Anh Trần Xuân Thể giới thiệu tác phẩm “Cửu long tranh châu” đẹp mắt của xưởng.

Anh Trần Xuân Thể giới thiệu tác phẩm “Cửu long tranh châu” đẹp mắt của xưởng.

(HBĐT) - Độc đáo của gỗ lũa Lâm Sơn (Lương Sơn) là ở vẻ đẹp tự nhiên, vốn có. Có những gỗ lũa bản thân nó đã là những hình khối có dáng dấp, mang ý nghĩa. Có những gỗ lũa thoạt nhìn rất trìu tượng, qua bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ mới trở thành một tác phẩm đẹp, có giá trị...

 

Vẻ đẹp tự nhiên

 

Đến thăm cơ sở sản xuất gỗ lũa Lâm Sơn những ngày này, không khí khẩn trương của những ngày gần Tết như phảng phất đâu đây. Cái se lạnh của  tiết trời khi giao mùa, thoảng trong gió nhẹ là mùi thơm đặc trưng tỏa ra từ những tác phẩm gỗ lũa được bày tràn ngập trong khu sản xuất. Từ ngoài ngõ đến không gian nhỏ trong nhà đều có sự góp mặt của tác phẩm gỗ lũa, tác phẩm điêu khắc. Từ những bộ bàn ghế rất đời thường “Cửu long tranh châu”, đến tác phẩm mang màu sắc thiền như “Phật Di Lặc” hoặc tác phẩm cầu tài lộc “Thiềm Thừ” đến truyền thuyết “Thần Kim Quy”, “Cá chép hóa rồng”... đều toát lên vẻ đẹp kỳ lạ của gỗ lũa Lâm Sơn.

 

Mỗi một tác phẩm gỗ lũa ở Lâm Sơn đều mang những triết lý nhân sinh, phản ánh cái nhìn sâu sắc cũng như hàm chứa thông điệp của người nghệ nhân đã tạo ra nó. Tác phẩm gỗ lũa đẹp hay không, độc đáo hay không ngoài bàn tay tạo tác của con người thì bản chất nguyên sơ của chính những thân gỗ lũa tạo nên vẻ đẹp riêng có. Lũa được hình thành từ gỗ nhưng không phải thân gỗ nào cũng có thể tạo nên lũa. Trải qua thời gian, cùng với sự tác động của mưa, nắng đã tạo nên những gốc lũa có vẻ đẹp mê hoặc. Có những gốc cây nằm sâu dưới lòng đất cả trăm năm nên khi đào lên vẫn giữ được chất gỗ nguyên sơ. Những thân gỗ nằm trong vùng đầm lầy lại cho sắc lũa đen bóng như mun, như sừng. Một loại lũa quý, hiếm và đẹp nhất là lũa được hình thành dưới sự tác động của mưa gió với những đường vân uốn lượn vô cùng ấn tượng. Lũa được tạo thành từ những thân cây lâu năm như trai, nghiến, đinh hương, gù hương. Trong các loại lũa thì lũa được tạo bởi gỗ gù hương là được ưa chuộng nhất. Lũa gù hương vừa cho những hình dáng kỳ thú không giống bất kỳ một loại lũa nào lại có nước gỗ sáng và mùi thơm dịu nhẹ tạo cảm giác thư thái cho người thưởng lãm.

 

                               

           Một tác phẩm phối hợp nghệ thuật gỗ lũa và điêu khắc lạ mắt.

 

Vẻ đẹp của lũa không bao giờ lặp lại. Hình dáng của từng thân gỗ lũa là “độc nhất vô nhị”, có một đồ lũa này không thể đi tìm thấy cái thứ hai giống thế. Nét độc đáo không lặp lại ấy làm cho nó thấm đẫm chất nghệ thuật. Dường như thiên nhiên vùng rừng núi Hòa Bình như Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc ưu ái những người mê gỗ lũa hơn cả khi phần lớn những tác phẩm gỗ lũa có giá trị đều xuất phát từ những vùng đất này.

 

 

Và tài hoa của con người

 

Dưới con mắt nghệ thuật và bàn tay lành nghề của những người thợ ở xã Lâm Sơn đã tạo nên những kiệt tác gỗ lũa “có một không hai”. Trước tiên, để có được gỗ lũa, người thợ ở đây phải lặn lội lên các vùng đồi núi nguyên sơ tìm kiếm những gốc cây cổ thụ tốt, chất gỗ quý hiếm, rồi phải đợi khi trời có mưa, ngấm nước, đất mềm ra thì người ta mới đào. Công việc đào gốc này cần phải có nhiều kinh nghiệm và sự kiên trì vì nếu không kiên nhẫn mà cứ chặt hết những chiếc rễ cây ăn quanh thì coi như thất bại. Hình dáng của tác phẩm gỗ lũa trong tương lai có độc đáo hay không phụ thuộc vào chính những những thân rễ vây quanh nó. Anh Trần Văn Thuần - một người đã có gần 15 năm gắn bó với nghề sản xuất gỗ lũa chia sẻ: Có những lúc tìm thấy gốc gỗ lũa quý, anh em phải thuê hẳn một tốp thợ gần chục người làm việc cật lực hơn 6 tháng mới có thể ưa được về xưởng. Phải thật sự kiên trì và đam mê mới không bỏ cuộc giữa chừng. Những sản phẩm gỗ lũa của cơ sở anh Thuần vì thế có giá trị nghệ thuật rất cao.

 

          

Tác phẩm “Thần Kim Quy” đã đạt giải A tại nhiều triển lãm, Fistival sinh vật cảnh trong cả nước.

 

Miệt mài, yêu nghề, anh Đào Xuân Thành, người có hơn 10 năm gắn bó với nghề  suốt ngày say mê đục, đẽo, bào, gọt, đánh bóng... để “thổi hồn” vào những gốc cây vô tri, vô giác, biến chúng thành những tác phẩm đẹp mang đầy tính triết lý nhân sinh. Với trí tuệ sáng tạo và bàn tay khéo léo của người xuất thân từ điêu khắc những thân gỗ xù xì, xấu xí đã được khoác lên một diện mạo hoàn toàn mới. Anh chia sẻ: Gỗ lũa nghệ thuật rất gần với điêu khắc, tạc tượng, song nó phong phú, đa dạng hơn nhiều. Dựa trên những hình dạng, đường nét tự nhiên của cành cây, gốc cây, người nghệ nhân phải có tay nghề thợ mộc, sau đó là óc thẩm mỹ và mắt nhìn của người điêu khắc, thêm bớt chi tiết cho tác phẩm sinh động, có hồn.

 

Về Lâm Sơn, không thể không ghé thăm cơ sở sản xuất gỗ lũa của gia đình anh Trần Xuân Thể, người có hơn 20 năm trong nghề. Anh cho biết: Quá trình hình thành ý tưởng đòi hỏi người thợ phải cân nhắc, suy ngẫm để lựa chọn hình dáng, thế lũa phù hợp. Sau đó người nghệ nhân phải kiên nhẫn, tỉ mẩn gọt giũa, có khi phải mất mấy ngày chỉ để tạo nên một chi tiết cực nhỏ, có khi trong giấc ngủ cũng mơ về lũa. Người làm gỗ lũa ngoài trí tưởng tượng, khiếu tạo hình, bàn tay phải thật sự “nở hoa” mới tạo nên được những tác phẩm mang dấu ấn của cá nhân.

 

Giờ đây, trải qua bao thăng trầm, gỗ lũa Lâm Sơn đã có được vị trí nhất định và trở thành một trong những địa chỉ sản xuất gỗ lũa có giá trị, mang tính nghệ thuật độc đáo riêng. Tác phẩm gỗ lũa Lâm Sơn được nhiều chuyên gia mỹ nghệ đánh giá cao và đạt nhiều giải vàng, giải bạc tại các triển lãm, hội chợ, festival sinh vật cảnh trong cả nước. Một trong những trăn trở và tâm nguyện của người sản xuất gỗ lũa Lâm Sơn là Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ để bảo tồn, phát triển thành làng nghề chuyên sản xuất gỗ lũa trong thời gian tới.

 

 

 

 

                                                                             Hồng Nhung

 

 

Các tin khác


Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục