Ngô lai là cây trồng màu chủ lực được bà con nông dân xóm Thia, xã Yên Mông (TPHB) mở rộng diện tích, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: B.M

Ngô lai là cây trồng màu chủ lực được bà con nông dân xóm Thia, xã Yên Mông (TPHB) mở rộng diện tích, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: B.M

(HBĐT) - Quê tôi phía hữu ngạn vùng hạ du sông Đà. Mới lọt lòng, tôi đã đối diện với một vùng đất phía bên kia sông. Ngày nay, vùng đất ấy là vùng ven của thành phố Hoà Bình cũng là vùng ven của tỉnh, nơi tiếp giáp với tỉnh Phú Thọ. Xa xưa vùng đất ấy có tên Mường Nùa. Đầu thập niên 80 của thế kỷ XVIII, người Mường Nùa đi đón lang ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn về “trông coi” dân, những mong “yên dân, lành đất” cho nên đặt tên Mường là Yên Mông. Đầu thế kỷ thứ XIX, Yên Mông là một thôn của xã Hòa Bình, tổng Tinh Nhuệ, huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây.

 

Với những biến động của lịch sử, Yên Mông đã từng là phần đất của châu Kỳ Sơn, châu Mai Đà rồi một xã của huyện Kỳ Sơn và ngày nay là một xã của TPHB. Là vùng ven nên Yên Mông mới qua nhiều biến động như vậy chăng? Dù nơi nào “trông coi” thì từ xưa tới nay, Yên Mông vẫn lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông Đà. Đường 24 nay là đường 434 đi ngang qua xã nối thành phố trẻ Hòa Bình với các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ vẫn là con đường vắng xe cộ và khách bộ hành. Nếu như dòng Đà Giang có mùa trong, mùa đục, bên lở, bên bồi, những ngọn núi đứng giăng hàng kia từ xa xưa như một tường thành xanh ngắt lại rất lớp lang: núi cao đứng sau, thấp đứng trước, che chở nhau trong giông bão, san sẻ nhau mưa nắng. Núi Chuộn, núi hang Nhạn, núi quèn Mã Yên... luôn khoác trên mình thảm thực vật nuột nà như nhung lụa tạo nên nguồn nước bao đời nay cho các con suối Chàng, suối Mít, suối Môi... Cứ nhìn đám mây trắng ùn ùn đi ngược về xuôi trên cái nền xanh ấy là biết trời sắp có mưa hay có nắng. Những lần bảy sắc cầu vồng cúi đầu xuống sông Đà uống nước là những lần lại ồn ã trong bản, ngoài mường những câu chuyện thần bí về thiên nhiên mà người lớn thêu dệt với con trẻ cả hai bờ sông Đà. Vùng đất dài 8 km, diện tích gần 24 km2 là nơi bao đời nay dân bản an cư, lạc nghiệp. Giữa những quả đồi thấp như bát úp là làng mạc, những thửa ruộng bậc thang, thùng đấu “đầu trâu, trán khỉ” Ven sông Đà là vùng bãi trồng hoa màu bốn mùa ngô, khoai tươi tốt từng nuôi sống bao lớp người lam lũ, hiền lành mà cho đến ngày nay chưa đầy 4.000 người.

 

Đối với tôi, Yên Mông đâu phải “vô duyên đối diện, bất tương phùng”. Đến đời tôi là đời thứ 5, cụ nội tôi ông Nguyễn Văn Tr. từng bơi đò đón cụ bà Nguyễn Thị C. từ đất ấy sang bên này làm dâu nhưng các cụ không có con trai nên sau đó con gái phải “bắt rể” chàng trai họ Đinh - có nguồn gốc từ xứ Mường Động - để sau này hậu duệ chúng tôi được mang họ Đinh. Gia phả họ tộc là thế nhưng đến khi về nghỉ, tôi mới ngơ ngáo qua sông Đà lần tìm con cháu của cụ bà Nguyễn Thị C., qua lời dặn của bố: “Là người của nhà Chè ở Yên Mông” thì ba lần, bốn lượt gặp các cụ già nhất vùng đất ấy cũng không lần ra được! Yên Mông sẽ mãi là một vùng đất nhớ nhung thăm thẳm trong hoài vọng của con cháu chúng tôi.

 

Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lớp trẻ chúng tôi ở trường cấp III Hoàng Văn Thụ đã có mặt ở đây góp phần nhỏ công sức vào xây dựng đập nước Khang Mời, mấy chục năm qua nó vẫn lặng lẽ, cần mẫn tưới tắm cho những thửa ruộng ở các xóm Mời Mít, Khang Đình, Mị... Những thảm thực vật trên sườn núi kia là nguồn sinh thuỷ bao đời đã không còn những cây gỗ quý, rừng nứa, rừng dang... mà một thời đã góp phần nhỏ vào duy trì tiếng còi thay ca của nhà máy Giấy Hoà Bình chúng tôi trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Thay vào đấy là những rừng keo lai và từ lưng chừng núi ngược lên là những cây gỗ tạp dây leo chằng chịt .

 

Ngày nay, con đường liên thôn bằng bê tông với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã nối liền các xóm từ Yên Hoà có thể lên xe máy xuôi về tới Trường Yên. Các nhà dân đã có tường bao, cổng sắt khép mở ra vào. Bà con dân bản tiếp tục xác lập nét “an cư” với Yên Mông? Sau khi Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình chuyển đi với tên mới trường PTDTNT tỉnh, số cán bộ, công nhân viên đã trụ lại thành xóm Trường Yên. Nhưng để “lạc nghiệp” trên quê hương bản quán của mình trong xu thế hội nhập phát triển ngày càng sâu vào thế giới ngày nay có nhiều câu hỏi đặt ra chưa có lời đáp thoả đáng. Chuyển đổi sang cây con gì? Doanh nghiệp đầu tư vào đây với mặt hàng gì để không gây ô nhiễm đối với nhà máy nước mặt Hà Nội mà đối diện bên kia là cửa nhận nước? Mở mang thương mại, dịch vụ gì đối với vùng ven này? Các doanh nghiệp hiện nay trên đất Yên Mông cũng nhỏ bé, công nghệ, thiết bị lạc hậu như những doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh - trừ một số doanh nghiệp nước ngoài. Sản xuất đình đốn, không thu hút được con em vào làm việc, người cứ sinh sôi, đất đai canh tác thu hẹp... là thực trạng làm đau đầu những người có trách nhiệm.

 

Đến với Yên Mông, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình và những lần Bác Hồ về thăm nhà trường. Trong những năm đất nước còn gian khó, chưa thống nhất nước nhà,  sự ra đời một mô hình “vừa học, vừa làm” của tỉnh là một điểm sáng trong ngành giáo dục, đáng trân trọng. Phải cho con em các dân tộc được học hành ngay cả lúc cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc! Trung ương Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến mô hình giáo dục, đào tạo này, vì thế, Bác đã một lần về thăm thầy, cô giáo ở trường Hợp tác hoá nông nghiệp của tỉnh tại Bến Ngọc, Kỳ Sơn (nay là TPHB) vào này 19/10/1958. Những ngày đầu nhà trường tổ chức cho học sinh xây dựng đường sá, tạo nguồn kinh phí để ăn học. Sau khi nhà trường chuyển hẳn sang tổ chức sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện tốt cho học tập, vào thời khắc khó khăn nhất của phương thức này, ngày 17/8/1962, Bác Hồ lại đến thăm trường tại xóm Trường Yên ngày nay. Những lời Bác dạy mãi khắc sâu trong tâm thức của các thế hệ học sinh, giáo viên nhà trường nói riêng và bà con các dân tộc ta nói chung. “Vừa học tập, vừa lao động” để tự túc là cách học tốt nhất. Trước đây, lúc tuổi thanh niên Bác ở bên Pháp cũng vừa lao động, vừa học tập. Nhưng lúc đó, Bác lao động là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải làm để tự nuôi sống nhưng Bác vẫn dành nhiều thời gian để học tập. Ngày lao động, đêm học tập chứ Bác có được đến nhà trường đâu. Vì vậy, Bác khuyên các cháu “Phải học tập tốt, lao động tốt”. Nghe lời Bác dạy, bao thế hệ học sinh cũng từ mái trường này đã học tập và lao động tốt và trưởng thành góp phần tạo nên đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của tỉnh sau này.

 

Thể theo nguyện vọng của bà con các dân tộc trong xã cũng như các thế hệ thầy và trò của nhà trường, hiện “Khu di tích địa điểm Bác Hồ về thăm trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình” đã được xây dựng và đang vào giai đoạn hoàn thiện với diện tích 3.600 m2, kinh phí trên 10 tỷ đồng. Khu di tích có hướng quay về phía Đá Chông, K9 - nơi mà Người đã từng dùng làm cơ sở làm việc và ngơi nghỉ khi đã về với tổ tiên một thời gian. Giữa bao trăn trở: Làm sao cho cuộc sống bà con trong xã ngày càng nâng lên theo hướng “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, ngày nay cán bộ và nhân dân Yên Mông lại tự vấn mình: Làm sao cho xứng với công lao trời biển và sự quan tâm của Bác? Đâu phải vùng đất nào Bác cũng có điều kiện đặt chân tới và vì thế không dễ có một khu lưu niệm giữa lặng lẽ vùng ven này về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

 

 

 

                                            Tùy bút của Đinh Đăng Lượng

 

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục