Các người đẹp trình diễn trang phục dân tộc tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Hòa Bình lần thứ I năm 2011.

Các người đẹp trình diễn trang phục dân tộc tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Hòa Bình lần thứ I năm 2011.

(HBĐT) - Bẵng đi mấy thập kỷ, người ta không còn nhắc nhiều tới cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” hay những cái tên Quách Thị Tẻo, Đinh Thị Nụ, những bông hoa của núi rừng đã được vinh danh là hoa hậu xứ Mường của những năm Pháp thuộc. Cho đến khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, cùng với trào lưu của xã hội, Hòa Bình cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi người đẹp với những tên gọi khác nhau. Hơn 10 năm qua, đã có thêm khá nhiều người con gái đẹp của đất mường được vinh danh. Điều đáng mừng là sau cuộc thi, những bông hoa rừng ấy đã luôn nỗ lực hết mình giữ gìn danh tiếng để sắc đẹp của mình mãi mãi được tôn vinh.

 

Người đẹp xứ Mường - chuyện xưa kể lại

 

Cụm từ “hoa hậu” hay “người đẹp xứ Mường” được nhắc đến từ rất sớm, bởi trong những năm đặt ách thống trị ở thủ phủ xứ Mường mà trung tâm là Hòa Bình ngày nay, thực dân Pháp đã tổ chức 2 cuộc thi sắc đẹp có tên “Hoa hậu xứ Mường” vào năm 1932 và năm 1942. Trong cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” năm 1932, người được trao vương miện hoa hậu là bông hoa rừng rực rỡ sắc hương Quách Thị Tẻo, con gái nuôi của nhà Lang Quách Vị, quan Tuần phủ của tỉnh Mường Hòa Bình. Với sắc đẹp nghiêng nước, nghiêng thành cùng với sự thông minh, khôn khéo, hoa hậu xứ Mường đã được bao bọc trong nhung lụa (vì thuở nhỏ là con gái nhà lang và sau này kết hôn với anh trai nuôi Quách Hàm, hoa hậu được phong làm bả ả), sống một cuộc sống vinh hoa tột bậc. Thế nhưng, kiến tạo xoay vần, sau này khi chế độ nhà Lang xụp đổ thì bông  hoa rừng ấy lại phải sống và chết trong sự khốn khó. Những người dân trong vùng kể lại rằng, cuối đời bà phải tự tay dệt khăn, may áo đi bán ở các chợ. Vì là đệ tử của nàng tiên nâu, nên những đồng tiền kiếm được bà đều dành để mua thuốc phiện, đến năm 1984, bông hoa của núi rừng năm nào đã từ giã cõi đời trong thân xác còm cõi, hom hem vì “đói thuốc”.

 

10 năm sau cuộc thi “ hoa hậu xứ Mường” lần thứ  nhất (năm 1942), một lần nữa sắc đẹp của những bông hoa rừng lại được vinh danh và ngôi vị hoa hậu lần này được xướng tên Đinh Thị Nụ, cũng là  con gái của một vị chức sắc ở châu Lương Sơn. 3 năm sau ngày đăng quang ngôi vị hoa hậu, bông hoa rừng Đinh Thị Nụ lên xe hoa làm vợ một thương nhân giàu có ở phố Hàng Khay (Hà Nội). Đám cưới của họ được xem như một sự kiện văn hóa lớn khiến hàng ngàn người quan tâm. Nhưng, những lời chúc phúc cho hoa hậu xứ Mường khi ấy dường như không linh nghiệm. Bà phải sớm rời bỏ đất, người Hà thành để trở về quê cũ vì không có khả năng sinh con. Mấy năm sau, người đẹp đi bước nữa với một người đàn ông đã có một đời vợ và có 2 người con. Cuộc đời của hoa hậu xứ Mường bình lặng trôi đi đến khi chồng mất (cũng tại Hà Nội), bà lại dứt áo trở về quê cũ (Lương Sơn), sống cuộc sống đơn độc và năm 2006, bà đã nhắm mắt xuôi tay ở xứ Mường, nơi sắc đẹp của bà đã được tôn vinh hơn 70 năm về trước.

 

Nhìn vào cuộc đời của 2 người con gái đẹp, 2 hoa hậu xứ Mường của một thời, người ta thường ngẫm nghĩ rồi nhắc lại một câu nói cũ “Hồng nhan, bạc phận”. Nhưng đó là chuyện xưa, chuyện có liên quan đến thời thế và cuộc sống của mỗi con người bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Mọi sự so sánh hay phán đoán đều chỉ có thể ở mức độ tương đối. Nhưng biết đâu được, nếu sống trong cuộc sống hôm nay ở thời đại mới này cuộc sống của họ đã khác, độc lập, mạnh mẽ và tự tin như những gì mà người đẹp xứ Mường thời hiện đại đang sở hữu.

 

Người đẹp xứ Mường trong sắc diện, tâm thế mới

 

Tuy không được tổ chức một cách quy mô  và ngay cả tên gọi cũng hết sức khiêm tốn: “Thi người đẹp các dân tộc tỉnh Hòa Bình”, “Thi trình diễn trang phục người đẹp các dân tộc”... từ năm 2000 đến nay, đất Mường Hòa Bình đã có thêm nhiều mỹ nữ được vinh danh. Theo lời nhận xét của những người làm công tác chuyên môn: tổ chức giải, tham gia BGK, hay huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng trình diễn... thì những bông hoa của đất Mường Hòa Bình ngày càng đẹp hơn và họ luôn chịu khó học hỏi để có kỹ năng, kiến thức cơ bản phục vụ cho chính cuộc sống của mình, cho gia đình và cộng đồng xã hội.

 

       

 

       

Các thí sinh đoạt giải cao tại cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ I năm 2011. Trong ảnh: Thí sinh Nguyễn Thị Minh Trang (TPHB) đoạt giải A (bên trái), 2 thí sinh đoạt giải B: Hà Thị Hằng (Sơn La) và Đinh Quỳnh Anh (Lương Sơn).

 

 

Đi từ cái mốc “Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc Tây Bắc” năm 2000 được tổ chức tại Hòa Bình, hẳn nhiều người dân thành phố Hòa Bình còn nhớ tới cái tên Đặng Quỳnh Nga, một thiếu nữ dân tộc Thái (Mai Châu) đã được trao giải Hoa khôi trong phần thi trình diễn người đẹp các dân tộc Tây Bắc. Ai cũng có thể hiểu được những giọt nước mắt sung sướng của Quỳnh Nga khi được Ban tổ chức cài chiếc vương miện xinh xắn trên đầu. Chính bản thân Quỳnh Nga cũng hiểu rằng, từ giờ phút này mình đã được công nhận là một trong số những người đẹp nhất của đất Mường Hòa Bình và 6 tỉnh khu vực Tây Bắc.  Sau buổi lễ đăng quang hôm ấy, dù không đặt ra cho mình mục tiêu phải trở thành người nổi tiếng, nhưng cô hoa khôi đã tự nhủ mình phải sống tốt hơn để những nét đẹp của mình ngày càng trở nên đằm thắm và có chiều sâu trong mắt mọi người. Là cử nhân Luật, Quỳnh Nga đã luôn cố gắng vận dụng những kiến thức đã học cùng với năng lực thực tiễn của bản thân để làm tốt vai trò của một cán bộ ngành Tư pháp của tỉnh. ở tuổi 30 , hoa khôi Quỳnh Nga muốn thử sức mình ở một lĩnh vực công tác mới và giờ đây cô đang làm nhiệm vụ của một thượng úy Trinh sát Điều tra (Công an tỉnh). Hơn 10 năm đã trôi qua, giây phút đăng quang hoa khôi hôm ấy giờ chỉ còn là hoài niệm, nhưng đó là những hoài niệm đẹp đã chắp cánh cho cô vươn tới một tương lai rộng mở. Dù chưa thực sự thành đạt ở mức xuất sắc, nhưng ở cơ quan, đơn vị cô luôn cố gắng để vươn tới danh hiệu  “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cố gắng làm tốt mọi việc, sống cuộc sống bình yên, dung dị bên những người  thân yêu.

 

Cũng chung niềm vui như đàn chị Đặng Quỳnh Nga,  người đẹp Hồ Kiều Oanh, một thiếu nữ đất Mường Thàng (Hoa khôi được vinh danh trong Ngày Hội Văn hóa Mường toàn quốc năm 2007) tại Hòa Bình luôn nỗ lực vươn lên để biến ước mơ, khát vọng của mình trở thành hiện thực. Khi được đăng quang ngôi vị hoa khôi, Kiều Oanh đang là sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 1. Sau buổi lễ đăng quang, hoa khôi lại về Hà Nội để tiếp tục việc học tập. Vừa học, vừa đi làm, Kiều Oanh luôn bận rộn nên cũng không có thời gian để nghĩ nhiều cho bản thân. Sau này, khi cơ duyên đến cô đã có dịp được thử sức ở lĩnh vực điện ảnh, giấc mơ mà cô đã ấp ủ từ khi còn là một nữ sinh trung học. Dù chưa được học hành qua trường lớp nhưng bằng năng khiếu bẩm sinh và gương mặt, vóc dáng khả ái  cùng vốn sống của mình,  Kiều Oanh đã lần lượt hóa thân vào các vai diễn trong các bộ phim Mường Động, “Bến Đò xưa lặng lẽ”, “Đi qua bóng tối”, “Trường sinh đất Mường”... Được vinh danh trong ngày hội của dân tộc Mường nên dù làm việc gì, ở đâu, Kiều Oanh cũng luôn chú ý giữ gìn nét văn hóa của người Mường và tự  hào là người con của đất Mường Hòa Bình.

 

Năm 2011 vừa khép lại, đó cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, xã hội của tỉnh nhà, trong đó nổi bật là lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm ngày tái lập tỉnh và Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh lần thứ nhất. Ngoài các hoạt động như mít tinh, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng, hội thảo giữ gìn bản sắc văn hóa... có một chương trình thu hút đông đảo khán giả dự xem là trình diễn trang phục người đẹp các dân tộc. Tham gia màn trình diễn có 32 thí sinh đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh và một số người đẹp đến từ các tỉnh bạn như: Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Gia Lai. Kết thúc cuộc thi, thí sinh Nguyễn Thị Minh Trang (TPHB) đã được Ban tổ chức trao giải A, người đẹp nhất trong đêm hội. Trước những tràng pháo tay và ánh mắt ngưỡng mộ của khán giả, Minh Trang nguyện hứa với mình phải học tập thật tốt, sống thật chan hòa để trở thành một người phụ nữ không chỉ đẹp ở vẻ bề ngoài mà có đủ  phẩm chất “công” “dung”, ngôn” “hạnh” của người phụ nữ Việt Nam, được công chúng yêu mến. Hiện, Trang đang là sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế T.ư. Được vinh danh là người đẹp của đất Mường trong năm 2011, bước chân của Minh Trang đã có thêm nhiều  ánh mắt dõi theo, cô biết vậy và luôn cố gắng vươn lên để vượt qua chính mình và vươn tới những thành công với một tương lai rộng mở.

 

Hơn 10 năm tham gia tuyển chọn, hướng dẫn kỹ năng trình diễn, cũng như bổ trợ kiến thức văn hóa, xã hội cơ bản cho các thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài tỉnh, chị Khà Thị Quyên, cán bộ Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh bộc lộ rõ niềm hứng khởi qua những lời bộc bạch tâm tình: Làm nghệ thuật nên chúng tôi nhìn cái đẹp có lẽ khắt khe hơn với những chuẩn mực nhất định. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đất Mường Hòa Bình ngày càng có thêm nhiều những bông hoa đẹp. Thật khó khăn để chọn lựa ra những thí sinh đẹp nhất khi các em đứng trên sân khấu của các cuộc thi sắc đẹp. Bởi vậy, trong mỗi cuộc thi sắc đẹp của tỉnh nhà tổ chức, hay tham gia các cuộc thi sắc đẹp tầm khu vực, chúng tôi thường lựa chọn hết sức kỹ lưỡng. Sự lựa chọn khắt khe đó nhằm đảm bảo một yếu tố rằng, khi đã được vinh danh ở ngôi vị hoa khôi, hoặc người đẹp thì đó là người không chỉ đẹp về mặt hình thể mà phải là một người phụ nữ có trí tuệ và một tâm hồn đẹp. Chúng tôi đã làm được điều đó và đã cảm thấy tự hào khi những người đẹp xứ Mường sau ngày được vinh danh đã luôn nỗ lực tìm cách hoàn thiện mình, để có một hình ảnh  thực sự hoàn mỹ, góp phần làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.

 

 

                                                                           Thúy Hằng  

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục