Câu chuyện dân quân, du kích xã Mường Chiềng bắn cháy chiếc máy bay F4H ngày 30/4/1967 luôn được ông Xa Văn Chủng kể cho con cháu nghe.

Câu chuyện dân quân, du kích xã Mường Chiềng bắn cháy chiếc máy bay F4H ngày 30/4/1967 luôn được ông Xa Văn Chủng kể cho con cháu nghe.

(HBĐT) - Đã từng ghi nhớ là sẽ về Mường Chiềng (Đà Bắc) khi tháng tư về. ấy vậy mà chút nữa lại quên nếu như ông bạn không nhắc. Mường Chiềng - trung tâm cụm xã vùng cao của huyện Đà Bắc, dẫu đã nhiều lần đến nhưng chẳng lần nào lại có cảm giác nao nao khó tả như lần này. Có lẽ cũng tại suy nghĩ đây là chuyến đi để tìm lại những chiến sỹ dân quân, du kích xã Mường Chiềng năm xưa đã hạ gục một máy bay F4H của Mỹ cách đây vừa tròn 46 năm bằng một loạt đạn súng trường. Giờ chẳng rõ ai còn, ai mất...

 

 

Những người cuối cùng còn lại 

Nỗi lo không thể gặp được những chiến sỹ dân quân, du kích năm xưa bắn rơi một chiếc máy bay của Mỹ trên bầu trời Mường Chiềng không phải là vô căn cứ bởi thời gian đã trôi quá xa nên có thể thấy rằng việc tìm lại những chiến sỹ dân quân, du kích năm xưa dễ trở thành vô vọng đầy tiếc nuối. Theo một số sử liệu còn ghi, chiếc máy bay mà dân quân, du kích xã Mường Chiềng bắn rơi vào chiều ngày 30/4/1967 là chiếc máy bay F4H vô cùng hiện đại của không quân Mỹ lúc bấy giờ và đây là chiếc máy bay thứ 3 bị dân quân, du kích bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hòa Bình. Tính vậy, đến nay cũng đã vừa tròn 46 năm. Về Mường Chiềng trong ngày trời trở gió với cái rét nàng Bân bất chợt ùa về. Ngồi ở trụ sở xã, thay cho sự háo hức là cảm giác tuyệt vọng đã xâm chiếm ngay khi Bí thư Đảng ủy xã Mường Chiềng Xa Văn Cò cho biết: 5 cụ trong tổ dân quân, du kích xã lập chiến công bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967 giờ chẳng còn ai. Cách đây vài hôm, cụ Xa Văn Chặp ở xóm Bản Hạ là người cuối cùng trong tổ dân quân, du kích năm xưa vừa mới về “Mường Trời”.

 

Vậy là lại thêm một chuyến đi đầy tiếc nuối. Đang nấn ná ngồi nhâm nhi nốt ấm trà mạn để xua đi sự lạnh giá của vùng núi cao trong cái rét nàng Bân sau một chuyến đi dài vội vã lại bị giật mình bởi sự phấn khích chẳng đầu, chẳng đuôi của ông Bí thư Đảng ủy xã: “Có rồi, vẫn còn sống”. Ngơ ngác hỏi lại mới rõ lúc trước ông Bí thư đã nhớ nhầm. ông bảo: Còn hơn cả may mắn vì hiện nay vẫn còn một cụ năm nay tính ra cũng đã ngoài 80 tuổi, trí nhớ còn minh mẫn. Ngoài ra, còn có cụ Xa Văn Chủng nguyên là xã Đội trưởng, người giao nhiệm vụ trực chiến và chiến đấu tại trận địa phòng không đồi Ranh cho tổ dân quân, du kích xã hiện vẫn còn sống ở xóm Nà Nguồm. Lần theo những thông tin do ông Bí thư Đảng ủy xã cung cấp, tôi chọn đường về Bản Hạ để tìm gặp lão dân quân Xa Văn ăng trong tổ  trực chiến năm xưa trực tiếp bắn rơi chiếc máy bay phản lực F4H trên bầu trời Mường Chiềng chiều ngày 30/4 cách đây đúng 46 năm. Giữa giờ cơm nhưng căn nhà sàn cũ kỹ của gia đình ông ăng vắng lặng. Hỏi quanh, hàng xóm bảo: ông cụ đi cúng cho người xóm dưới cũng sắp về.

 

Đành vậy, chúng tôi lại ngược về Nà Nguồm, tìm về nhà ông Xa Văn Chủng. Thật may mắn khi gặp được ông và cả gia đình đang ngồi quây quần bên bếp lửa. ông cụ ngoài 80 ấy móm mém cười và đưa cánh tay nhăn nheo, gân guốc nắm lấy tay chúng tôi thật chặt, thật ấm áp. Bên bếp lửa, câu chuyện bắn máy bay của dân quân, du kích xã Mường Chiềng năm xưa cũng thật cởi mở...      

   

Hạ gục máy bay F4H bằng súng trường

 

Thật khó có thể tin, trí nhớ của một ông lão đã ngoài 80 tuổi như ông Xa Văn Chủng còn mẫn tiệp đến vậy. Quây quần bên bếp lửa, ông kể: Ngày đấy, tuy là xã Đội trưởng nhưng tôi cũng tham gia trực chiến bắn máy bay Mỹ trên trận địa đồi Ranh. Hôm ấy, mình vừa đổi ca để tổ dân quân, du kích ở xóm Bản Hạ gồm có 5 anh em là Xa Văn ăng, Hà Văn Đệ, Xa Văn Kỳ, Xa Văn Lọ và Xa Văn Chặp lên trực chiến xuất hiện một tốp máy bay địch gồm 3 chiếc vừa đi ném bom Hà Nội về. Chúng cứ lừng lững như con trâu mộng gầm rú, vội vã để trở về căn cứ, trong đó có 1 chiếc bị lưới lửa phòng không của ta bắn bị thương. Phát hiện máy bay địch ở khoảng cách xa, đợi khi chúng đến đúng tầm súng, chỉ sau một loạt đạn, một chiếc máy bay đi giữa trúng đạn bốc cháy. Cứ hình dung lúc đó nó giống như một bó đuốc lớn rừng rực lửa, khói đen xì chúi đầu lao về phía khu rừng giáp ranh giữa Mường Chiềng với xã Đồng Nghê. Những chiếc còn lại hoảng sợ, vọt lên cao rồi tăng tốc bỏ chạy.

 

Trở lại ngôi nhà sàn của ông Xa Văn ăng khi chiều muộn, trong căn nhà trống huếch, ông cụ một mình ngồi co ro bên bếp lửa. Tuổi cao, mắt mờ, tai nặng. Nói chuyện mà cả người hỏi và người trả lời cứ như hét vào tai nhau. Nhưng được cái trí nhớ của ông cụ vẫn còn minh mẫn dù năm nay đã ngoài 80. Theo trí nhớ của ông cụ, hôm đấy, khi cả tổ vừa ăn cơm xong, phát hiện có một tốp máy bay của địch gồm 3 chiếc đang bay về hướng Mường Chiềng. Ngay lập tức, anh em vào vị trí chiến đấu hướng về phía máy bay địch đang lừng lững bay đến. Lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ rồi chúng lớn dần bằng con chim. Đợi đến khi chúng “to” bằng con mèo chúng tôi bắt đầu bắn. Mình tính bắn thằng đi trước để trúng cái đi tiếp theo. Sau một loạt đạn, chỉ trong tích tắc chiếc máy bay đi thứ 2 ở giữa trúng đạn và bốc cháy. Cái đi đầu, cái đi sau hoảng sợ, vọt lên cao rồi  bỏ chạy luôn. Ngay sau khi máy bay rơi, chúng tôi đã về báo cáo với lãnh đạo địa phương và tổ chức truy bắt giặc lái luôn. Giữa rừng núi hoang vu, rậm rạp phải mất đến 2 ngày lần tìm theo dấu vết vừa phải chiến đấu chống lại những chiếc máy bay địch đang quần thảo trên bầu trời để giải cứu phi công, những chiến sỹ dân quân, du kích xã Mường Chiềng mới bắt được tên giặc lái khi đang lẩn trốn trong những hốc cây cổ thụ.

 

Kể lại chiến công bắn rơi chiếc máy bay F4H trên bầu trời Mường Chiềng cách đây 46 năm, ông Xa Văn Chủng như phấn khích hẳn lên: Thú thực ngày ấy nghe thấy tiếng máy bay mình cũng sợ lắm chứ. Dù vậy, mình vẫn phải đánh nó, mới đầu cũng nghĩ là nó bay cao, bay nhanh thế làm sao bắn được. Nhưng khi được cán bộ trên Tỉnh đội, Huyện đội về phổ biến kinh nghiệm bắn máy bay, anh em chúng tôi cũng vững dạ. Theo ông Xa Văn ăng, trong quá trình tổ chức trực chiến, bắn máy bay bay thấp, có một kinh nghiệm bắn máy bay của dân quân, du kích xã Mường Chiềng mà sau này nhiều nơi đã học hỏi, áp dụng vào trong chiến đấu là để xác định mục tiêu vào đúng tầm súng, trên trận địa chúng tôi đã bố trí buộc một sợi dây trên 2 thân cây căng ngang trước mặt để lấy góc bắn. Khi nào máy bay chạm dây, nổ súng tiêu diệt mục tiêu. Đây là trận đầu chúng tôi nổ súng và đã tiêu diệt được một chiếc máy bay. 

 

Chẳng biết về sau có phải do sợ lưới lửa phòng không tầm thấp của lực lượng dân quân, du kích xã Mường Chiềng mà sau mỗi lần đi ném bom bắn phá Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng, trên đường trở về, giặc lái Mỹ thường bay vút cao lên bầu trời, tránh xa lưới lửa phòng không tầm thấp của những chiến sỹ dân quân, du kích. “Từ đận ấy, chúng nó sợ không dám bay thấp nữa. Nó mà còn bay thấp, kiểu gì bố cũng “làm” thêm được vài cái nữa. Vì các bố đều là những tay “thiện xạ” cừ khôi nức tiếng một vùng mà”. Câu nói ấy dường như đã làm sống lại một ký ức huy hoàng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của ông lão vừa bước sang tuổi 82...  

 

                                                        Mạnh Hùng     

                    

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục