Giờ học của cô và trò chi trường mầm non bản Nưa.

Giờ học của cô và trò chi trường mầm non bản Nưa.

(HBĐT) - Tháng1/1983, công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình bắt đầu tiến hành ngăn sông đợt I, đó cũng là thời điểm người dân bản Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) rời quê cha đất tổ nhường ruộng đất, vườn tược cho công trình thế kỷ. Đã an cư trên vùng đất mới hơn 30 năm nhưng cuộc sống của người dân bản Nưa còn nhọc nhằn lắm. Cả bản có 67 hộ, 288 nhân khẩu nhưng chỉ có 30 ha đất để trồng ngô, sắn. Vì vậy, ngoài số tiền ít ỏi từ kinh phí Nhà nước hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hàng năm cùng chút ít thu nhập từ bán măng, luồng, đời sống của người dân ở đây chủ yếu dựa vào đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình.

 

Bước vào năm 2013, cuộc sống của người dân bản Nưa càng trở nên bấp bênh khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí làm lồng và cung cấp cá giống thì gần một nửa số cá giống của 28 lồng cá được đầu tư từ nguồn vốn dự án giảm nghèo đã chết sau khi thả vài ngày. Trong khi đó, hàng chục lồng cá đã đến kỳ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được. Trưởng bản Đinh Văn Thái trăn trở: “Những năm trước, các lồng cá đến kỳ thu hoạch tiêu thụ khá thuận lợi. Nhưng năm nay, tư thương mua nhỏ giọt lại ép giá. Cá trọng lượng trên 5 kg chỉ có 55.000 đồng/kg, 3 kg chỉ được 45.000 đồng/kg, không bán, càng nuôi càng lỗ, bán thì sót của. Đánh bắt tôm, cá trên hồ thị phụ thuộc vào con nước, ngày được, ngày không nên đời sống ngày càng khó khăn. Chúng tôi mong muốn có đơn vị, doanh nghiệp nào đó bao tiêu sản phẩm thủy sản mới có thể yên tâm đầu tư sản xuất, cuộc sống mới ổn định.

 

Hàng chục năm qua, phương tiện đi lại của người dân bản Nưa là tàu, thuyền trên vùng hồ. Họ luôn khát khao có đường ô tô để được mở mang giao lưu, mua bán trao đổi hàng hóa. Cách đây 4 năm (cuối năm 2008), bằng nguồn vốn dự án ổn định và phát triển dân cư vùng lòng hồ sông Đà (472), hơn 3,5 km đường ô tô ở bản Nưa đã được đầu tư xây dựng. Nhìn con đường mới uốn lượn theo bờ hồ, ai nấy đều tràn đầy niềm vui. Nhưng thật trớ trêu, đường chỉ làm đến khu vực giáp ranh với xóm Vôi, xã Thái Thịnh (TPHB) thì bỏ dở đến tận bây giờ. Chỉ cách vài trăm mét, người dân xóm Vôi ngược xuôi ô tô, xe máy, củ dong, củ sắn, bắp ngô, cây luồng, con cá, con tôm đua nhau bốc lên xe ùn ùn trở về vùng hạ lưu nên đời sống ngày càng khấm khá. Phía bên này, bản Nưa vẫn im lìm, lầm lũi và công trình tiền tỷ cũng dần để đi cây cối, lau sậy, cỏ dại mọc kín mặt đường, không có ai duy tu, bảo dưỡng, nhiều đoạn đã sụt lún, sạt lở.

 

Làm ra con cá đã khó, khi bán thì bị ép giá khiến người dân bản Nưa không khỏi nản lòng. Không chỉ có thế, chuyện ốm đau, sinh nở ở bản Nưa cũng là nỗi bức xúc đã kéo dài nhiều năm qua bởi đò giang cách trở. ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư chi bộ bản Nưa cho biết: “Không kể 20 km đường bộ từ xã ra huyện, đi bằng thuyền máy từ bản vào trung tâm xã cũng mất khoảng 50 phút nhưng xuôi xuống cảng Bích Hạ (xã Thái Thịnh - TP Hòa Bình) chỉ mất chưa đầy 30 phút. Vì vậy, khi có người ốm nặng hay có ca đẻ khó, chúng tôi luôn đi thẳng xuống Bích Hạ để vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho kịp thời. Nhưng nhiều người sau khi đã được nhập vào Bệnh viện tỉnh quay về Bệnh viện Đa khoa huyện xin giấy chuyển viện để được hưởng chế độ BHYT đều bị từ chối vì lý do đi tắt từ bản xuống tỉnh, nên đã khó khăn lại càng thêm túng bấn.

 

Không riêng gì những bức xúc trong chuyện ốm đau, thai sản, bất cứ ai khi vào thăm chi trường mầm non, tiểu học ở bản Nưa cũng đều hết sức xúc động trước tấm lòng yêu nghề, mến trẻ và tinh thần ham học của các cô giáo và học sinh ở đây. Phòng học thứ nhất có 5 em thì 2 em là học sinh lớp 1 và  3 em là học sinh lớp 4. Phòng học thứ 2 cũng 5 em thì 3 em là học sinh lớp 2 và 2 em là học sinh lớp 3. Dạy, học ở lớp ghép quả là khó khăn vì phải bố trí 2 bảng hai đầu lớp, giảng cho lớp 1, lớp 3 ngồi nghe và ngược lại. Vậy mà các cô giáo luôn bám trường và thật vui khi bản Nưa không có em nào bỏ học. Chi trường mầm non cũng vậy, 2 cô giáo lo dạy dỗ, chăm sóc cho 19 cháu học bán trú nhưng khác với mọi nơi, học sinh mầm non ở bản Nưa tới trường đều tự mang theo cạp lồng để ăn trưa. Chị Đinh Thị Hòa, giáo viên chi trường tiểu học bản Nưa tâm sự: “Thương nhất là các em học sinh THCS, THPT phải ra tận xã, huyện, các em đi, về hàng ngày, 4-5 em chung nhau một chiếc thuyền nan nhỏ. Những ngày mưa to, gió lớn, bố mẹ chỉ yên lòng khi các cháu đã về đến nhà. Khó khăn là thế nhưng không có em nào ở bản Nưa bỏ học, quý hơn nữa là đã có 1 em trúng tuyển và đang học tại trường Đại học sư phạm Hà Nội.

 

Do đất canh tác quá ít nên bản Nưa không thể đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, vì vậy, bán được con cá, cây luồng, củ sắn, bắp ngô... là phải danh dụm để đong gạo và mua các mặt hàng nhu yếu phẩm. Chị Đinh Thị Nhật cho biết: “Việc mua bán các loại hàng hóa chủ yếu do tàu chợ mang đến vào sáng thứ hai hàng tuần. Kể ra cũng tiện lợi nhưng mua hàng tàu chợ tù mù lắm, không biết đâu là hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng hay hết hạn sử dụng vì tàu chợ lênh đênh sông nước không có cơ quan chức năng nào để ý, ngó ngàng tới.

 

Tạm xa bản Nưa, chúng tôi thấy canh cánh trong lòng khi tỷ lệ hộ nghèo ở đây còn tới 68%, thu nhập bình quân hiện mới chỉ đạt 6 triệu đồng/người/năm. Điều khiến chúng tôi vững lòng hơn cả là hàng chục năm qua, bản Nưa luôn bình yên vì tệ nạn ma túy không xâm nhập vào địa bàn. Bản Mường vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, đó là những nếp nhà sàn bình dị và nếp sống đằm thắm nghĩa tình. Màn đêm buông xuống,  bản Nưa bừng sáng dưới ánh điện lung linh soi mình xuống mặt hồ trong veo, êm ả.

 

                                                                             Đức Phượng

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục