Ruộng bậc thang -  kiệt tác của người Miền Đồi (Lạc Sơn).

Ruộng bậc thang - kiệt tác của người Miền Đồi (Lạc Sơn).

(HBĐT) - Lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên xã Miền Đồi (Lạc Sơn) cách đây gần 8 tháng. Phải lòng mảnh đất thơ mộng này, sau nhiều lần hò hẹn, vượt qua cái nắng của những ngày hè oi ả, chúng tôi đã có mặt để một lần nữa được hòa mình vào gió trời trên thảo nguyên lộng gió và ngắm những thửa ruộng bậc thang xa ngút ngàn.

 

Ruộng bậc thang - tuyệt tác của người Miền Đồi

 

Miền Đồi là xã thuộc vùng Cộng Hòa của huyện Lạc Sơn nhưng nơi đây có địa hình tương đối cao. Cách TP Hòa Bình khoảng 2 giờ  đồng hồ đi xe máy, chạy xe theo quốc lộ 12B, rẽ trái ở ngã ba Xưa, đi khoảng 7 km, rẽ phải vào xã Tân Lập rồi cứ thế đi theo con đường nhựa quanh co là lên đến Miền Đồi.

 

Ngay khi đặt chân lên xóm Tre, xóm ở đầu xã, hình ảnh những thửa ruộng xanh ngút ngàn đã hiện ra trước mắt. Chúng tôi cố không chớp mắt để không đếm sót một bậc nào, thế nhưng, đến bậc 45, đôi mắt đã mỏi mà những bậc thang còn xa tít đến hàng trăm bậc. Trên những thửa ruộng, các bá, các mế đang cặm cụi chăm sóc lúa. Cạnh đó, những nếp nhà sàn nằm ở cách xa nhau đang bốc khói bếp lên nghi ngút. Tất cả tạo nên một bức tranh quê đẹp đến nao lòng. Toàn ruộng bậc thang cả nhưng đẹp nhất là trong Vôi Thượng và Dóm- anh Bùi Văn Công, cán bộ địa chính xã giới thiệu.  

Theo anh Công, chúng tôi ngược lên Vôi Thượng. Dọc 2 ven đường, từ xa xa bên những triền đồi, các thửa ruộng bậc thang uốn lượn như những dải lụa xanh mềm mại ôm lấy đất và người Miền Đồi. Đúng như lời anh Công nói, chúng tôi bị đứng hình bởi bức tranh miền sơn cước đang hiện ra trước mắt. Đó thực sự là một tuyệt tác mà con người và thiên nhiên Miền Đồi tạo nên. Trên bậc thang cao nhất, ngô đang độ trổ cờ, còn những bậc thang bên dưới là sắc xanh mướt của những ruộng lúa đang thì con gái. Thật khó để diễn tả vẻ đẹp của nơi được coi là có ruộng bậc thang đẹp nhất ở Miền Đồi. Có lẽ, nếu ở trên chóp của thửa ruộng hàng trăm bậc kia được dựng 1 túp lều sẽ không ít người lầm tưởng mình đang vãn cảnh ở Mù Căng Chải (Yên Bái) .  

Chúng tôi gặp mế Y, một cao niên của xóm Vôi Thượng. Mế năm nay đã bước sang tuổi 83, tuy lãng tai nhưng biết chúng tôi hỏi về tuyệt tác của người Miền Đồi nên mế rất hào hứng. Mế bảo: Từ khi mế sinh ra thì những ruộng bậc thang đã có trước nhà rồi. Qua năm tháng, các mế tiếp tục khai khẩn, mở rộng ruộng và tạo nên những cánh đồng như ngày hôm nay. Những thửa ruộng thành bậc đã gây không ít khó khăn cho việc canh tác của bà con nhưng người Miền Đồi cảm thấy tự hào vì đã tạo nên cảnh sắc đẹp cho mai sau.  

Phát triển du lịch, tại sao không?!

Đồi Lè - “nóc nhà” của Miền Đồi (Lạc Sơn), một món quà thiên nhiên ban tặng bà con nơi miên sơn cước này.

Không chỉ được ngắm những thửa ruộng bậc thang xinh đẹp, trong chuyến về Miền Đồi, anh Công còn đưa chúng tôi lên hóng mát tại “thảo nguyên”. Thực chất, đó là Đồi Lè, có vị trí như nóc nhà của Miền Đồi được bao phủ bởi rừng mua, sim, xen kẽ là những bãi cỏ may. Giữa nắng oi ả là vậy nhưng lên đến thảo nguyên này, từng làn gió mát rượi như vỗ về chúng tôi. Tiếng mõ trâu, mùi cỏ ngai ngái  sẽ khiến không ít người được sống lại ký ức của một thời chăn trâu, cắt cỏ ngái. Miền Đồi vì thế mà khiến ta thư thái và có chút gì đó hoài niệm. Từ Đồi Lè, phóng tầm mắt ra xa sẽ được ngắm cảnh sắc của một số xã vùng cao thuộc huyện Tân Lạc và Kim Bôi. Cô Dành, một người dân xóm Vôi Thượng cho biết: “Mấy dịp nghỉ lễ gần đây có nhiều bạn trẻ lên đây lắm, ai cũng khen đẹp. Hôm đông nhất phải vài trăm người ấy chứ. Cũng có nhiều đôi lên đây chụp ảnh cưới nữa”.  

Rời Đồi Lè, trên hành trình hạ sơn, chúng tôi ghé thăm thác Điệu nằm ở xóm Tre. Thác nước cao, dòng nước mát rượi, trong lành là điểm dừng chân lý tưởng sau hành trình khám phá Miền Đồi. Ngoài ra, Miền Đồi còn có nhiều thứ níu chân khách nơi xa, đó là những mái nhà sàn trên những sườn đồi hướng ra ruộng bậc thang. Trong mỗi nếp nhà, những giá trị truyền thống của người Mường vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Măng đắng, rau đồ và thịt gà đồi thơm ngon là những món ăn dân dã quen thuộc của người Miền Đồi. Một điều quý hơn cả là sự chân chất, cởi mở của bà con nơi này.

Trong câu chuyện với đồng chí Bùi Văn Bích, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi cảm nhận được những trăn trở của người Miền Đồi. Đồng chí cho biết: Tổng diện tích lúa gieo trồng vụ chiêm - xuân của xã Miền Đồi 308 ha, năng suất khoảng 45 - 48 tạ/ha, vụ mùa thì thấp hơn. Ruộng bậc thang tuy đã gây ra nhiều khó khăn đối với việc canh tác của bà con, nhất là vấn đề đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhưng lại tạo nên cảnh sắc đẹp với nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Thế nhưng, do đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là đường giao thông liên thôn, xóm còn rất trắc trở; hơn nữa, việc phát triển du lịch cần có sự đầu tư lớn từ các doanh nghiệp và định hướng từ cơ quan chức năng nên trong Nghị quyết của Đảng bộ xã Miền Đồi về phương hướng phát triển KT-XH giai đoạn 2015 - 2020, vấn đề phát triển du lịch không được đề cập đến.   

Chia tay trong quyến luyến, chúng tôi hẹn với Miền Đồi sẽ trở lại vào mùa lúa chín bởi, thời điểm đó, Miền Đồi sẽ đẹp và nên thơ hơn bao giờ hết.   

 

                                                      Viết Đào(CTV)

 

 

 

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục