Là người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở đất kinh hoàng tại bãi vàng Văn Bàn (Lào Cai) làm 8 người ở huyện Lạc Sơn chết năm 2013 nhưng Bùi Văn Xếp (bên phải) ở xóm Mọi, xã Tuân Đạo đang có dự định trở lại bãi vàng để làm việc.

Là người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở đất kinh hoàng tại bãi vàng Văn Bàn (Lào Cai) làm 8 người ở huyện Lạc Sơn chết năm 2013 nhưng Bùi Văn Xếp (bên phải) ở xóm Mọi, xã Tuân Đạo đang có dự định trở lại bãi vàng để làm việc.

(HBĐT) - Rằm tháng giêng, đó là mốc thời gian nhiều người dân ở huyện Lạc Sơn hướng đến sau khi ăn Tết Nguyên đán xong, bởi đó là lúc hàng trăm người dân ở khắp các nơi trong huyện theo nhau đi các ngả tìm việc làm. Trong số đó, đa số là lao động tự do... Cứ thế, năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán, dòng người ở Lạc Sơn cứ theo nhau đi khắp ngả tìm việc làm. Để lại cho đất Mường Vang những mùa xuân vội vã.

 

Làng vắng... đàn ông

 

Xóm Khú, xã Tuân Đạo nằm chon von trên gò đất rộng. Đường vào xóm giờ đã thênh thang, sạch, đẹp nhưng lúc nào cũng vắng vẻ, đìu hiu. Trong những ngôi nhà xây còn dang dở, chẳng mấy khi có bóng người. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo Bùi Văn Hải: Trong suốt những ngày Tết Nguyên đán 2016, xóm Khú đông vui lắm. Người, xe tấp nập. Trong xóm chẳng khi nào ngớt tiếng nói cười, lời chúc tụng, thăm hỏi trong những điệu nhạc trẻ ồn ã, sôi nổi của đám trẻ phát ra từ những dàn nhạc với loa công suất lớn. ấy vậy mà chỉ 1 - 2 hôm sau rằm tháng giêng, xóm Khú lại trở về với sự vắng vẻ, đìu hiu vốn có. Lý giải điều này, anh Bùi Văn Đậu, trưởng xóm cho biết: Nhiều năm rồi, năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là người dân trong xóm lại kéo nhau đi làm ăn xa ở khắp nơi. Vì thế nên vào xóm lúc nào cũng vắng vẻ như vậy.

 

Cũng theo anh Bùi Văn Đậu, cả xóm có 93 hộ dân với 458 nhân khẩu nhưng chẳng mấy khi họ có mặt đông đủ ở nhà. Thường thì sau Tết, lúc cấy hái xong, nông nhàn, người ta lại rủ nhau đi làm ăn xa. Người gần thì ở các địa phương lân cận, còn người đi xa vào tận các tỉnh phía Nam. Có người đi khi đến mùa thì về, có người đi cho đến tết mới về, thậm chí có người mang cả gia đình đi cùng. Những người đi lao động tự do thường là đàn ông, lao động chính trong gia đình. Thế nên nói như đồng chí Bùi Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Tuân Đạo: Có một thực tế là trong nhiều năm qua, ở xóm Khú chỉ còn đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Đàn ông có sức khoẻ, thanh niên trai tráng trong làng hầu như đều đã đi làm ăn xa, chẳng còn mấy ai ở nhà. Do vậy, khi trong làng, trong xóm có việc thì thường chỉ có phụ nữ và những người già gánh vác. ở Tuân Đạo, không chỉ riêng xóm Khú, hầu hết các xóm đều có người đi lao động tự do và số gia đình vắng người đàn ông trong nhà cứ ngày một tăng.

 

Theo thống kê của Công an xã thì tính đến thời điểm ngày 10/3,  cả xã có 360 người không có mặt ở địa bàn. Hầu hết trong số đó là người đi lao động tự do ở các địa phương khác. Đồng chí Bùi Hồng Diên, Trưởng Công an xã Tuân Đạo cho biết: Hiện nay, do những quy định về việc quản lý cư trú của pháp luật đã được thực hiện theo hướng mở trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi người ta chỉ cần chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân hợp pháp là có thể đi đến bất cứ nơi nào trong cả nước mà không cần phải khai báo tạm vắng với chính quyền xã. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý khi người đi lao động tự do hầu như không khai báo với chính quyền. Chúng tôi cũng không biết họ đi đâu, làm gì kể cả những trường hợp đi làm việc tại các bãi vàng hoặc trốn ra nước ngoài trái phép. Theo thống kê của Công an xã Tuân Đạo, tính đến thời điểm ngày 10/3, cả xã có khoảng 15 người đi làm việc tại các bãi vàng và có khoảng hơn 10 người trốn ra nước ngoài, đang làm việc trái phép tại Trung Quốc...

 

Lao động tự do: Những hệ lụy khôn lường

 

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Tuân Đạo và các địa phương có điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn mà có một thực tế đang diễn ra trong nhiều năm qua ở Lạc Sơn là phong trào bỏ làng đi làm lao động tự do của một bộ phận người dân vẫn diễn ra phổ biến. Theo đồng chí Bùi Văn Chính, phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Sơn: Hiện nay, huyện chưa thực hiện một con số thống kê cụ thể về số người bỏ địa phương đi lao động tự do. Tuy nhiên, có thể nói số người đi lao động tự do trên địa bàn huyện lên đến hàng nghìn người, nhiều nhất là ở các xã Tuân Đạo, Quý Hoà, Tân Lập, Phú Lương... Trong đó có cả những thanh niên vừa mới học xong lớp 9 hoặc bỏ học giữa chừng để theo nhau đi lao động tự do. Điểm đến của những đối tượng này thường là ở các bãi vàng hoặc ở các hầm mỏ khai thác than thổ phỉ, công trường khai thác đá lao động nặng nhọc, thậm chí là vượt biên trái phép sang Trung Quốc để làm thuê. Số người này có ở hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Người ta đi, hầu như không thể quản lý được nhưng có một điều đáng nói là đã mang lại những hệ lụy rất lớn mà chưa ai có thể lường trước được, nhất là đối với công tác ANTT.

 

Điều này đã được đồng chí Bùi Hồng Diên, Trưởng Công an xã Tuân Đạo chia sẻ: Trước đây khi người ta đi làm ăn xa về, có chút tiền trong tay người ta tiêu pha, chè chén la cà quán xá suốt ngày. Nhiều người khi uống rượu say còn gây gổ đánh nhau gây mất ANTT. Tình trạng này, trong một vài năm gần đây cũng đã giảm. Tuy nhiên, đáng lo nhất là đối với những người đi làm ở các bãi vàng về. Những người này đa số là thanh niên nên khi đi làm người ta rất dễ mắc vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc nghiện ma tuý và khi trở về địa phương sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT tại địa phương. Cách đây 3 năm, Công an xã cũng đã lập hồ sơ đưa 2 đối tượng nghi nghiện vào diện quản lý. Mới đây nhất, trong thời điểm giáp Tết Nguyên đán, theo phản ánh của nhân dân, trong khi đi làm đồng, nhiều người đã phát hiện một đối tượng ở xóm Dài, xã Tuân Đạo đang sốc thuốc ở ngoài bờ ruộng. Trong khi sốc thuốc trên tay vẫn còn nắm chặt chiếc xi lanh vừa sử dụng. Do phát hiện kịp thời nên đối tượng đã may mắn thoát chết. Sau đó, đối tượng tiếp tục bỏ làng đi làm ăn xa. Nghe đâu là đối tượng này đã quay lại bãi vàng ở Thái Nguyên.

 

Không chỉ vậy, những người đi lao động tự do còn phải đối mặt với nhiều hiểm hoạ. Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Sơn, tính từ năm 2013 đến hết tháng 2/2016, toàn huyện có 18 người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ). Riêng năm 2013 có 11 người chết, trong đó có vụ làm 8 người chết cùng một lúc. Mới đây nhất là cuối năm 2015, trong vụ sập hầm khai thác than ở Lỗ Sơn (Tân Lạc) có 3 người tử nạn đều là người ở xã Phú Lương (Lạc Sơn). Nói về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Chính, phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Sơn cười buồn: Có một điều đáng buồn là trên địa bàn huyện Lạc Sơn chưa bao giờ xảy ra TNLĐ gây chết người. Thế nhưng số người chết vì TNLĐ của Lạc Sơn lại nhiều nhất tỉnh mà đây mới chỉ là con số được thống kê do người ta báo lên chứ có nhiều vụ TNLĐ làm chết người mà không báo về thì mình cũng không nắm được vì vụ việc đều xảy ra ở nơi khác, địa phương khác. Đấy là nói về các vụ TNLĐ gây chết người chứ còn nhiều vụ TNLĐ gây thương tích, thương tật chẳng ai báo nên chúng tôi cũng không nắm được.

 

Xung quanh vấn đề làm thế nào để người lao động địa phương, nhất là lực lượng thanh niên không bỏ làng đi lao động tự do, nhất là làm việc tại các bãi vàng, khai thác khoáng sản trong hầm lò, khai thác đá ở một số địa phương trong cả nước, đồng chí Bùi Văn Chính cho rằng: Những năm qua, huyện đã có chủ trương tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận học nghề để khi họ đi làm có đủ điều kiện để xin vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, một bộ phận người lao động, nhất là lực lượng thanh niên vẫn không mặn mà với việc làm việc trong các công ty, tổ chức có pháp nhân mà cứ theo nhau đi lao động tự do ở khắp nơi. Dù cho đó là những công việc nặng nhọc, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

 

 

                                                                  Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục