(HBĐT) - Qua giới thiệu của Trung tá Nguyễn Quang Thiệp, Trưởng Công an phường Phương Lâm (TP Hòa Bình), chúng tôi có dịp tiếp xúc với nữ Thượng uý Đỗ Minh Ngọc, Cảnh sát khu vực Công an phường Phương Lâm. Ấn tượng đầu tiên là tính cách thân thiện, gần gũi, cởi mở. Chị dẫn dắt chúng tôi về những câu chuyện đời, chuyện nghề đầy khó khăn, vất vả của nữ cảnh sát khu vực.


Thượng uý Đỗ Minh Ngọc, cảnh sát khu vực Công an phường Phương Lâm (TP Hòa Bình)đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở.

Năm 2009, tốt nghiệp Trung học Cảnh sát quản lý trại giam Bộ Công an, Đỗ Minh Ngọc được điều động về Công an TP Hoà Bình. Chị được phân công nhiệm vụ Cảnh sát khu vực Công an phường Phương Lâm, địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT của thành phố. Thời gian đầu, chị không khỏi bỡ ngỡ bởi công việc khác với chuyên ngành đào tạo, là lực lượng ở cơ sở, bám địa bàn, trực tiếp làm việc với Nhân dân. Được sự giúp đỡ của cán bộ đi trước, Đỗ Minh Ngọc dần thích nghi với môi trường công tác mới, được chỉ huy đơn vị tin tưởng giao nhiều công việc quan trọng. Chị được giao quản lý tổ dân phố số 13, 14, 15 gồm 600 hộ, hơn 2.000 nhân khẩu, trải dài từ khu vực đầu cầu Hoà Bình đến các chợ đầu mối trung tâm tỉnh lỵ.

Nhiệm vụ của chị phải nắm chắc địa bàn, dư luận Nhân dân để kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề liên quan đến ANTT. Tuy nhiên, công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thời điểm chị mới nhận nhiệm vụ, khu vực chân cầu Hoà Bình là địa điểm nhức nhối, phức tạp về mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý. Nơi đây, hoạt động mua bán, hút chích ma tuý diễn ra công khai, các loại xi lanh, bơm, kim tiêm... vương vãi khắp nơi gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến ANTT và thói quen sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn.

Qua nắm tình hình dư luận, chị đã đề xuất chỉ huy đơn vị rà soát, phân loại đối tượng nghiện, xác định đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đối tượng cò quay cũng như quy luật hoạt động của bọn chúng. Từ đó, đề xuất Ban chỉ huy phường tham mưu cấp trên xây dựng các chuyên án bắt giữ, xử lý đối tượng cầm đầu nhằm răn đe, giáo dục. Đồng thời, phát động toàn dân tham gia đấu tranh, bài trừ tệ nạn ma tuý, tổ chức các buổi tuyên truyền tại khu dân cư, nhà trường giáo dục về tác hại của ma tuý, tranh thủ sự đồng thuận của toàn xã hội trong đấu tranh với tệ nạn nguy hiểm này. Đến nay, tụ điểm ma tuý tại đầu cầu Hoà Bình đã được đẩy lùi. Ngoài ra, chị còn trực tiếp giáo dục, cảm hoá nhiều đối tượng tù tha, đối tượng vi phạm pháp luật tiến bộ, hoà nhập với cộng đồng, trở thành công dân tốt. Những người này đã trở thành những điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, là những tấm gương sáng để tuyên truyền, giáo dục người khác cùng tiến bộ.

Theo Thượng uý Đỗ Minh Ngọc, yếu tố tiên quyết của một cảnh sát khu vực là phải xây dựng được mối quan hệ thật tốt với Nhân dân, gắn bó với Nhân dân, coi Nhân dân như người thân của mình. Cảnh sát khu vực phải sâu sát địa bàn, bám sát cơ sở, tôn trọng, lắng nghe ý kiến Nhân dân. Mỗi công việc của dân dù nhỏ nhất cũng phải nỗ lực, cố gắng hoàn thành bằng tình cảm và trách nhiệm, đó là cây cầu ngắn nhất để xây dựng niềm tin của Nhân dân đối với cảnh sát khu vực. Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, Thượng uý Đỗ Minh Ngọc được Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND TP Hoà Bình tặng nhiều bằng khen, giấy khen, chị còn là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc” của Công an tỉnh.


Như Hùng

(Công an tỉnh)

 


Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục