Ông Hà Công Bảy (người thứ 2 từ trái sang) mỗi lần đọc bài thơ  Tây Tiến lại nhớ về câu chuyện “cọp trêu người” khi xưa.

Ông Hà Công Bảy (người thứ 2 từ trái sang) mỗi lần đọc bài thơ Tây Tiến lại nhớ về câu chuyện “cọp trêu người” khi xưa.

(HBĐT) - Đến bây giờ, chúng tôi cũng chẳng hiểu và cũng chẳng thể nhớ nổi điều gì đã thôi thúc hơn chục thanh niên choai choai ở cái thời ngồi trên ghế nhà trường bậc PTTH đạp xe 80 km từ Hoà Bình lên Mai Châu trong tiết trời chớm bước vào xuân. Giờ ngẫm lại thấy mình thật ngây thơ khi cứ nghĩ lên Mai Châu mùa xuân ấy rồi về Mường.

 

Thú thực, lên Mai Châu nhiều, được sống nhiều trong cái “mùa em thơm nếp xôi” nhưng đã lâu lắm rồi chúng tôi mới trở lại Mai Hịch trong ký ức của một  vùng đất khi xưa còn hoang vắng, thi thoảng còn nghe à uồm tiếng cọp trêu người ở phía những cánh rừng không xa phía trước mặt. Mai Hịch thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn gọi là Mường Hịch. Nằm cách thị trấn Mai Châu khoảng 15 km, đường vào Mai Hịch quanh quanh theo núi, theo chân ruộng phì nhiêu, màu mỡ vẫn luôn có cảm giác thật đẹp, bình yên và cũng không kém phần lãng mạn như khi thời “quân xanh màu lá” sống, chiến đấu. Theo những CCB thuộc Binh đoàn Tây Tiến khi xưa thì đây là một trong những địa bàn hoạt động chủ yếu của bộ đội Tây Tiến. Nơi đây cũng ghi dấu nhiều chiến công cũng như ý chí bất khuất, kiên cường đấu tranh của quân và dân địa phương. Trong căn nhà sàn rộng rãi lồng lộng gió núi, chúng tôi được nghe ông Hà Công Bảy bồi hồi đọc trọn bài thơ Tây tiến. Ký ức  cứ như thực, như mơ bất chợt ùa về như những thước phim quay chậm trong trí nhớ của cụ ông đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. ông kể: Ngày đó, ông chỉ mới mười bốn, mười lăm tuổi, đến giờ đã bước sang tuổi 80 mà vẫn còn nhớ như in ngày đoàn quân Tây Tiến đi qua. Khi ấy, cả Mường Hịch háo hức kéo ra đón chào. Trong ký ức, ông cũng vẫn còn nhớ sau buổi chào cờ trang trọng được tổ chức ngay ở bìa rừng phía cuối bản, ông cùng bà con dân tộc Thái được nghe một nhà thơ trẻ đọc một bài thơ cách mạng. Mãi về sau mọi người mới biết đó chính là nhà thơ Quang Dũng - tác giả của bài thơ Tây Tiến mà ông đã thuộc lòng từ lúc thiếu thời. ông cũng chẳng rõ bài thơ đó được nhà thơ sáng tác khi nào, ở đâu nhưng ông thích, người dân Mai Hịch bao năm cũng thích, tự hào vì trong bài thơ nổi tiếng ấy có Mường Hịch, có những địa danh đã gắn trọn đời với ông và những người dân nơi đây. Nói về Mường Hịch khi xưa, đôi mắt ông lão tuổi 80 chợt sáng rồi chậm rãi kể lại: Ngày ấy, Mường Hịch bốn bề là rừng rậm bao phủ, chỉ có  vài chục nóc nhà nằm rải rác, cọp beo nhiều vô kể nên nhà nào cũng phải làm thật cao, cắm chông dày đặc đề phòng bất trắc. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn có người bị cọp vồ mất xác. Có một lần, khi các cán bộ đang họp trong nhà bố ông Bảy (là Chủ tịch đâu tiên của xã Mường Hịch) thì một con hổ liều lĩnh nhảy qua rào cao quanh nhà vào bắt lợn. Các cán bộ không dám bắn hạ vì sợ giặc Pháp nghe tiếng súng sẽ ném bom. Trong số những cán bộ chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh ấy có nhà thơ Quang Dũng nên có thể câu thơ “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người” đã xuất phát từ đó. Sau này, mỗi khi đọc đến câu thơ đó, ông Bảy nhớ ngay đến câu chuyện khá rùng rợn này... Ký ức về Mường Hịch sẽ mãi là một ký ức đẹp của những người đã từng trải qua, từng được sống trong khí thế hào hùng của đoàn quân Tây Tiến với những “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, với những “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”, gắn với đó là cái nghèo, cái khó trong sự áp bức, bóc lột của các tầng lớp tạo, phìa và của thực dân Pháp...

 

Mường Hịch xưa và Mai Hịch nay đã thay đổi quá nhiều. Không còn cảnh rừng núi hoang vu, từ nhưng cánh rừng, ngọn núi phía xa không còn vọng về  những tiếng à uồm ghê rợn của cọp beo, thú dữ. Mai Hịch hiện nay đang phát triển theo hướng sản xuất đa dạng, đa ngành nghề. Đời sống người dân đã từng bước thay đổi và không ngừng được nâng cao. Chủ tịch UBND xã Hà Văn Tít nhấn mạnh: Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, trong những năm qua, Mai Hịch đã mạnh dạn đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống cây đậu tương lên đồi, tạo bước đột phá phát triển kinh tế theo hướng hàng hoá. Ngoài cây đậu tương, Mai Hịch cũng chủ động thâm canh, mở rộng diện tích trồng màu như: mướp đắng, lạc, rau đậu phục vụ cho các xã, thị trấn trong huyện và trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, các xóm đều thực hiện chủ trương tận dụng tối đa đất bưa bãi, đồi thấp mở rộng diện tích trồng ngô lai, đậu tương, sắn thương phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm... tạo nguồn hàng hóa phong phú cung cấp ra thị trường. Nhờ đó, đến nay, ngoài 190 ha diện tích cấy lúa, Mai Hịch đã mở rộng diện tích trồng ngô lai lên 314 ha, 200 ha sắn, 150 ha đậu tương, 30 ha lạc... Cùng với trồng trọt, các hộ gia đình trong xã đã phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao như cá dầm xanh. Nhiều hộ gia đình đã mở mang các nghề TTCN, dịch vụ góp phần tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Theo đó đã nâng mức thu nhập bình quân của xã đạt gần 7 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16%. Đời sống văn hoá, xã hội của người dân Mai Hịch không ngừng được cải thiện.

 

Rời Mai Hịch trong một buổi sớm mờ sương đẹp như tranh vẽ, trong mờ ảo của sương núi, bên dòng suối Sia đổ về dòng sông Mã cuồn cuộn chảy tưởng như tôi đã gặp bóng dáng đoàn “quân xanh màu lá” thoắt như ẩn, như hiện nơi bến cát “Sài khao sương lấp”. Trên suốt chặng đường về, những câu thơ của nhà thơ Quang Dũng cứ day dứt mãi: “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”... Biết đâu cái phần hồn trinh nguyên của những chàng trai Hà Nội xưa ấy vẫn còn quyến luyến với “mùa em thơm nếp xôi” nên “chẳng về xuôi” cũng như chúng tôi đã bén duyên với mùi thơm của nếp xôi mơ màng ấy.

 

                                                                            Mạnh Hùng

 

 

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục