Dù thiếu thốn, khó khăn nhưng cô và trò nơi “ốc đảo” này vẫn hằng ngày miệt mài với con chữ.

Dù thiếu thốn, khó khăn nhưng cô và trò nơi “ốc đảo” này vẫn hằng ngày miệt mài với con chữ.

(HBĐT) - Do sự chia cắt của lòng hồ Sông Đà, xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) được người dân nơi đây ví von như một “ốc đảo”. Địa lý cách trở, đời sống của bà con gặp vô vàn khó khăn, đây là 1 trong 36 xóm khó khăn nhất của tỉnh. Ở bản nghèo này, bao năm qua vẫn có những cô giáo giàu nhiệt huyết, yêu trò như con, lặng thầm gieo chữ, bất kể ngày nắng hay mưa...

 

Khó như gieo chữ ở bản nghèo

Chiếc đài nhỏ trông như một món đồ cổ được đặt trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ đang phát chương trình dự báo thời tiết với âm thanh rè rè. Cạnh đó, 3 chiếc giường ngủ tuềnh toàng được chắp vá kê sát lại gần nhau; bên góc phòng là vài chiếc nồi nhôm đáy nhem nhuốc bồ hóng; tường nhà, trần nhà cũng đã loang lổ những vết thời gian. Đó là không gian sống của 3 cô giáo: Bùi Thị Thình, Bùi Thị Ninh và cô Đoàn Thị Thu Hằng dạy ở chi Ngòi, Trường Tiểu học xã Ngòi Hoa.

Là những người có thâm niên gieo chữ ở những nơi xa xôi, cách trở, thế nhưng, khi về công tác tại chi Ngòi các cô đều mất một khoảng thời gian để thích nghi với cuộc sống của bà con nơi đây. Những ngày đầu lênh đênh trên sông nước, ai nấy đều toát mồ hôi hột, nhất là những hôm mưa to, sóng lớn. Cô Đoàn Thị Thu Hằng đã có 8 năm gắn bó với trường vẫn nhớ như in một lần đi thuyền nín thở qua sông  Đà về chi Ngòi. Cô kể: “Hôm đó, mưa bão nên thuyền chao đảo, sóng đánh ướt sũng, vừa đi vừa tát nước; trên thuyền có 12 người và 1 chiếc xe máy, tôi sợ đến không dám thở. Khoảng 30 phút trên sông, khi thuyền cập bến chúng tôi mới biết mình còn sống”.

Do vị trí nằm biệt lập, người dân nơi đây tỏ ra rụt rè, ngại tiếp xúc với các cô giáo. Theo lời kể của cô Bùi Thị Ninh, nhiều lần các cô muốn gặp phụ huynh để trao đổi về việc học tập của các em học sinh cũng rất khó khăn. Ngoài thời gian học ở trường, khi về nhà dân hầu như các em không được bố mẹ kèm cặp, đó là chưa kể tư tưởng “học cái chữ không no cái bụng đâu” vẫn còn tồn tại.

Là một chi trường với 29 học sinh, sự học ở nơi đây cũng có những đặc thù. Đó là chuyện một cô phải dạy cùng lúc hai lớp trong một phòng học, như: cô Thình dạy lớp 1 và lớp 2, cô Hằng dạy lớp 4 và lớp 5 vì có lớp chỉ có vỏn vẹn 4 học sinh. “Phải dạy 2 khối lớp thì việc soạn giáo án cho mỗi buổi lên lớp sẽ vất vả hơn, việc kèm cặp các con cũng khó khăn hơn nhưng nhìn các con chăm chỉ học tập, nhiều hôm nhịn đói đến trường mà chúng tôi càng quyết tâm hơn”, cô Thình tâm sự. Ở “ốc đảo” này không có quán xá nên đầu tuần các cô phải mua nhiều đồ ăn lên tích trữ: đầu tuần ăn rau, giữa tuần ăn củ và cuối tuần ăn khô. Khó khăn,nỗi  nhớ nhà và cả những thiệt thòi nhưng các cô vẫn miệt mài bên những trang giáo án với mong ước cháy bỏng đem cái chữ về bản cho các em...

Nơi “phượng vĩ” nở bốn mùa...

Những năm gắn bó với mảnh đất nghèo khó này, đã không ít lần các cô phải ứa nước mắt vì chứng kiến những đứa trẻ bàn chân chân tím tái vì lạnh cuốc bộ đến trường, có những em cả năm học chỉ có duy nhất một bộ quần áo. Đa số các em đều không được ăn sáng nên đến lớp uể oải, nằm ra bàn. Cô Ninh rưng rưng xúc động kể về câu chuyện của em Bùi Văn Châu, lớp 1 ăn quả bàng vì đói. Hôm đó, khoảng 8 giờ 30, Châu xin phép cô giáo ra ngoài, trèo hái quả bàng trước cổng  và ăn ngấu nghiến. Hỏi mãi em mới trả lời là nhịn đói từ tối hôm trước đến giờ vì không có ai ở nhà nấu cơm. Các cô bảo sang phòng để lấy cơm cho ăn nhưng em không chịu, cả cô và trò ôm nhau khóc. Cả buổi chiều trăn trở, các cô bàn nhau góp mỗi người vài chục nghìn để đong gạo gửi cho em, đồng thời đề xuất lên Ban giám hiệu nhà trường để xin giúp đỡ. Được biết, bố mẹ em Châu đã chia tay, em ở với bố, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng em luôn ngoan ngoãn, đến lớp đầy đủ.

Vào mùa đông, chứng kiến các em ăn mặc phong phanh đến trường, mỗi khi có dịp về nhà, các cô kêu gọi mọi người quyên góp quần áo cũ để mang lên cho các em. Có những em không có sách vở, các cô cũng bỏ tiền ra mua sắm cho. Ngoài thời gian học buổi sáng, vào các buổi chiều, các cô gọi các em đến để kèm cặp thêm. Nhờ đó, nhiều em đã dần cải thiện được lực học và bắt kịp với chương trình. Ông Bùi Văn Nga, Trưởng xóm Ngòi cho biết: “Mặc dù điều kiện vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn nhưng các cô luôn quan tâm, tận tình giúp đỡ cho các cháu”.

Nói về câu chuyện gieo chữ ở chi Ngòi, cô Bùi Thị Hiển, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngòi Hoa nhấn mạnh, chỉ có sự đoàn kết và luôn hết lòng vì học sinh mới giúp các cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Tôi chỉ ước các chi có nhà vệ sinh sạch sẽ, chi Ngòi có một chiếc ti vi để các cô theo dõi tin tức, giải trí sau những giờ lên lớp mệt mỏi”, cô Hiển bày tỏ. Một vấn đề nữa mà cô Hiển rất trăn trở và gửi gắm với người viết, đó là: “Mong các cấp quan tâm sớm giải quyết về chế độ chuyển vùng cho giáo viên theo nghị định 19 của Chính phủ để khích lệ, tạo đông lực thúc đẩy các thầy, cô hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Rời xóm Ngòi khi mặt trời đã khuất dần sau núi, chúng tôi ấn tượng mãi với hình ảnh cô và trò say sưa với con chữ dưới tán cây phượng vĩ. Và chợt nhớ đến câu hát: “Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ” trong ca khúc “Bài ca người giáo viên nhân dân” do nhạc sỹ Hoàng Vân sáng tác. Với chúng tôi, ở nơi “ốc đảo” này, “phượng vĩ” nở suốt bốn mùa./.

 

                               Viết Đào    

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục