(HBĐT) - Xen giữa màu xanh của vườn cây ăn quả có múi, ngô là cánh đồng măng tây trải dài ngút tầm mắt của HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn, phố Lâm Hóa 2, xã Vũ Bình (Lạc Sơn). Những búp măng tây đua nhau mọc là thành quả của những tháng ngày lao động cần cù, vất vả và tinh thần dám nghĩ, dám làm của anh Lương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn.


Anh Lương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc măng tây.

Anh Tuấn chia sẻ: Với mong muốn tìm được giống cây trồng phù hợp đồng đất quê nhà để giúp nông dân bớt khó khăn, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng và giá trị kinh tế của một số giống cây trồng. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương, tôi nhận thấy cây măng tây có giá trị dinh dưỡng rất cao, chữa được nhiều bệnh nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đặc biệt, măng tây rất phù hợp với đất phù sa, với ưu điểm vượt trội là chỉ cần trồng 1 lần mà có thể thu hoạch trong vòng 15 năm, không tốn nhiều kinh phí đầu tư. Từ đó, tôi quyết tâm đưa măng tây về trồng trên đất Vũ Bình. 

Tổng diện tích đất đi thuê rộng 1,4 ha, từ đầu năm 2020, anh Tuấn bắt tay vào cải tạo đất, ươm bầu. Tháng 9/2020, măng tây được xuống giống với diện tích 8.000 m2, gần như ngày nào anh Tuấn cũng bám ruộng để chăm sóc, bón phân cũng như theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây. Măng tây đòi hỏi phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc, nguồn nước đảm bảo, tránh ngập úng. Sau khoảng 6 tháng trồng, những lứa măng đầu tiên được thu hoạch. Đặc điểm của măng tây là phát triển rất nhanh nên ngày nào cũng phải thu hoạch, khi thu hoạch phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, kích thước chiều cao từ 25 cm trở lên, hình dáng thẳng, không cong vênh. Thời gian thu hoạch tốt nhất là vào buổi sáng sớm, khi mặt trời chưa lên cao măng sẽ tươi non. Trung bình một ngày thu hoạch được 30 - 40 kg măng, giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của măng tây đem lại tương đối cao và nhu cầu thị trường lớn nên tháng 5/2021, anh Tuấn quyết tâm liên kết với một số hộ trong xã để thành lập HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn. Hiện, HTX tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, trong đó, khoảng 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù từ khi thành lập đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, nhưng 7 thành viên của HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn luôn nỗ lực vượt khó để tiêu thụ sản phẩm như bán hàng qua mạng xã hội, qua facebook, zalo… Nhờ vậy, măng tây tiêu thụ tốt, thậm chí có thời điểm không có hàng để cung ứng cho người tiêu dùng trong tỉnh. Một số siêu thị lớn như BigC, Vinmart đã đặt vấn đề ký hợp đồng tiêu thụ măng tây, tuy nhiên, HTX vẫn chưa đủ sản lượng để cung cấp cho các siêu thị.

Anh Tuấn cho biết thêm: Từ hiệu quả kinh tế cây măng tây mang lại, HTX nông nghiệp sạch Anh Tuấn đang hướng tới sản xuất theo quy trình VietGAP, hoàn thiện thủ tục làm tem truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, liên kết với nông dân để phát triển mô hình trồng măng tây không chỉ ở đồng đất Vũ Bình mà còn nhiều địa phương khác trong huyện. Thời gian tới, HTX sẽ liên kết   với một số HTX chuyên sản xuất dược liệu trong và ngoài tỉnh để sơ chế trà măng tây.  
 
 Thu Thủy

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục