Đoàn cán bộ Hội Nhà báo tỉnh thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ.

Đoàn cán bộ Hội Nhà báo tỉnh thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ.

(HBĐT) - Ngày ấy, họ đều ở cái tuổi 20. Hừng hực sức trẻ, hừng hực quyết tâm chiến đấu. Dẫu cho phía trước là gian khó với “mưa rừng, cơm vắt, máu trộn bùn non”. Nhưng chẳng có ai lùi bước. Người trước ngã xuống, người sau lại tiếp bước tiến lên... để làm một Điện Biên Phủ (ĐBP) huyền thoại, một ĐBP gây chấn động địa cầu cách đây 59 năm.

 

Điện Biên Phủ - ngày trở về

 

Nghĩa trang chiến dịch ĐBP (thành phố ĐBP) khi chúng tôi đến, vẫn một màu trắng hoang hoải. Nhưng lạ, chẳng có cảm giác buồn lạnh lẽo mà ngược lại vẫn luôn là cái cảm giác gần gũi với nhịp đập  những trái tim hồng của người lính thuở 20 còn nằm lại. Đó cũng là những cảm xúc của những người lính Điện Biên năm xưa khi trở về thăm lại chiến trường xưa. Thành phố ĐBP ngày nay vẫn còn đó cánh đồng Mường Thanh rộng ngút màu nắng với sóng lúa dập dờn; còn đó cầu Mường Thanh thuở rầm rập quân đi; còn đó đồi A1 với dấu vết của khối thuốc nổ nghìn cân, còn đó sở chỉ huy của Pháp tại cứ điểm ĐBP nơi viên bại tướng Đờ Cát bị bắt và ĐBP vẫn còn nhiều lắm dấu tích chiến tranh... Nhưng ĐBP ngày nay đã khác hoàn toàn so với thung lũng lòng chảo ĐBP cách đây 59 năm khi quân Pháp đã lựa chọn để xây dựng một cứ điểm mà chúng cho là “bất khả xâm phạm”. Trong chuyến công tác ĐBP cách đây chưa lâu, chúng tôi may mắn được gặp đoàn “chiến sỹ ĐBP” tỉnh Thái Bình về thăm lại chiến trường xưa. Gặp họ, trò chuyện với họ mới thấy ý chí quật cường, lòng tự hào dân tộc trong mỗi người lính năm xưa lớn đến nhường nào. Với họ, sau chiến thắng có người đã từng trở lại ĐBP và có người mới chỉ lần đầu trở lại chiến trường xưa. Dù cho tóc đã bạc, lưng còng, râu tóc bạc như cước, có cụ mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng khi về đây, họ đều tràn đầy sức sống bởi ĐBP vẫn còn trong ký ức của họ như thuở vừa tròn tuổi 20 với sự tàn khốc của chiến tranh, với một cánh đồng Mường Thanh còn phủ kín bom đạn và hàng rào dây thép gai; với chi chít hầm hào, cả với những nước mắt, nụ cười sau mỗi trận đánh. “Về ĐBP, tôi vẫn còn có cảm giác như mình đang là một người lính. Vẫn còn vẳng bên tai tiếng hô “xung phong” của đồng đội”, một cựu binh già vui vẻ nói với những người cùng đi. Câu nói ấy như khơi lại dòng chảy ký ức trong mỗi người lính ĐBP năm xưa. Trong ồn ào của phố sá thành phố ĐBP, tôi vẫn còn nghe rõ những câu chuyện của các cụ với dòng chảy ký ức “nơi này chúng tôi đào hầm, đào hào”, nơi kia “đại đội tôi bắn rơi chiếc máy bay Dakota”... và cả những ký ức về những con đường, cây cầu Mường Thanh khi họ trở về trong chiến thắng rạng rỡ nụ cười với cờ, hoa sau “56 ngày đêm ngủ hầm, mưa rừng, cơm vắt, máu trộn bùn non”. Nơi nghĩa trang liệt sỹ ĐBP (Nghĩa trang liệt sỹ A1), kính cẩn thắp nén hương tri ân cho những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch ĐBP, nhìn vào đôi mắt, ai cũng đỏ hoe. “Trong mưa bom bão đạn giữa lòng chảo ĐBP, người ta có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng khi ấy, cũng chẳng ai mảy may, đắn đo về ranh giới sống - chết mong manh ấy. Chỉ biết quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, chiến đấu quên mình cho chiến dịch”, một cựu binh là chiến sỹ ĐBP năm xưa nghẹn lời như lý giải cho màu trắng tang thương hiện hữu ngay trước mắt. 4.020 người chết, 9.118 người bị thương, 792 người bị mất tích trong cuộc chiến “56 ngày đêm”. Đó là những con số thống kê chưa đầy đủ, là nỗi mất mát đớn đau nhưng cũng là niềm tự hào bất tận. Cả nghĩa trang có hàng ngàn ngôi mộ mà hầu hết đều là mộ liệt sỹ vô danh. Cùng với đó là ngôi mộ của 4 người anh hùng đã được lịch sử tôn vinh như những huyền thoại: Trần Can, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện. Còn lại, tên các liệt sỹ được đúc chữ đồng theo danh sách từng tỉnh, thành phố. Nghĩa trang liệt sỹ ĐBP là minh chứng cho sự khắc nghiệt của cuộc chiến “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”. Dẫu thế, trong dòng chảy ký ức của những người lính Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn nguyên khuôn mặt đen nhẻm màu khói súng, còn tươi rói những nụ cười của đồng đội, những người đã nằm lại ở chiến trường ĐBP năm xưa.     

  

Cái tên ĐBP, miền đất cuối trời Tây Bắc đã ăn sâu, ở lại mãi mãi trong tiềm thức những người lính năm xưa. Để mỗi dịp tháng 5 về lại bồi hồi, sống dậy những ký ức thuở đôi mươi của những cụ ông, cụ bà nay đã lùi xa 59 năm rồi. 

 

Tất cả cho tiền tuyến lớn

 

Chúng tôi may mắn khi được nghe vợ chồng ông Văn Hồng Lương - những chiến sỹ ĐBP năm xưa kể cho nghe về thời còn đi chiến dịch trước khi ông qua đời vì cơn bạo bệnh. ông là bộ đội, còn bà là dân công hỏa tuyến. Họ gặp nhau trên đường ra chiến dịch và nên duyên vợ chồng sau khi kết thúc chiến dịch. Trong câu chuyện của họ, đó là những gian truân, vất vả trên đường hành quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm bằng xe thồ băng rừng, vượt dốc lên phục vụ chiến trường. Còn với ông Giang Hồng Phúc, ký ức trong chiến dịch ĐBP là những nụ cười của đồng đội sau trận đánh công đồn nơi lòng chảo Mường Thanh để thít sợi dây thòng lọng vào tập đoàn cứ điểm mà thực dân Pháp vẫn luôn huênh hoang đó là một nơi “bất khả xâm phạm”. “Không chỉ những người lính như chúng tôi mà ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch ĐBP vào tháng 11/1953, cùng với nhân dân các tỉnh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã sục sôi tinh thần, ý chí chiến đấu với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” - ông Nguyễn Quốc Sự, CCB thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở xóm Dụ, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) bồi hồi nhớ lại.

 

Được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tập kết nguồn chi viện sức người, sức của từ đồng bằng Liên khu 3, Liên khu 4, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị kho tàng, bến bãi. Đồng thời, triển khai hiệu quả đấu tranh chống lại sự quấy phá bằng không quân của địch nhằm chặt đứt con đường vận chuyển của ta. Thực hiện chủ trương bảo đảm thông suốt các tuyến vận tải qua Hòa Bình, huy động nhân lực, mọi phương tiện để tiếp nhận, vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận; vận chuyển, chăm sóc thương binh, xay, giã thóc, gạo, cung cấp thực phẩm cho mặt trận; đón, giúp đỡ dân công từ Liên khu 3, Liên khu 4 qua Hòa Bình lên Tây Bắc của Tỉnh ủy, quân và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ hậu phương vững chắc, bám địch, đánh địch không cho chúng xâm nhập vào nội địa, bảo đảm an toàn kho tàng, giao thông vận chuyển, an ninh xã hội; tham gia vận động, đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến trường. “Bước vào chiến cuộc đông - xuân 1953 - 1954, nhất là từ khi khẩn trương chuẩn bị chiến dịch ĐBP, nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao, sâu, xa đều sôi động, hăng hái thi đua với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Ai cũng hăng hái đi dân công, xây dựng kho tàng, lán trại, đón tiếp giúp đỡ các đoàn dân công, đơn vị bộ đội, dân công tải lương thực, thực phẩm, giúp đỡ làm cầu vượt sông, qua suối...” - ông Giang Hồng Phúc khi ấy là cán bộ trợ lý tác huấn của Trung đoàn 12 Hòa Bình nhớ lại.

 

Cùng với đó, từ tháng 1/1954, trước yêu cầu khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch ĐBP, tỉnh Hòa Bình được giao nhiệm vụ tham gia sửa chữa đoạn đường từ Hòa Bình lên Mộc Châu (Sơn La) LLVT, TNXP và hơn 3.000 dân công của tỉnh đã tham gia tu sửa, tôn cao, mở rộng trên 70 km đường, kịp thời phục vụ bộ đội, dân công và các đoàn xe thồ, xe ôtô ra mặt trận. Tổng kết chiến dịch ĐBP, toàn tỉnh đã huy động 381.292 lượt dân công, 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng hóa, huy động 170.000 ngày công xay giã 545 tấn thóc cho bộ đội. Cùng với sức người, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã cung cấp cho mặt trận 39.517 kg thịt trâu, bò, 1.840 m3 gỗ, hàng vạn cây tre, bương... Từ những đóng góp đó đã góp phần quan trọng vào chiến thắng ĐBP ngày 7/5/1954 để đưa đất nước bước vào giai đoạn lịch sử mới.

 

                                                                   Mạnh Hùng

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục