Một góc công trình thủy điện Hòa Bình hôm nay.

Một góc công trình thủy điện Hòa Bình hôm nay.

(HBĐT) - Nhưng những năm tháng lăn lộn trên công trường thanh niên cộng sản thủy điện Hòa Bình vẫn hiện hữu trong ký ức của tôi. Đó là những ký ức không thể nào quên về một công trình mang tầm vóc thế kỷ, một bản hùng ca của tinh thần lao động sáng tạo, sự hợp tác quốc tế cao cả và là mốc son sáng chói trên lộ trình CNH – HĐH đất nước. Công trình vĩ đại này mãi mãi gắn liền với tên tuổi và sự cống hiến của những người thợ sông Đà.

 

Năm 1975, cả nước khi ấy đang tràn ngập niềm vui chiến thắng, khắp nơi diễn ra những cuộc đoàn tụ, cuộc mít tinh chào mừng…, những người thợ thủy điện Thác Bà sau một thời gian thất tán lại lặng lẽ đưa gia đình đến Hòa Bình. Lễ quốc khánh năm 1975 diễn ra tưng bừng trong cả nước khiến không mấy ai chú ý đến sự kiện sẽ còn được nhớ mãi: con đường Hòa Bình được lệnh khởi công, chính thức bắt đầu công cuộc chinh phục sông Đà.

 

Đất nước sau ngày thống nhất lâm vào cảnh khó khăn chưa từng thấy. Công trường thủy điện sông Đà cũng chịu chung nỗi khó khăn đó. Có thời kỳ cả công trường phải đi trồng sắn, tăng gia chăn nuôi. Cán bộ, công nhân phải chia nhau từng yến gạo, cân thịt, con cá… để cầm cự bám công trường. Khó khăn là vậy nhưng tuổi trẻ sông Đà đã không quản ngày đêm, không quản thời tiết khắc nghiệt, bất chấp mọi hiểm nguy để thực hiện một cuộc tạo sơn vĩ đại với dân tộc ở cuối thế kỷ XX. Họ làm việc với tinh thần “Tất cả cho ngày khởi công công trình chính” bởi vậy, tiến độ chuẩn bị không lúc nào bị gián đoạn. Chỉ trong 4 năm (1975-1979), diện mạo công trường đã dần hiện ra. Ban đầu là những công trình dân dụng, những mặt bằng, kho bãi, bến cảng, cầu phao, đường thi công…, tất cả các hạng mục công trình phụ trợ đã sẵn sàng.

 

Đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm Cách mạng tháng Mười Nga (6/11/1979), tại hố móng hạ lưu, tiếng mìn 90 tấn vang lên phát lệnh khởi công công trình chính. Tiếng mìn có sức âm vang kỳ lạ, nó làm bùng lên lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ khắp mọi miền Tổ quốc đến Hòa Bình xây dựng thủy điện. Trong lịch sử xây dựng, chưa ở đâu và chưa khi nào sức lực và trí tuệ con người được phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả như trên công trình thủy điện Hòa Bình. Bất kỳ công việc gì, ở lĩnh vực nào cũng có sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng. Bất cứ ai cũng mong muốn được cống hiến hết mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Thật chẳng thể tìm được lời nào đủ sức diễn tả tình cảm yêu nước của tuổi trẻ sông Đà lúc ấy.

 

Sau gần 4 năm lao động khẩn trương, một con kênh đào trên tầng đá gốc đã hoàn thành cho phép nắn dòng chảy sông Đà, mở màn cho cuộc ngăn sông Đà đợt I vào ngày 12/1/1983. Tiếng mìn phá đê quai mãi mãi là sự kiện lớn của công trường. Đó là khoảng khắc tuyệt vời trong ký ức của người thợ thủy điện. Nó càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng một tháng sau ngày công trường được mang tên “Công trường Thanh niên Cộng sản”.

 

Trận quyết chiến đầu tiên với thủy thần hung dữ tạm thời khép lại. Nhưng cuộc đấu một mất một còn giờ đây mới thực sự bắt đầu. Mùa lũ năm 1983 sẽ là một thử thách cam go, nghiệt ngã nhất. Cả công trường phải gồng mình lên trong chiến dịch “150 ngày đêm chống lũ”. Chỉ một phút nao lòng, không kịp tiến độ để nâng con đập lên cao độ 43 có thể sẽ cuốn phăng thành quả lao động của cả chục năm, chưa kể đến tính mạng của người dân vùng hạ lưu. Nhận thức rõ giới hạn ấy, một cuộc chạy đua với lũ diễn ra vô cùng khẩn trường. Cán bộ, công nhân làm việc thông ca, lái xe ôm vô lăng 10-12 giờ, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật thức trắng ngoài hiện trường. Tiếng gầm réo của các phương tiện cơ giới vang lên suốt 3, 4 kíp. Tất cả trở thành một khối liên kết vững chắc để tạo ra một con đập của ý chí, lòng dũng cảm.

 

Khí thế thi đua lao động sản xuất luôn luôn được duy trì suốt những năm tiếp theo. Công trường lại bước vào giai đoạn quyết liệt cho chiến dịch lấp sông đợt II với những con lũ mạnh, lưu tốc nước 7.000 m3/s với tần suất 100 năm mới có lũ như thế.

 

Chỉ có những người hàng ngày phải đối mặt với thách thức của thiên nhiên mới hiểu hết tầm quan trọng của cuộc chạy đua với con lũ năm 1987. Các khẩu hiệu: “Hỡi sông Đà! Chúng ta chinh phục ngươi!”, “Cao độ 81 hay là chết” như một cuộc thách thức với thiên nhiên mà con người chỉ được phép thắng bởi nếu thất bại đồng nghĩa với mất sạch, trắng tay, mọi thành quả trước đó sẽ bị quét ra biển cả.

 

Suốt 10 năm lao động dũng cảm và sáng tạo với 3 mục tiêu ngặt nghèo là: ngăn sông – chống lũ – phát điện. Công trường năm nào cũng đặt trong tình trạng lao động căng thẳng. Tiến độ, tiến độ và tiến độ. Đó là một phương án, một mệnh lện sống còn mà mỗi cán bộ, công nhân viên sông Đà phải đương đầu với sức mạnh dường như vĩnh cửu của thiên nhiên.

 

Mọi cố gắng, hy sinh của người thợ sông Đà đã được đền đáp: bản anh hùng ca về sức mạnh con người cuối cùng cũng được ngân lên. Con sông Đà bất trị đã vĩnh viễn bị chặn lại bằng sự kiện ngăn sông Đà đợt II ngày 9/1/1986 và ngày 30/12/1988, tổ máy số I chính thức hòa lưới điện quốc gia, rồi các tổ máy tiếp theo lần lượt khởi động bằng một tốc độ thi công lắp đặt kỷ lục. Ngày 4/4/1994 có thể coi là ngày kết thúc việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình khi tổ máy thứ 8 đi vào vận hành. Từ đây, dòng Hắc Giang trở thành dòng sông ánh sáng, mang lại những lợi ích to lớn gắn liền với từng bước đi lên của đất nước. Những người làm thủy điện có quyền tự hào về thành quả lao động do mình tạo ra. Họ xứng đáng được biết đến như những người làm nên một huyền thoại mới. Gương lao động hy sinh của 168 cán bộ, công nhân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô mãi mãi thuộc về những giá trị tốt đẹp nhất trong ký ức của con người và lịch sử mãi mãi lưu danh.

 

Thoáng chốc đã 20 năm kể từ ngày khánh thành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Biết bao sự kiện, biết bao ký ức không thể nào quên. Đặc biệt, trong đó, chúng ta không bao giờ có thể quên những đồng đội của mình, những công nhân sông Đà đã cống hiến và hy sinh cho một công trình thế kỷ mãi mãi trường tồn với thời gian./.

 

                

                                                              Nguyễn Xuân Hiển

                                                  (Trưởng Ban liên lạc Hội Hưu trí,  

                                               Tổng công ty Sông Đà tại Hòa Bình)

 

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục