Du khách thập phương hành lễ tại di tích đền thờ Chúa Thác Bờ.

Du khách thập phương hành lễ tại di tích đền thờ Chúa Thác Bờ.

(HBĐT) - Từ nhiều năm nay, quần thể di tích Thác Bờ đã thực sự trở thành điểm nhấn sắc nét cho tuyến du lịch vùng lòng hồ sông Đà (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định là điểm du lịch quốc gia trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030). Nhưng đến thời điểm hiện tại, cụm di tích Thác Bờ vẫn chưa được quản lý một cách chặt chẽ, có hệ thống. Từ đó đã nảy sinh tình trạng lộn xộn, mất ANTT trong từng di tích mà nếu không trấn an kịp thời sẽ có sự tác động ngược trở lại với những giá trị lịch sử văn hóa vốn có.

 

Bài 1: Lộn xộn ở chốn tâm linh

 

Khi thực hiện bài viết này, đã có khoảng trên 30 văn bản gồm đơn, thư của công dân, biên bản cuộc họp, văn bản trả lời, thông báo... và nhiều ý kiến của đại diện cơ quan chức năng nhằm xử lý những bất cập trong công tác quản lý đền Thác Bờ thuộc xã Vầy Nưa (Đà Bắc). Vấn đề này đã kéo dài hơn 1 năm qua, vì vậy, nhiều người trong cuộc có chung suy nghĩ: nếu để kéo dài và bùng phát ở mức độ lớn hơn thì nguy cơ sẽ làm mất đi nét linh thiêng của Chúa Thác Bờ và như vậy sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới việc thu hút khách du lịch đến với cụm di tích tâm linh Thác Bờ nói riêng và tuyến du lịch vùng lòng hồ sông Đà nói chung.

 

Tự phát trong xây dựng, quản lý đền

 

Cho đến thời điểm này, cả cụm di tích Thác Bờ gồm: Đền Chúa thác Bờ, xã Vầy Nưa, Đền Chúa Thác Bờ, xã Thung Nai và Động Thác Bờ vẫn đang tồn tại, phát triển một cách rời rạc theo kiểu mạnh ai nấy lo. Điều này dễ hiểu bởi mỗi di tích có một chủ nhân là những người đã có công tu bổ, tôn tạo và đưa di tích vào khai thác, kinh doanh du lịch. Có gốc tích từ lịch sử để lại, là nơi vua Lê Lợi đã rút thanh kiếm thần khắc bài thơ có nội dung khích lệ tinh thần chiến đấu quả cảm của quân lính, người dân bản địa và sau này lệnh cho dân bản xứ lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của bà Đinh Thị Vân nhưng khi đập thủy điện Hòa Bình được xây dựng, tất cả di tích chìm trong biển nước. Người có công  di rời, tôn tạo, di tích Thác Bờ, xã Vầy Nưa là ông Hoàng Hữu Ty, sau này ông mất đã trao lại quyền quản lý đền cho con trai là ông Hoàng Hữu Tới và con gái là bà Hoàng Thị Nguyệt. Ngôi đền phía Thung Nai là do cụ Quách Công Nhật (tên thường gọi là cụ Chảu) tôn tạo. Đến năm 2000, Động Thác Bờ được ông Hồ Xuân Chữ đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác. Với những giá trị lịch sử, văn hóa vốn có năm  2007, UBND tỉnh đã ra Quyết định công nhận Động Thác Bờ là di tích văn hóa cấp tỉnh, năm 2008 tiếp tục công nhận Đền Thác Bờ là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 

Khó khăn trong công tác quản lý

 

Theo Luật Di sản văn hóa, khi di tích được xếp hạng, việc quản lý được giao cho UBND. Nếu là di tích cấp tỉnh, việc quản lý sẽ được giao cho UBND cấp xã, di tích cấp quốc gia việc quản lý được giao cho UBND cấp huyện. Theo đó việc quản lý di tích Đền Thác Bờ (thuộc xã Vầy Nưa - Đà Bắc) đã được giao cho UBND xã Vầy Nưa. Dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của UBND tỉnh, huyện, ngành văn hóa, UBND xã Vầy Nưa  đã kiện toàn được Ban quản lý di tích. Trên thực tế, bộ khung BQL dường như chỉ tồn tại trên danh nghĩa bởi theo phản ảnh của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Vầy Nưa: cho đến nay, việc quản lý Đền đối với ngành văn hóa nói chung và chính quyền địa phương nói riêng chỉ là trên danh nghĩa bởi thực tế mọi hoạt động trong ngôi đền đều do gia đình thủ nhang, ông Hoàng Hữu Tới quyết định. Sự việc càng thêm rối hơn khi ông Hoàng Hữu Tới (thủ nhang) và là Phó Ban quản lý di tích qua đời. Giữa năm 2013, 2 người con trai của ông là Hoàng Hữu Tùng và Hoàng Hữu Khánh Toàn tiếp nhận công việc của cha, điều hành mọi hoạt động tại di tích Đền Thác Bờ. Cũng từ đây, nội bộ gia đình của ông Tới có sự lục đục, bà Lê Thị San (vợ ông Tới và bà Hoàng Thị Nguyệt chị gái ông Tới) đã gửi đơn đến HĐND, UBND tỉnh, Sở VH -TT&DL, UBND huyện Đà Bắc, UBND  xã Vầy Nưa phản ánh việc: Từ cuối năm 2013, 2 anh em Tùng, Toàn đã tự ý thu toàn bộ tiền công đức, tiền giọt dầu của khách thập phương mà không nộp về BQL di tích (tỷ lệ 60% nộp ngân sách, còn 40% để lại cho gia đình như nội dung được quy định trong quy chế hoạt động của BQL di tích). Ông Đinh Công Nhan, Phó Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Thác Bờ cũng bày tỏ nỗi bức xúc: Tiếng là có Ban quản lý  di tích nhưng các thành viên khác chỉ được quản lý vòng ngoài, còn việc thu, chi tiền công đức, giọt dầu, thờ tự trong di tích là do thủ nhang mới (ông Hoàng Hữu Tùng, con trai ông Hoàng Hữu Tới) quyết định.

 

Trong mỗi tour du lịch đến với quần thể di tích Thác Bờ, tàu, thuyền luôn cập bến cả 3 điểm: Đền Thác Bờ, xã Vầy Nưa, Đền Thác Bờ, xã Thung Nai và Động Thác Bờ. Vì vậy, một điều hiển nhiên mà bất cứ ai cũng có thể nhận ra rằng nếu như 1 hoặc 2 điểm có sự lộn xộn, bất ổn về ANTT, vệ sinh môi trường... làm ảnh hưởng đến niềm tin của du khách thì rõ ràng những tổn thất và hệ lụy của nó thuộc về cả quần thể di tích. Tuy từ chối bàn luận về những bất cập trong quản lý Đền Thác Bờ, xã Vầy Nưa vì lý do tế nhị, nhưng ông Hồ Xuân Chữ, Trưởng BQL di tích Động Thác Bờ vẫn bộc bạch: Lo lắm! Tôi biết sự việc ở Đền Thác Bờ, xã Vầy Nưa chưa dừng lại ở đây và còn có nguy cơ bùng phát ở mức cao hơn, nếu các cơ quan chức năng không kịp thời can thiệp, giải quyết thấu đáo, nguy cơ làm mất đi nét linh thiêng của Chúa Thác Bờ  là điều khó tránh khỏi. Tính đến thời điểm hiện tại, quần thể di tích Đền Thác Bờ vẫn là điểm nhấn sắc nét cho tuyến du lịch lòng hồ sông Đà, vậy mọi người hãy nghĩ  rộng hơn, xa hơn: làm thế nào để níu giữ bước chân du khách không chỉ cho hôm nay, hay mùa lễ hội 2015 đã cận kề mà còn hướng tầm nhìn cho tới mai sau.

 

(Còn tiếp)

 

 

                                                                               Thúy Hằng

 

 

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục