Ông Khà Văn Ư  biểu diễn khèn bè của người Thái

Ông Khà Văn Ư biểu diễn khèn bè của người Thái

(HBĐT) - Chưa từng qua một khoá học nào về nhạc lý, thẩm âm chỉ bằng cảm giác, ông Khà Văn Ư, 70 tuổi ở bản Nà Phòn, xã Nà Phòn (Mai Châu) đã chế tác ra những chiếc khèn bè của dân tộc Thái như thế. Nhiều người nói ông có tài hoa của người nghệ sĩ, có chất đặc biệt của người nghệ nhân, nhưng ông chỉ dám nhận mình là người yêu văn hoá dân tộc Thái.

 

Sinh ra từ bản, lớn từ bản, tiếng khèn bè Thái đã thấm vào máu thịt rất nhiều người Thái như ông. Nhưng sau một tai nạn, đôi chân của ông không thể đi đứng được bình thường như bạn bè cùng trang lứa khi ông mới 12 tuổi. Lớn lên, nhìn những chàng trai nhảy múa say sưa cùng những giai điệu rộn rã, thiết tha trong những ngày hội cùng chiếc khèn bè hay những làn điệu tình tứ bên bạn gái, lòng ông lại rộn lên sự thèm muốn, khát khao có thể đứng lên cầm cây khèn, xướng lên những giai điệu mình yêu thích. Nhưng ước mơ của ông mãi sẽ chẳng bao giờ thành sự thật bởi đôi chân tật nguyền của mình. Chán nản vì đôi chân tật nguyền, có những lúc ông muốn vứt bỏ tất cả. Ông kể, ngày xưa học làm khèn chỉ vì không tự đứng dậy để thổi khèn được như bao nhiêu chàng trai, cô gái Thái khác chứ không nghĩ đến giữ gìn nó như bây giờ, vì khi đó còn nhiều những người lớn hơn ông biết làm nên ông muốn làm một cái gì đó để không phải là một người vô tích sự, như làm khèn cho họ thổi chẳng hạn, đó cũng là một việc làm có ích. Nghĩ rồi ông nhờ người tìm mua cho chiếc khèn, về nhà ông tự mình tháo tung hết ra để tự mày mò, nghiên cứu từng chi tiết, cách xử lý làm sao để âm thanh phát ra đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật. Ông không nhớ mình đã làm hỏng bao nhiêu chiếc khèn để có thể thổi và làm được như ngày hôm nay. Ông cho biết: Để chế tác khèn bè đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo và sự cầu kỳ trong khi làm cũng như sự tinh tường trong thẩm âm. Chỉ có tình yêu đặc biệt với văn hoá Thái mới đủ kiên nhẫn chế tác khèn. Ông đã dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu về những cây nứa tép để làm thân khèn. Để có được những vật liệu làm chiếc khèn bè, không thể tự lên rừng để lấy, ông thuê người xuống tận các dãy núi ở xã Chiềng Châu, Bao La để tìm cho được những thân nứa tép để làm. Từ những ống nứa tép đã được ông kỳ công chọn lựa, phơi khô, hơ qua ngọn lửa rồi bằng bàn tay khéo léo uốn thẳng, ghép thành khèn thật không đơn giản. Kỹ thuật dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi với kích cỡ khác nhau trên những đoạn nứa tép cũng đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Chiếc khèn có đủ 14 ống nứa tép, 1 bầu gỗ thừng mực và những lam bạc ghép lại. Bầu gỗ phải là loại gỗ nhẹ, xốp, không phải gỗ nào cũng làm được. Khó nhất có lẽ là cách xử lý các lam bạc, từ độ dầy, dài, cong của lưỡi gà tới độ bóng của bề mặt mới đảm bảo được âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc da diết đến nao lòng. Chỉ nhỏ xíu như vậy thôi nhưng ông phải mài đi, rũa lại rồi thử, lại tiếp tục rũa cho tới khi ông thấy chuẩn mới thôi. Cả buổi sáng ông mới chỉ làm xong được 1-2 chiếc lam đồng.

 

Chiếc khèn bè của người Thái như một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, là sự kết tinh những giá trị vật chất của tự nhiên và tình yêu quê hương, dân tộc của người nghệ nhân làm nên chiếc khèn. Khèn bè được sử dụng làm nhạc cụ đệm trong hầu hết các làn điệu dân ca, làm nền cho các điệu dân vũ của người Thái. Mỗi khi tiếng khèn bè cất lên làm người nghe thấy da diết sâu lắng như tình yêu cháy bỏng mà người con trai gửi tới người con gái, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, tiếng gió hát. Tiếng khèn bập bùng như ngọn lửa làm xao xuyến lòng người. Ông Ư mắt buồn đăm đăm nhìn về phía rừng xa với những tiếng thở nao lòng: Thế hệ trẻ Thái bây giờ không còn mấy người biết chơi khèn nữa, chưa nói đến việc làm khèn. Chúng có quá nhiều lựa chọn khi âm nhạc hiện đại trở nên phổ biến, có thể tìm mua ở bất cứ chỗ nào. Những người như chúng tôi rồi cũng sẽ phải về trời, chỉ tiếc cho kiệt tác âm nhạc của cha ông ngàn đời để lại có khi chỉ còn trong ký ức của ít người. Vừa rồi, huyện Mai Châu có mở lớp dạy làm các nhạc cụ dân tộc cho các học viên trong huyện, trong đó có dạy làm khèn bè do chính ông làm giảng viên. Mỗi xã có một học viên theo học nhưng dường như việc này không được mọi người tha thiết học, cũng có người sau lớp học cũng biết làm nhưng không đạt chất lượng như mong muốn, điều này làm ông luôn trăn trở, lo nghĩ làm sao có thể giữ được cái hồn của dân tộc cho con cháu đời sau.  

Ở vùng Mai Châu, người biết chơi khèn bè không phải là ít nhưng những người biết làm khèn, nắm được cơ bản kỹ thuật làm khèn bè theo ông Ư thì chỉ còn 3 người, tất cả đều ở tuổi thất thập cổ lai hy, không biết về trời lúc nào. Giữa bộn bề của cuộc sống hiện đại, ở một góc nhỏ tại bản làng của người Thái, “nghệ nhân” Khà Văn Ư vẫn miệt mài lưu giữ chiếc khèn bè của người Thái bằng tình yêu dân tộc lớn lao. Chỉ mong cho con cháu đời sau được thưởng thức những giá trị từ những làn điệu của khèn bè do cha ông chúng đã dày công nghiên cứu, truyền lại đến bây giờ.

 

 

                                                                                  Thanh Tuyền

 

Các tin khác


Gặp gỡ những điển hình lao động sáng tạo

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề và trình độ học vấn… nhưng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đều có điểm chung là tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất. Những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định CNVCLĐ là lực lượng tiên phong trong phát triển KT - XH địa phương.

Nữ đoàn viên công đoàn tâm huyết với nghề giáo

Giản dị, thân thiện và gần gũi… đó là cảm nhận đầu tiên khi trò chuyện với chị Bùi Thị Phương Thảo, giáo viên Trường liên cấp Dạ Hợp (TP Hòa Bình). Là giáo viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết, chị Thảo được đồng nghiệp và học sinh yêu mến không chỉ bởi giỏi về chuyên môn mà còn là đoàn viên sôi nổi, nhiệt tình tham gia các hoạt động do tổ chức công đoàn phát động.

“Nuôi lợn đất” - mô hình ý nghĩa hỗ trợ hội viên khó khăn

Thời gian qua, mô hình "Nuôi lợn đất” được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Yên Trị (Yên Thủy) triển khai thực hiện hiệu quả, có tính lan tỏa. Mô hình không chỉ tạo được ý thức tiết kiệm, quản lý chi tiêu gia đình trong hội viên phụ nữ mà qua đó khơi dậy tinh thần "tương thân tương ái”, giúp chị em khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Huyện Mai Châu lan tỏa những tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác

Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn huyện Mai Châu đã có nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, QP-AN ở địa phương.

Trưởng Công an xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

"Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc” do Bộ Công an, Công an tỉnh phát động, từ năm 2012 đến đầu năm 2024, với vai trò là Đội trưởng Đội Tổng hợp, tôi đã tham mưu Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tham mưu, phục vụ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo ANTT; các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản phục vụ chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện, Huyện uỷ, UBND huyện. Tháng 2/2024, tôi được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Bảo Hiệu” - Trung tá Bùi Văn Tuần, Trưởng Công an xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy chia sẻ.

Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục