến chia vui lễ cơm mới... Gắn liền với sinh hoạt của người Mường từ xưa đến nay, cồng chiêng luôn được coi là linh hồn của vùng “Đẻ đất, đẻ nước”.

 

Thấm thoắt đã hơn hai mươi năm chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Hoà

Bình gắn bó với các giá trị văn hoá cổ của đất Mường Hoà Bình. Hơn hai mươi năm ăn cơm Hoà Bình, uống nước Hoà Bình, chị đã cùng với đồng nghiệp mải miết đi tìm những hiện vật bị chìm sâu dưới lớp bụi thời gian, bóc tách những giá trị còn lẩn khuất trong từng hiện vật để bảo quản, trưng bày, quảng bá hiện vật. Với cồng chiêng Hoà Bình, chị có một niềm day dứt: “Di sản vô giá này xứng đáng được tôn vinh, không chỉ trong những lễ hội văn hoá trọng đại mà cần được vang âm trọn vẹn trong trái tim những người con yêu văn hoá dân tộc mình”.

 

“Đánh thức tiếng cồng chiêng để thứ âm thanh linh thiêng của dân tộc có thể ngân vang giữa cuộc sống đương đại của người Mường Hoà Bình” - Đó cũng là điều ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam từng gợi mở khi nhìn nhận những tiềm năng chưa được khai thác của du lịch Hoà Bình. Theo ông Đức, văn hoá cồng chiêng nếu được bảo tồn và khai thác đúng mạch sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, tạo sức hút mạnh mẽ cho du lịch Hoà Bình. 

 

Tiếp tục khẳng định điều đó, bà Hoàng Thị Chiển, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy (trước đây là Giám đốc Sở VH-TT&DL) nhấn mạnh: Vài năm gần đây, Hoà Bình đã trở nên quen thuộc với nhiều du khách. Gắn liền theo đó là ấn tượng khó quên về một vùng đất tươi đẹp, hiền hoà, giàu bản sắc dân tộc. Đến với địa danh “bốn Mường” đã từng được tôn vinh trong lịch sử, du khách đam mê khám phá các giá trị văn hoá cổ truyền hẳn sẽ khó cưỡng lại sức hút độc đáo của lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thuỷ), lễ hội chùa Hang (Yên Thuỷ) rồi lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, lễ hội chá chiêng của đồng bào dân tộc Thái... Bất chấp dòng chảy của thời gian, Hoà Bình tự hào vì vẫn còn lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng, hàng ngàn chiếc cồng chiêng quý giá; tự hào vì là nơi diễn ra hàng chục lễ hội văn hoá dân gian truyền thống với tưng bừng màu sắc và âm thanh; tự hào vì là nơi tình người vẫn thuấn nhuần trong thuần phong mỹ tục, nơi bản sắc văn hoá Mường vẫn ý nhị quấn quanh mỗi nếp nhà...

 

Với niềm tự hào đó, những người con của đất Mường sẽ biết cách “đánh thức”  tiếng cồng chiêng, để mãi về sau, “mười hai âm sắc dân tộc” vẫn vang âm trọn vẹn giữa đất trời Hoà Bình.

 

 

 

 

                                                                                       Phan Anh

 

 

 

 

 

                                     

 

                                                            

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục