Từ năm 2008, chị Vũ Thị Thuận, Bản Lác, xã Chiềng Châu - Mai Châu đã nhận nuôi dạy nghề và tạo việc làm cho gần 30 em nhỏ khuyết tật huyện Mai Châu

Từ năm 2008, chị Vũ Thị Thuận, Bản Lác, xã Chiềng Châu - Mai Châu đã nhận nuôi dạy nghề và tạo việc làm cho gần 30 em nhỏ khuyết tật huyện Mai Châu

(HBĐT) - Đó là một cách gọi thân thiện mà những du khách trong và ngoài nước đã dành cho chị khi đến thăm mái ấm Thuận Hòa do chị làm chủ ở Bản Lác xã Chiềng Châu (Mai Châu). Chị là Vì Thị Thuận - người phụ nữ Thái đã tự nguyện chia sẻ một phần khó khăn cho những mảnh đời bất hạnh bằng cách nuôi dạy, truyền nghề và tạo việc làm cho các em nhỏ tật nguyền tại các xã vùng cao của huyện Mai Châu

 

Từ nghề dệt...

 

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của chị Thuận khi chị vừa trở về từ lớp đào tạo quản lý do dự án Jica tài trợ. 4 giờ chiều, trời mưa tầm tã, trong ngôi nhà nhỏ, chị tâm sự: sinh ra là con gái Thái nên từ nhỏ đã được bà, mẹ dạy cho biết trồng bông, quay tơ, dệt vải. Nhưng người đưa chị đến với nghề dệt lại không phải là mẹ mà là cha của chị. Tính tình cha hiền lành ít nói và rất nghiêm khắc, bằng tình yêu dành cho con, ông dồn hết tâm sức để dạy chị nghề thêu dệt. Cho đến giờ, chị vẫn còn nhớ mãi lời cha khi ngày đầu ngồi lên khung cửi, đẩy thoi: Đã là con gái Thái thì phải thành thạo đường kim mũi chỉ không thì sau này đi lấy chồng sẽ khổ. Nhưng khi chị chưa học hết những đường hoa văn trên tấm phà, đường thoi còn gượng gạo thì cha mất. Năm đó chị vừa tròn 13. Không biết có phải vì lời dạy của cha hay vì “máu thổ cẩm” đã ngấm vào người mà dù không còn cha dạy bảo nhưng chị vẫn theo các mế mày mò học và thành thạo nghề dệt thổ cẩm lúc nào không hay.

 

Năm 1986, cái tin Mai Châu “nổi” vàng đã kéo nhiều chị em phụ nữ vào cơn xoáy tìm vàng. Bản Thái chẳng còn lách cách tiếng thoi đưa, nghề dệt vì thế cũng mai một. Những mối bỏ hàng thổ cẩm thưa dần, chị phải tìm việc để làm. Trời xui đất khiến thế nào, chị gặp một đôi vợ chồng ở dưới xuôi bảo chị đi mua tóc bán cho họ. Chị nghĩ rằng không bao giờ mình làm nghề này, nhưng một lần đi chợ, thấy một cô gái muốn bán tóc thế là chị mua rồi bán lại được 200.000, lãi gấp nhiều lần làm ruộng, chị theo nghề từ đó. “Mua tóc cũng có tiền nhưng không hiểu sao nhìn những người con gái bán tóc. Cũng là phận gái, mình cứ thấy xót xa”, chị tâm sự. Thế là bỏ nghề mua tóc và quay về với thổ cẩm. 

 

Năm 2007, một người khách lạ sau khi xem chị dệt đã mời chị về Hà Nội để dạy nghề cho một Dự án hỗ trợ phụ nữ nghèo. Dự án đổ bể, một mình chị bơ vơ giữa Hà Nội. Không biết làm gì với lần đầu ra thủ đô thất bại, chị lang thang trên những con phố và phát hiện ra ở đây có những mặt hàng thổ cẩm quê chị được treo lộng lẫy trong những cửa hàng sang trọng trên các tuyến phố du lịch. Ngay khi đó, một ý tưởng nảy ra, tại sao mình không là đầu mối thu gom thổ cầm, giao bán cho các cửa hàng ở Hà Nội?” chị kể. Sau nhiều chuyến đi, kế hoạch được thực hiện, chị đến các xã vùng sâu, vùng xa nơi những phụ nữ Thái, Mông vẫn coi thổ cẩm như là một trang phục truyền thống và thêu thùa là công việc không thể bỏ. Trong những chuyến đi như thế, chị chứng kiến nhiều em nhỏ tật nguyền vẫn căm cụi thêu để đổi lấy gạo ăn. Rất nhiều những mảnh đời như vậy trông chờ vào chị, họ thêu hàng để đổi lấy gạo, muối do chị đem lên. Thương các em chị bàn với chồng đón các em về sống tập trung, truyền nghề để các em “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” cùng gia đình chị.

 

... đến mái ấm Thuận Hoà

 

Hai cô bé đầu tiên đến với mái ấm của gia đình chị là em Vàng Y Sai và Bùi Thị Hưng. Y Sai bị dị tật bẩm sinh từ nhỏ, hai chân không thể đi lại, cách di chuyển duy nhất của em là lết trên đôi tay nhưng Y Sai lại có khả năng thêu rất đẹp và nhanh. Đón Y Sai về, việc đầu tiên mà chị làm là xin tài trợ cho em một chiếc xe lăn rồi “biến” Y Sai thành “cô giáo” dạy thêu cho Hưng. Từ hai em nhỏ đầu tiên ấy, đến nay gia đình chị đã thu nhận gần 30 em đến theo học và làm việc. Mỗi em nhỏ đến với mái ấm là một mảnh đời. Và mái ấm Thuận Hòa là nơi ghép lại của những mảnh đời bất hạnh ấy. Chị kể rằng: dạy nghề cho các em là một nhẽ nhưng khó hơn nhiều là làm sao để các em hòa nhập cộng đồng. Chị nhớ mãi những ngày đầu khi đón Hà Thị Hòa (xã Tân Sơn) về. Hòa bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ nên luôn tìm cách để nũng “mẹ” Thuận. Vừa xuống mái ấm được 1 năm thì bố mất, Hoà liên tục đòi về quê nhưng ai xuống đón cũng không chịu chỉ nhất quyết đi theo “mẹ” Thuận. Hay cô bé dân tộc Mông Sùng Y Súc, ở bản Thung Mặn, xã Hang Kia, ngày mới đến Y Súc không biết cả tiếng Kinh lẫn tiếng Thái, không biết cầm đũa và mái ấm Thuận Hòa chính là nơi đến đầu tiên trong cuộc đời mình khi rời bản Thung Mặn. Thế là mẹ Thuận lại phải dạy em từ tiếng phổ thông đến cách cầm đũa, cách ăn. Với mỗi em là một cách nói, cách trò chuyện, tâm sự khác nhau, vì thế mà “thương mẹ Thuận, nghe mẹ Thuận” những cô bé, cậu bé tật nguyền ưa làm nũng cũng lớn dần lên, tự biết chăm sóc bản thân và bắt đầu sống tự lập bằng nghề của mình. Đến nay, hơn 30 em nhỏ đã ở mái ấm Thuận Hòa đã có thu nhập hàng tháng nhờ bán sản phẩm thêu cho các cơ sở kinh doanh. Không dừng lại ở đó, chị Thuận đã tìm hiểu và sưu tầm nhiều mẫu hoa văn thổ cẩm truyền dạy cho các em để có được những sản phẩm có chiều sâu và chất lượng. Chính điều đó đã đưa sản phẩm thổ cẩm của cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hoà từng bước khẳng định được chỗ đứng, trở thành hàng triển lãm của nhiều hội trợ trong và ngoài tỉnh.

 

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì chị mong muốn. Mong ước lớn nhất của chị chính là tạo ra một cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm do chính các em nhỏ tàn tật làm chủ. Lý giải cho dự định có phần táo bạo này, chị kể: Trước có hai em nam bị khuyết tật vận động tìm đến trung tâm của chị tha thiết xin vào làm. Chị nghĩ hai em tuy khuyết tật nhưng lại có trình độ mà phải gắn bó với thêu thùa thì thiệt thòi cho các em. Vậy là chị vận động gia đình và tình nguyện trợ giúp để các em đi học một khóa học về tin học và kế toán để giúp chị quản lý cơ sở.

 

Mọi dự định vẫn đang ở phía trước, hàng ngày chị vẫn kiên trì từng đường kim mũi chỉ, dạy các em cách ăn, cách mặc và “theo dõi dự báo thời tiết để lựa tính các em mỗi khi trái nắng trở trời”. Giữa năm 2010 này, niềm vui đến với chị khi được nhận được danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng chị bảo: với tôi hạnh phúc nhất vẫn là làm mẹ của các con - những đứa trẻ tật nguyền. 

                                                                                        

                                                                                      Phương Linh

 

 

 

Các tin khác


Nữ đoàn viên công đoàn tâm huyết với nghề giáo

Giản dị, thân thiện và gần gũi… đó là cảm nhận đầu tiên khi trò chuyện với chị Bùi Thị Phương Thảo, giáo viên Trường liên cấp Dạ Hợp (TP Hòa Bình). Là giáo viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết, chị Thảo được đồng nghiệp và học sinh yêu mến không chỉ bởi giỏi về chuyên môn mà còn là đoàn viên sôi nổi, nhiệt tình tham gia các hoạt động do tổ chức công đoàn phát động.

“Nuôi lợn đất” - mô hình ý nghĩa hỗ trợ hội viên khó khăn

Thời gian qua, mô hình "Nuôi lợn đất” được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Yên Trị (Yên Thủy) triển khai thực hiện hiệu quả, có tính lan tỏa. Mô hình không chỉ tạo được ý thức tiết kiệm, quản lý chi tiêu gia đình trong hội viên phụ nữ mà qua đó khơi dậy tinh thần "tương thân tương ái”, giúp chị em khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Huyện Mai Châu lan tỏa những tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác

Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn huyện Mai Châu đã có nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, QP-AN ở địa phương.

Trưởng Công an xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

"Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc” do Bộ Công an, Công an tỉnh phát động, từ năm 2012 đến đầu năm 2024, với vai trò là Đội trưởng Đội Tổng hợp, tôi đã tham mưu Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tham mưu, phục vụ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo ANTT; các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản phục vụ chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện, Huyện uỷ, UBND huyện. Tháng 2/2024, tôi được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Bảo Hiệu” - Trung tá Bùi Văn Tuần, Trưởng Công an xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy chia sẻ.

Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục