Danh thắng núi Đôi nằm ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ - Hà Giang) - địa điểm khiến bao du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tạo hoá.

Danh thắng núi Đôi nằm ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ - Hà Giang) - địa điểm khiến bao du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tạo hoá.

(HBĐT) - “Hành trình về miền cực Bắc của Tổ quốc - Hà Giang”, chỉ nghe đến tên của hành trình trong lòng chúng tôi đã dâng trào cảm xúc, háo hức lạ thường. Vậy là sẽ không chỉ còn hướng về nơi ấy mà sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh vật, được dang rộng cánh tay, phóng trọn tầm mắt để ôm niềm mong nhớ, tự hào, thiêng liêng vào lòng. Và như lời một người đồng hành trong hành trình của chúng tôi đã nói: “Đến với Hà Giang chỉ cần một trái tim nóng và chiếc máy ảnh”… Chúng tôi đã trở về sau hành trình với ấm áp yêu thương, tự hào và những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng không bao giờ phai.

 

Đang phân vân lựa chọn một hành trình vào dịp cuối năm thì CLB ảnh “Việt Nam - đất nước - con người” đăng thông báo sẽ tổ chức hành trình đi sáng tác ảnh và làm từ thiện tại Hà Giang. Không chần chừ, nhóm chúng tôi  đăng ký tham gia ngay. Một kế hoạch được lên chi tiết, cụ thể và ngày khởi hành đã tới, chúng tôi đã sẵn sàng với hành trang đơn giản: “Một trái tim nóng, chiếc máy ảnh” và những vần thơ mộc mạc của Huyền Minh: “Sinh ra ở đá / Lớn lên từ ruột đá / ăn mèn mén bằng muôi gỗ / Uống nước đun bằng ấm đồng / Đi trên con đường núi / Mọi đỉnh núi đều thấp hơn đầu gối / Đời ông bà nước mắt rụng trên đá / Đời chúng ta /Nước mắt nở thành hoa…”.

 

Đoàn khởi hành vào lúc 5h, vừa lên xe, anh Văn Phú, Phó đoàn giới thiệu để kết nối các thành viên trong đoàn và lịch trình của chuyến đi. Ai cũng ý thức được đây là hành trình không đơn giản bởi đường dài, đèo dốc hiểm trở, đoàn lại đông (43 thành viên), nơi ăn, nghỉ hạn chế nên mọi người cố gắng, giữ gìn sức khỏe, khắc phục khó khăn để thực hiện được mục tiêu chính là sáng tác ảnh và làm từ thiện.

15h, đoàn đến bản du lịch Homestay (cách TP Hà Giang 6 km), đây cũng là nơi chúng tôi nghỉ lại đêm đầu tiên. Khu du lịch dành cho khách nước ngoài này thật thanh bình với không gian xanh của cây, những nếp nhà sàn và cuộc sống còn đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Tày nơi đây. Nhờ một người bạn học mỹ thuật có nhiều năm gắn bó, công tác tại Hà Giang tư vấn những điểm đẹp chúng tôi có thể đến tìm hiểu, khám phá trong thời gian buổi chiều đầu tiên đó để “chộp” được những khoảnh khắc đẹp vào máy ảnh. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn đến bản Khuổi Mi, suối cạn (thôn Tha) anh lái xe tắcxi đã tỏ ra ngỡ ngàng. Anh cho biết: Khách lên bản chủ yếu là khách nước ngoài và có “thú” khám phá, mạo hiểm. Nghe vậy, chúng tôi càng tò mò và quyết tâm hơn. Đường lên bản không xa, chỉ hơn chục km nhưng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được nơi cần đến. Đường dốc đá hiểm trở bên vực sâu, bên vách núi rất đặc trung của Hà Giang. Tuy nhiên, anh lái xe tắcxi cho biết đó là những cung đường bình thường ở Hà Giang, còn nhiều nơi đường khó đi hơn nhiều. Thực sự toát mồ hôi, nhiều lúc tim như loạn nhịp khi xe vào cua và gặp xe máy đi ngược chiều, xe phải dừng đột ngột, mất đà và trôi trở lại... Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến được với Khuổi Mi xinh đẹp. Ấn tượng đầu tiên của hành trình là những ruộng bậc thang đang mùa lúa chín; những mái nhà phủ rêu xanh rất đặc trưng và đặc biệt nụ cười hồn hậu, gần gũi của người dân nơi đây. Kết thúc ngày đầu tiên của hành trình với bữa tối thật ngon miệng, trên ngôi nhà sàn ấm áp và giấc ngủ sớm như chưa từng có...

 

 

                               Lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột cờ.

 

5h30’ ngày hôm sau, cả đoàn rời Homestay thẳng tiến Đồng Văn. Ban mai ấm áp, không khí trong lành, lòng người thảnh thơi, háo hức, thật là tuyệt diệu. Khung cảnh thiên nhiên với núi non hùng vĩ như một bức tranh khổng lồ dần được vén lên khỏi màn mây trắng xốp. Cảm giác với tay là bắt được mây, mây dưới chân, mây ngay trên đầu, mây giăng giăng ngang sườn núi xanh thẫm, mây bồng bềnh trôi khắp nẻo... 41 km từ TP Hà Giang lên huyện Quản Bạ thung xa, lũng gần trắng xóa một màu, ngập mây. Đến 7h30’, tôi ngẩn người khi tận mắt chứng kiến núi Đôi trong sương mờ. Núi non trẻ đẹp, quyến rũ như bầu ngực của cô gái mới lớn. Giữa trập trùng núi non xanh biếc, ngực của đất mẹ đẹp như nàng tiên giữa rừng. Xe dừng lại và các “tay máy” thi nhau bấm như để chớp lấy khoảnh khắc đẹp nhất. Từ núi Đôi, hành trình tiếp tục là huyện Yên Minh, rồi Mèo Vạc. 87 km với toàn đá núi, đập vào mắt là núi, là đá. Bạt ngàn đá, trùng điệp núi, lô nhô... Núi cao vút, vây quanh những con đường quanh co, hiểm trở, cua tay áo liên tục. Một bên vực sâu thăm thẳm, hun hút, một bên vách đá dựng đứng cao chót vót, ngước mắt lên cảm giác như với tay là đụng phải mây trời xanh ngắt, nhìn xuống là cả thung sâu ngàn thước...

 

           

                            Những cung đường uốn lượn ở Hà Giang.

 

Cảnh sắc càng lúc càng được tô điểm đậm nét với nắng rực rỡ, bạt ngàn hoa, ruộng đá, nương đá đan xen dáng người nông dân cõng đất, tra ngô, vài con trâu trắng nhẩn nha lội ruộng... Tất cả tạo nên một bức tranh hoàn hảo và như đưa chúng tôi vào thế giới cổ tích trong những bộ phim hoạt hình thám hiểm xứ xở thần tiên huyền bí nào đó...

 

Buổi chiều muộn chúng tôi mới đến Lũng Cú - “Vầng trán kiêu hãnh của Tổ quốc” đây rồi. Những đoàn người đến trong trang phục áo dài truyền thống hay mặc trên mình áo đỏ, sao vàng, mắt hướng lên lá cờ Tổ quốc tung bay và hát vang Quốc ca... Giây phút ấy trong mỗi người mới cảm nhận hết hai từ Tổ quốc thiêng liêng chừng nào!

 

Đã có rất nhiều khoảnh khắc tuyệt vời được lưu lại trong chiếc máy ảnh của chúng tôi. Nhưng đặc biệt là có những khoảnh khắc được lưu giữ trong trái tim ấm áp nghĩa tình. Đêm thứ hai, sau một hành trình dài nhưng chúng tôi đã thực sự không ngủ, có một cuộc hội ngộ đặc biệt của những người bạn ở phố cổ Đồng Văn. Họ đã cho chúng tôi cảm nhận và thấu hiểu vì sao họ đã rời quê hương, gia đình để đến mảnh đất này gắn bó, yêu thương đến vậy. Anh Tuấn Anh, một người Hà Nội gốc, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật nhưng đã lên Hà Giang làm tư vấn, thiết kế công trình. Câu chuyện của anh giúp chúng tôi tin vào những công trình mới nơi mảnh đất Hà Giang còn bao gian khó này sẽ ngày một nhiều hơn, khang trang hơn. Anh Văn Long, Chánh án TAND huyện Mèo Vạc người gốc Tuyên Quang nhưng hơn 20 năm anh lên đây công tác. Từng cung đường, những câu chuyện phong tục, tập quán, văn hóa, con người nơi mảnh đất này được anh chia sẻ trong phảng phất hương men thơm nồng của rượu ngô khiến chúng tôi như bị mê hoặc.

 

Hành trình ngày thứ 3 của đoàn là khảo sát điểm trường xã Đồng Tiến, huyện Bắc Quang để đoàn trở lại với chương trình từ thiện “áo ấm vùng cao”. Ngôi trường nơi còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là khó khăn về giao thông đã làm chúng tôi có những lắng đọng về công việc, hành động phải làm trong thời gian tới. Khi ngồi viết những dòng xúc cảm này, chúng tôi được biết đã có rất nhiều áo ấm và phần quà được chuyển đến các em học sinh và người dân nơi đây...

 

Một lần đến có lẽ là còn quá ít để thấu hiểu về vùng đất và con người Hà Giang. Nhưng những cái tên: Quản Bạ, Yên Minh, Lô Lô Chải, Đồng Văn, Mã Pí Lèng, Ma Lé, Sủng Là... luôn khắc đậm trong tâm trí. Đặc biệt, chúng tôi hiểu tại sao bao trái tim lại hướng về mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc này đến thế. Sự hiên ngang, sức sống và những nụ cười thân thiện của người dân nơi đây nhiều như đá núi vậy! 

 

 

                                                                               Hồng Duyên

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục