(HBĐT) - Nếu tính về quãng đường thì từ TP Hòa Bình đến xóm Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chỉ khoảng hơn chục km. Song tính về sự phát triển lại là khoảng cách quá xa đối với một xóm thuộc xã đặc biệt khó khăn của vùng hồ Hòa Bình.


Người dân xóm Nưa, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) phát triển nuôi cá lồng bè, cải thiện thu nhập.

Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua được con đường gập ghềnh ổ trâu, ổ gà và sạt lở nhiều đoạn do mưa bão của các xóm Tháu, Vôi, xã Thái Thịnh (TP Hòa Bình). Sau đó tiếp tục lần theo con đường dân sinh heo hút, ngoằn ngoèo mà nhiều đoạn tưởng như đi vào rừng sâu, chúng tôi mới thấy được vài ba nếp nhà. Thở phào vì nghĩ đã tới được xóm Nưa, vậy mà có tiếng nói từ ngôi nhà sàn vọng ra: "Xóm ở bên kia sông cơ anh chị ơi, đây chỉ là một chòm thôi”. Rồi liên lạc, chờ đợi một hồi, trưởng xóm Đinh Tiến Dũng cũng cập bến chiếc thuyền máy đưa khách sang sông.

"Vất vả quá anh chị nhỉ. Xóm không có đường bộ, 100% đi lại bằng đường thủy. Từ UBND xã đến đây cũng mất gần 1 tiếng đi thuyền. Năm nay, nước hồ cạn, từ thuyền lên đến xóm cũng mất đoạn khá cao” - trưởng xóm Nưa mở đầu câu chuyện như để chia sẻ với khó khăn của khách, mà đáng lẽ ra cán bộ, nhân dân nơi đây mới cần nhận được nhiều sự sẻ chia.

Xóm Nưa có 69 hộ, 283 nhân khẩu. Cả xóm chỉ có 8 ha gieo trồng, trong đó 2 ha trồng ngô và 6 ha trồng sắn. Diện tích chính là đồi rừng với trên 500 ha rừng tự nhiên, rừng trồng và diện tích mặt hồ khá lớn. Do vậy, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào nuôi trồng, khai thác thủy sản và nguồn lợi từ rừng.

Biến khó khăn thành thế mạnh và nhờ thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè của tỉnh, hiện nay, xóm Nưa phát triển được gần 80 lồng nuôi cá, trong đó có 72 lồng sắt được hỗ trợ kinh phí 50%. Ngoài ra, xóm có trên 80% hộ tham gia khai thác thủy sản trên hồ Hòa Bình. Xóm được tỉnh, huyện tổ chức lớp dạy nghề và chuyển giao KHKT về nuôi trồng thủy sản đã giúp bà con có kỹ năng, kiến thức, từng bước khắc phục khó khăn thường gặp do dịch bệnh trên đàn cá để sản xuất bền vững.

Chị Xa Thị Tự, một người dân trong xóm chia sẻ: Nhà tôi có 2 lồng, nuôi khoảng 100 con cá trắm đen. Bình quân mỗi năm thu trên 1 tạ cá. Ngoài ra, hàng đêm, gia đình đi cất vó tôm, cá trên hồ. Có ngày may mắn cũng thu được gần tạ cá con. Trở ngại ở đây là không có đường, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phụ thuộc vào tư thương, giá cả không ổn định, nhiều khi bị o ép nên khó khăn chồng thêm khó khăn.

Hiện nay, người dân xóm Nưa còn nhiều trở ngại để tiếp cận với sản xuất hàng hóa. Cả tuần mới có 1 thuyền chợ ghé vào để bà con mua sắm. Sản phẩm làm ra ít khi người dân tự mang đi bán mà dựa vào tư thương đến thu mua, do đó giá bán thấp. Đơn cử như mùa măng năm nay, người dân trong xóm phấn khởi nói bán được giá cao hơn khá nhiều so với mọi năm (15.000/kg). Trong khi cũng thời điểm đó, người tiêu dùng ở TP Hòa Bình phải mua tới 30.000 đồng/kg, thậm chí còn cao hơn.

Hướng ánh mắt về lòng hồ mênh mông, trưởng xóm Đinh Tiến Dũng tâm sự: Xóm Nưa còn tới 28 hộ nghèo và nhiều hộ cận nghèo. Năm qua, thu nhập bình quân mới đạt 10 triệu đồng/người. Không chỉ thiếu đường mà xóm còn thiếu nhiều thứ lắm. Cả xóm mới có 28 hộ được vay vốn với dư nợ trên 730 triệu đồng nên nhiều hộ không có tiền đầu tư lồng nuôi cá để tận dụng diện tích mặt nước hay chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng. Một bộ phận người dân thiếu kinh nghiệm, kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất. Xóm ở gần bờ sông, nguy cơ sạt lở cao. Năm qua có 7 hộ ở trong vùng nguy hiểm phải yêu cầu di dời. Tuy có gần 70 hộ nhưng lại sinh sống rải rác thành từng chòm ven hồ, do vậy, việc tuyên truyền, vận động nhân dân cũng là trở ngại của cán bộ xóm. Nan giải nhất là công tác giáo dục. Vì xa trung tâm xã nên xóm có 1 chi trường. Tuy nhiên, từ lớp 1 đến lớp 5 các cháu phải học lớp ghép. Phòng học thì xuống cấp, trang thiết bị giảng dạy không đầy đủ, học sinh phần lớn đi học bằng thuyền nên việc duy trì được sỹ số học sinh đã là thành công.

Xóm Nưa gần mà xa với nỗi niềm đong đầy. "Chúng tôi mong lắm được mở con đường từ xóm Vôi qua xóm Nưa sang xã Bình Thanh (Cao Phong) để tạo điều kiện giúp bà con giao thương hàng hóa, thúc đẩy KT - XH. Tuyến đường này đã từng được khảo sát thiết kế mà chờ mãi vẫn chưa thấy triển khai”. Mong rằng tâm tư của trưởng xóm Đinh Tiến Dũng và người dân xóm Nưa sớm trở thành hiện thực.
 

                                                                           Bình Giang

Các tin khác


2 học sinh lớp 5 đuối nước tử vong tại đập My Tây, xã Nuông Dăm

Sáng 22/4, tại đập My Tây, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 cháu học sinh lớp 5 tử vong. Đó là các cháu: N. T. T. T và B. T. N. L, sinh năm 2013, cùng học tại Trường Tiểu học và THCS Nuông Dăm.

Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các Tổ liên gia an toàn PCCC huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong vừa tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn.

Khánh thành bể bơi phòng tránh đuối nước Trường TH&THCS xã Chiềng Châu

Sáng 22/4, tại Trường TH&THCS xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu đã diễn ra lễ khánh thành bể bơi phòng tránh đuối nước trường TH&THCS xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu. Tới dự và cắt băng khánh thành có các đồng chí: Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch danh dự Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai; Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai; Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Quỹ Thiện tâm; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và huyện Mai Châu.

Agribank Chi nhánh huyện Kim Bôi trao tặng xã Vĩnh Đồng 50 thùng đựng rác 

Hưởng ứng các hoạt động "Vì tương lai xanh năm 2024”, Agribank Chi nhánh huyện Kim Bôi vừa phối hợp UBND xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) tổ chức trao tặng công trình bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới năm 2024 tại xã.

Ban Tiếp công dân tỉnh: Tiếp nhận 76 đơn thư các loại

Từ ngày 14/3 - 12/4, Ban Tiếp công dân tỉnh đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 76 đơn thư (trong đó: khiếu nại 11 đơn; tố cáo 8 đơn; kiến nghị, phản ánh 57 đơn); nội dung đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai 58 đơn, lĩnh vực khác 18 đơn. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Quy định mới về Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý hoạt động đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục