Cọn nước suối Chiềng, xóm Bon, xã Tân Minh(Đà Bắc) phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Cọn nước suối Chiềng, xóm Bon, xã Tân Minh(Đà Bắc) phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

(HBĐT) - Với lợi thế nhiều mặt trong phát triển KT-XH, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đời sống của bà con huyện vùng cao Đà Bắc đang từng ngày đổi thay . Nhưng còn một góc khác có giá trị về văn hóa, về tập quán truyền thống vẫn không hề mai một mà ngày đêm đang song hành cùng người dân nơi đây tạo nên bản sắc rất riêng của Tây Bắc, đó là những cọn nước đang rì rầm bên suối, miệt mài mang dòng nước mát cho đồng ruộng. Không chỉ là nông cụ sản xuất tiện ích, những cọn nước còn là hình ảnh vô cùng quen thuộc của bản làng, nét đặc trưng của đồng bào Dao, Tày, Mường nơi đây.

 

Dọc tuyến đường từ Tân Minh vào tới Đồng Chum,  theo từng con dốc lớn đổ ra vùng lòng hồ Hòa Bình, dòng suối Bon chảy quanh co dưới các triền núi đá, nhìn từ trên cao dòng suối trông như một dải lụa mềm hiện ra phía núi xa xa. Qua Tân Minh, suối Bon lại gặp dòng suối Chiềng cùng hợp lưu tạo thành suối Nhạp. Trên các dòng suối đó cứ từng đoạn lại bắt gặp những cọn nước đang cần mẫn mang dòng nước về phục vụ cho đời sống, sản xuất của bà con các dân tộc vùng cao. Những cọn nước vẫn chầm chậm quay đều góp một phần đáng kể cho mùa màng bội thu, cho đời sống người dân thêm phần no ấm. Xóm Bon, xã Tân Minh là nơi có nhiều cọn nước nhất, dọc con suối chảy qua xóm, những cọn nước nối tiếp nhau đang cần mẫn quay, múc những ống bương nước đầy đổ vào máng dẫn về bản hoặc đổ ra các cánh đồng. Nhìn những chiếc cọn nước chiếc lớn có đường kính lên tới hơn 5 m đứng bên suối như thách thức với thời gian, con người như được hòa mình và trải lòng cùng thiên nhiên.

 

Hàng năm, khi bắt đầu vào vụ mới, đồng bào vùng cao lại chuẩn bị làm những cọn mới hoặc sửa sang lại những cọn còn đang dùng bên suối để đưa nước vào những chân ruộng bậc thang cho mùa vụ mới. Chúng tôi may mắn được chứng kiến gia đình anh Bàn Văn Hoàng, 42 tuổi cùng vợ và hai con trai đang chuẩn bị làm một chiếc cọn nước mới ngay tại bên bờ suối. Anh Hoàng chỉ cho chúng tôi xem các công đoạn để hoàn thành một cái cọn nước và giải thích: Để làm cọn nước, việc đầu tiên là phải chuẩn bị vật liệu khá kỹ, chọn một cây gỗ thẳng, tốt để làm trục giữa của cọn, tiếp đó là những  cây nứa bánh tẻ hoặc cây sặt già loại cây hay dùng làm cần câu to cỡ chuôi dao để làm nan cọn. Tùy theo kích thước của cọn sau khi hoàn thành mà độ dài của các nan sẽ khác nhau, số lượng các nan như chiếc cọn mà anh Hoàng đang làm là 42 nan, có độ dài trên 2 m. Anh cho biết, khi hoàn thành chiếc cọn sẽ có đường kính gần 5m. Hai cậu con trai anh Hoàng đang đục lỗ trên trục cọn để cắm những nan vào. Các lỗ đục phải sâu đều nhau và đúng bằng số nan cọn để khi cắm nan được chuẩn, cọn tròn đều. Để cố định, giúp cho cọn vững chắc, những người làm cọn sẽ dùng những cây mây hoặc vầu già cố định vòng ngoài. Sau đó, sẽ tiếp tục đan các tấm cánh quạt để gắn vào vòng ngoài cọn, kích thước của cánh quạt cỡ chừng 20 x 40cm, những tấm cánh quạt này có tác dụng như những cánh tua bin khi nước chảy đẩy các cánh quạt làm cả chiếc cọn quay. Một bộ phận khá quan trọng quyết định đến chất lượng cọn nước là những gầu múc nước suối lên tự động đổ vào các máng dẫn nước. Gầu múc được làm bằng những đoạn ống cây vầu chặt vát một đầu và gắn vào vòng cố định cọn. Khi gầu chìm xuống sẽ múc đầy nước tiếp tục quay theo cọn tới tầm cao đã tính toán, gầu quay nghiêng theo chiều quay của cọn đổ nước vào máng dẫn. chị Đặng Thị Loan, vợ Anh Hoàng cho biết: Chồng và các con chị hoàn thiện các công việc cuối cùng để cho xong chiếc cọn nước, còn chị đang chuẩn bị đắp một con đập nhỏ bằng đá suối để hướng dòng nước vào vị trí sau này sẽ đặt cọn nước. Đập không cần lớn lắm sao cho nước vào đủ ngập các cánh quạt nước và các ống bương là được. Cách chỗ đặt chiếc cọn mới khoảng chục mét là một chiếc cọn cũng của gia đình người Dao này. Anh Hoàng vừa buộc các ống bương vào vành chiếc cọn đang làm, vừa cho chúng tôi biết, chiếc cọn này anh mới làm xong cách đây vài ngày có đường kính khoảng trên 3 m đang chầm chậm quay múc nước đổ đầy vào chiếc máng là cây bương to dẫn nước lên thửa ruộng bậc thang gần đó. Chiếc máng cũng được làm khá công phu, là môt cây vầu già vẫn tròn, chỉ có ở những chỗ mắt cây, người dân đục một lỗ sau đó đục bỏ mắt cây đi, cứ như vậy cây vầu thành một ống thông suốt và máng được nối bằng nhiều cây vầu khác nhau tùy theo độ xa gần của chỗ cần lấy nước vào. Anh Hoàng cho biết thêm, từ ngày còn nhỏ anh đã thấy những cọn nước ngày đêm làm việc bên suối. Chiếc cọn đã in sâu trong tâm trí của nhiều người dân nơi đây. Làm cọn nước không phải là một nghề nhưng những trai bản vào tuổi trưởng thành như thế hệ các anh ai cũng thành thạo làm cọn nước. Các cậu con trai của anh cũng theo bố làm cọn nước từ mấy năm nay. Giờ đây, nhìn các con làm rất thành thạo, từ cách buộc dây lạt đến các công đoạn làm trục, uốn tròn vành cọn, nhìn người cha đang tỉ mỉ hướng dẫn các con không nói ra nhưng chúng tôi hiểu anh cũng mong các con sẽ thành thục công việc này như cha. Những chiếc cọn nước giữa đại ngàn thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của đồng bào miền núi trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, là một nông cụ hữu ích, một cỗ máy thân thiện với môi trường, vận hành liên tục không cần ngơi nghỉ. Nơi chúng tôi đang đứng ngắm nhìn chiếc cọn nước vẫn chầm chậm và bền bỉ quay đều từng vòng, từng vòng trong chiều tà, ngắm nhìn vòng quay của chiếc bánh xe khổng lồ giữa  không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng rì rào của nước, như tiếng đàn du dương, xoa đi nỗi nhọc nhằn sau một ngày làm việc nặng nhọc mà cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng. Có thể kể thêm rằng, đoạn cuối cùng của con suối Nhạp nơi dòng suối đổ ra lòng hồ Hòa Bình cũng vừa khánh thành một cọn nước của thời hiện đại, đó là một nhà máy thủy điện có công suất 4 MW ( Nhà máy thủy điện Suối Nhạp) giờ đây đã song hành cùng những chiếc cọn nước xưa, đan xen giữa hiện đại và truyền thống, tô điểm cho bản làng làm sáng bừng núi rừng Đà Bắc.

 

Vùng cao Đà Bắc đã đổi thay sẽ có nhiều mương dẫn nước, nhiều máy bơm đưa nước vào các chân ruộng phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con các dân tộc nơi đây. Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, những chiếc cọn nước sẽ mãi mãi song hành trong cuộc sống của bà con vì nó mang cả hồn của đại ngàn, của suối, của bao thế hệ con người nơi này. Cùng với những thửa ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn truyền thống, tiếng rì rầm bên suối của cọn nước vẫn đang ngân mãi bản tình ca của đại ngàn Tây Bắc hùng vĩ, một Đà Bắc giàu bản sắc, đầy tiềm năng đang hướng tới tương lai.

          

                                                                            Đức Toàn

                                                                                (CTV)

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục