Anh Xa Văn Nh,(trái ảnh), xóm Nà Chiếu (xã Cao Sơn) đang kể với các công an viên chuyện về con gái lớn không biết đang trôi dạt phương nào.

Anh Xa Văn Nh,(trái ảnh), xóm Nà Chiếu (xã Cao Sơn) đang kể với các công an viên chuyện về con gái lớn không biết đang trôi dạt phương nào.

(HBĐT) - Xóm Nà Chiếu (Cao Sơn - Đà Bắc) mùa này đang rợp một màu xanh ngắt của ngô đang sắp chắc hạt. Con đường bê tông hoá (từ năm 2009) khiến việc đi lại, làm ăn của bà con thuận lợi hơn. Ô tô đến tận nhà mua ngô, trao đổi hàng hoá. 100% số hộ được dùng điện lưới, có ti - vi xem; 98% số hộ có xe máy. Những ngôi nhà trải dài, bình yên trong nắng sớm, không mấy ai mảy may rằng: bên trong những ngôi nhà đó vẫn đang ngổn ngang những nỗi niềm, day dứt và vật vã những hy vọng. Nơi đây, vừa qua có nhiều sơn nữ là nạn nhân của một vụ đưa người ra nước ngoài trái phép...

 

 Người mẹ nghèo... mong con đừng đi nữa...

 

Ngôi nhà của Đinh Thị D.H (sinh năm 1996) thấp nhỏ và lọt thỏm dưới chân núi Thung Củ. Thuộc diện hộ nghèo nên cách đây 10 năm, gia đình được hỗ trợ 8 triệu đồng để làm ngôi nhà này (xây tường, lợp Proximăng...). Trong căn phòng trống nhỏ trống tênh chẳng có đồ đạc gì đáng giá (ngoài bộ bàn ghế cũ kỹ, xỉn mốc cùng thời gian). Theo lời người mẹ, cháu H đi làm nương chưa về. Lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, già hơn cái tuổi 42, chị Định Thị Th. trải lòng: gia đình khó khăn, dân trí thấp. Chồng học lớp 2, còn tôi không đi học, không biết chữ. Chưa bao giờ đi quá thị trấn Đà Bắc. Cũng buồn và thương con lắm anh ạ. Nhà nghèo quá, năm ngoái, cháu nói đi làm công nhân ngoài thành phố Hoà Bình nhưng không đủ sống vì lương thấp, thế là các cháu chuyển nghề. Không may, bị người ta đưa đi nước ngoài trái phép, được một tuần, sợ quá, cháu đã tìm cách về (trước Tết năm 2014). Con gái vừa trở về nhà đã thấy “người thành phố” vào đòi nọ, đòi kia, bắt viết giấy biên nhận rằng nợ tiền “đầu tư làm ăn”. May có chính quyền và lực lượng chức năng không thì chẳng biết thế nào. Cháu run sợ nói với tôi rằng, con bị người ta lừa, con không nợ ai tiền. Khi được hỏi: con gái thoát thân trở về rồi, gia đình định cho cháu đi làm ăn xa nữa không? Chị Th ủ ê: chuyện vừa rồi, nghĩ lại vẫn còn sợ và lo lắng. Chúng tôi và cháu có nói chuyện. Cháu nói sẽ ở nhà làm thôi. Ở nhà trồng ngô, trồng sắn, sau này còn tính chuyện chồng con nữa chứ. Dứt khoát không cho đi nữa. Thái độ quả quyết thật, nhưng không biết khi nỗi sợ đã hết, chị Th và D.H có yên tâm với cuộc sống thôn dã nơi vùng cao hay vẫn bị ánh hào quang phố thị mời gọi, cuốn hút? Lần “dứt áo” ra đi làm ăn ở thành phố Hoà Bình và bị đưa trái phép sang Trung Quốc lần ấy, không chỉ có H mà còn có 2 cô gái trẻ nữa (đều sinh năm 1997). Theo anh Đinh Văn Mư, Công an viên Nà Chiếu, 3 cô gái bị đưa sang Trung Quốc làm ăn là chuyện xảy ra đầu tiên và gây chấn động trong tâm tư, tình cảm của nhiều hộ dân nơi đây. Cả đời, người dân xóm Nà Chiếu chân chất, chăm chỉ làm ăn, không mấy người cả gan đổi đời bằng nghề làm ăn bậy bạ cả...

 

Ở đâu, con hãy về...

 

Chưa may mắn bằng chị Th vì con gái đã trở về quê nhà, anh Xa Văn Nh ( sinh năm 1969) đang sống trong tâm trạng của người ngồi trên đống lửa: con gái vẫn chưa trở về. Không đến nỗi bặt vô âm tín (vì con gái vẫn điện thoại về) nhưng anh Nh và gia đình đứng ngồi không yên vì không biết con đang ở địa bàn nào, trong hay ngoài tỉnh. Xa Thị M (sinh năm 1995) là con lớn của gia đình. Gia cảnh “con nhà nghèo”, tháng 8/2013, con xin bố mẹ đi làm công nhân ở thành phố Hoà Bình (cùng các chị trong xóm) nhằm kiếm đồng ra, đồng vào cho bố mẹ bớt khó khăn. Sau đó, vì nhiều lý do, con ra ngoài làm ăn ở một số quán cà phê phía bờ trái (anh nói đã từng ra nơi chỗ làm của con). Rồi công việc mưu sinh, anh phải đi làm ăn tận trên xã Tân Minh. Từ tháng 11/2013, không biết cháu đi làm đâu nữa. Gia đình nháo nhác đi tìm, rồi báo với chính quyền, công an viên của xóm... mọi thông tin về con đều rơi vào vô vọng. Ra tận nơi con từng làm cũng chỉ nhận được cái lắc đầu: không biết. Khoảng 17h chiều ngày 30/4/2014, qua người bạn của cháu cùng xóm, bố mẹ mới lại được nghe con nói qua điện thoại. Mừng vì nhận được điện thoại của con, nhưng tuyệt nhiên không được biết cháu đang ở đâu. Mừng đấy, nhưng sợ bị đánh lừa, anh chị phải trao đổi với cháu bằng tiếng Mường, cùng như kiểm tra các thông tin (mà chỉ người trong nhà mới biết), anh chị mới tin rằng đấy là con mình đang nói chuyện từ một nơi xa. Anh cho biết: khi tôi hỏi, cháu đang ở đâu, cháu không nói mà chỉ nói rằng bố mẹ không phải tìm con đâu, thời gian tới sẽ về. Cuộc gọi mới nhất mà anh nhận được từ số máy của một nam lái taxi (con anh mượn máy). Con có an toàn không, có làm điều gì bất chính không, có thể về đến nhà hay mãi chỉ là mong ước. Bao giờ con về? Trăm ngàn câu hỏi được đặt ra cho gia đình anh Xa Văn Nh. Rơi vào hoàn cảnh này mới thông cảm cho các gia đình có con đang thuộc diện: đi làm ăn xa, không rõ địa chỉ...Nhìn bóng dáng anh Nh bước thấp, bước cao trên con đường dọc bản, lòng chúng tôi chợt bật lên ý nghĩ: nếu ngày con gái xin đi làm ăn xa, nhiều bố mẹ có lường đến những tình huống trớ trêu này không. Khi các con chưa đủ nhận thức, bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm cuộc sống, làm sao có thể vượt qua những cám dỗ “chết người” trong cuộc đời. Câu chuyện gia đình chị Th, anh Nh...liệu có giúp các gia đình khác ở Nà Chiếu giật mình và biết hướng con mình đi trên con đường lương thiện?!

                                                                                   

 

 

                                                                                     Bùi Huy

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục