(HBĐT) - Từ ngày 1/7/2008, Luật phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu lực, là công cụ pháp luật để xử lý những hành vi BLGĐ, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân, duy trì sự ổn định của gia đình và xã hội. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng BLGĐ vẫn diễn ra thường xuyên, trở thành vấn đề nhức nhối tại tỉnh ta. BLGĐ gây nên những tổn hại nghiêm trọng đối với cá nhân và ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

Hàng năm, huyện Lương Sơn tổ chức Hội thi "Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững" để tuyên truyền việc giữ gìn những giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình. (Ảnh: Màn chào hỏi của xã Liên Sơn). 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 171 vụ BLGĐ, trong đó có 61 vụ bạo lực tinh thần, 51 vụ bạo lực thân thể, 59 vụ bạo lực kinh tế. BLGĐ xảy ra chủ yếu ở phụ nữ chiếm 60,2%.

Tình trạng BLGĐ diễn ra khắp mọi nơi từ khu vực có trình độ dân trí cao tới khu vực có trình độ dân trí thấp. Tại huyện Yên Thủy, toàn huyện có 16.769 hộ gia đình, trong 7 tháng, xảy ra 76 vụ BLGĐ, trong đó bạo lực tinh thần là 33 vụ, bạo lực thân thể 19 vụ, bạo lực kinh tế 24 vụ. Nạn nhân bị BLGĐ chủ yếu là nữ, chiếm 71,1%. Độ tuổi bị bạo lực từ 16 - 59 tuổi.

 BLGĐ diễn biến phức tạp, nạn nhân bị bạo lực chưa tự tin phối hợp với chính quyền để giải quyết bạo lực. Đa số nạn nhân lựa chọn im lặng, với tư tưởng "chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau” nên không tố cáo với chính quyền. Khi bị phát hiện, hình thức xử lý chủ yếu là phê bình tại cộng đồng dân cư. Mặt khác giữa các đối tượng có mối quan hệ tình cảm gia đình nên khi cơ quan điều tra vào cuộc thì lại rút đơn hoặc thay đổi lời khai nhằm giảm nhẹ hình phạt. Trong 171 vụ BLGĐ chỉ có 26 người bị phê bình tại cộng đồng dân cư, 1 người xử phạt cảnh cáo; 4 người xử phạt hành chính. Số còn lại được tổ hòa giải cơ sở giải quyết. 

Theo bà Nguyễn Thị Anh, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH-TT&DL) cho biết: Nguyên nhân chủ yếu gây ra BLGĐ là do bất bình đẳng giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng nề tại một số gia đình. Một số chính sách, chương trình, chiến lược hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ chưa thật sự đi vào cuộc sống. Người dân còn thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống BLGĐ. Các thành viên trong gia đình chưa có cách giải quyết phù hợp khi gia đình có mâu thuẫn, xung đột. Tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, mại dâm và ngoại tình cũng làm cho nam giới lạnh nhạt, bỏ mặc, thậm chí đánh đập vợ, con. Khó khăn về kinh tế, đói nghèo dẫn đến BLGĐ. Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ nên chưa quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các chương trình, đề án về công tác gia đình.


Cán bộ Hội LHPN xã Hiền Lương, Đà Bắc (bên phải) tuyên truyền tại gia đình hội viên về tầm quan trọng của công tác phòng, chống bạo lực gia đình. 

Số liệu thống kê các vụ BLGĐ chỉ là phần nổi mà còn vô vàn những vết thương do BLGĐ gây ra không thể thấy bằng mắt vẫn tồn tại hàng ngày, hàng giờ. Rất nhiều người bị trấn thương tâm lý do những lời nói, hành vi lăng mạ, hạ nhục. Trong đó, đáng lên án là hành vi BLGĐ diễn ra trước mặt con cái làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý trẻ em. Hành vi bạo lực sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn trẻ, chi phối đến sự hình thành nhân cách trẻ, gây trấn thương tâm thần. Những đứa trẻ chứng kiến bạo lực thường lo lắng, sợ hãi. Nguy hiểm hơn, đây chính là mảnh đất ươm mầm cho những hành vi BLGĐ trong tương lai, khi mà những đứa trẻ trưởng thành có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. BLGĐ còn là nguyên nhân tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Bên cạnh đó, hành vi bạo lực còn tác động xấu đến trật tự xã hội. Những người chứng kiến hành vi bạo lực sẽ cảm thấy bất bình, ức chế. BLGĐ còn để lại nhiều thiệt hại về kinh tế như giảm năng suất lao động, tốn kém chi phí để chữa bệnh, phục hồi sức khỏe cho nạn nhân, chi phí xét xử các vụ bạo lực…
Kiên quyết loại bỏ Bạo lực gia đình.

Trong thời gian qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác phòng, chống BLGĐ với việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp, tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo công tác gia đình, đặc biệt là cấp xã. Tổ chức triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam gắn với Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ năm 2019. Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, toàn tỉnh treo 1.495 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền; 13 panô; 91 lượt tuyên truyền bằng xe lưu động; 83 buổi chiếu phim lưu động; 163 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ; 192 buổi mít tinh, tọa đàm; 102 buổi nói chuyện chuyên đề; 368 hội thi, hội diễn; 381 tin, bài…

Hiện nay, toàn tỉnh thành lập được 5 mô hình phòng, chống BLGĐ theo tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL; 1.181 CLB gia đình phát triển bền vững; 837 nhóm phòng, chống BLGĐ; 605 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng bằng 119 đường dây nóng. Trong 7 tháng năm 2019, Sở VH-TT&DL tổ chức được 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình với 354 học viên tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm gắn với xóa đói, giảm nghèo, y tế, pháp luật cho phụ nữ và trẻ em gái. Thực hiện chính sách ưu tiên dạy nghề cho phụ nữ lao động thuộc Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Tỷ lệ lao động nữ được học nghề chiếm 48%, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm là nữ chiếm 48%. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

 Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh ta kiên quyết đẩy lùi BLGĐ. Để không xảy ra BLGĐ cần ngăn chặn từ gốc. Phòng, chống BLGĐ và thực hiện bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành. Các cơ quan chức năng kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống BLGĐ, trong đó chú trọng tuyên truyền, giáo dục bằng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức với sự vào cuộc có trách nhiệm từ nhiều phía. Khi hành vi BLGĐ được phát hiện, cần giải quyết gắn với pháp luật để nghiêm trị, răn đe, chứ không "nặng” tính hòa giải. Hơn bao giờ hết, bản thân người phụ nữ phải vượt qua rào cản về định kiến giới, nâng cao trách nhiệm bản thân để phòng, chống BLGĐ.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người dân. Tích cực tuyên truyền về hậu quả nghiêm trọng của BLGĐ tại các điểm nóng thường xuyên diễn ra bạo lực. Thành lập thêm các CLB, mô hình phòng, chống BLGĐ tại cơ sở.

Để công tác phòng, chống BLGĐ đạt hiệu quả, nạn nhân bị bạo lực cần yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình và áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng chống BLGĐ. Nạn nhân được bố trí tới nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và các thông tin theo quy định của Luật Phòng chống BLGĐ. Đồng thời, nạn nhân bạo lực gia đình phải cung cấp thông tin liên quan đến BLGĐ cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.
  
                                                                                             Thu Thủy


Nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới

Hiện nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng BLGĐ. Chính vì vậy, để phòng, chống BLGĐ cần phải nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Cần phải đưa nhiệm vụ bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, có chỉ tiêu tách biệt giới trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ và trẻ em ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ. Bên cạnh đó, chính người phụ nữ phải ý thức được vị trí, tầm quan trọng của mình đối với xã hội và đối với gia đình. Người phụ nữ cần bổ sung kỹ năng tự bảo vệ, kiến thức pháp luật cũng như hiểu biết về quyền của mình để không nhẫn nhịn, chịu đựng.

Đỗ Thị Loan 
Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH)



Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Để hạn chế tình trạng BLGĐ, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến đông đảo quần chúng nhân dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề như: Quyền con người, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em… Công tác phòng, chống BLGĐ cần lồng ghép với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở cần có trách nhiệm nắm và xác minh đối tượng có nguy cơ gây ra BLGĐ để thực hiện các biện pháp theo dõi, giúp đỡ và kiên quyết xử lý những trường hợp BLGĐ.

Bùi Trọng Thủy, 
Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Yên Thủy


Cần thành lập các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình

Trong những năm qua, Hội LHPN xã Hiền Lương luôn quan tâm tới công tác phòng, chống BLGĐ. Cả 6 chi hội đều chú trọng tới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chị em về vai trò của gia đình, cách giải quyết mâu thuẫn trong gia đình và kiên quyết đấu tranh phòng, chống BLGĐ. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, xã Hiền Lương không xảy ra BLGĐ. Tuy nhiên, hiện nay, trở ngại lớn nhất tại xã Hiền Lương trong công tác phòng, chống BLGĐ là xã chưa thành lập được CLB phòng, chống BLGĐ, địa chỉ tạm lánh cho nạn nhân bị bạo lực. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong cấp ủy, chính quyền xã thành lập được CLB phòng, chống BLGĐ, CLB gia đình phát triển bền vững, địa chỉ tạm lánh nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

Xa Thị Thuần 
Chủ tịch Hội LHPN xã Hiền Lương (Đà Bắc)

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục