(HBĐT) - Mỗi năm, nhu cầu sử dụng 3 loại vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh cần khoảng 1.900 tấn lúa, 700 tấn ngô giống; 145.000 tấn phân bón, trong đó, 45.000 tấn đạm urê, 55.000 tấn lân, 35.000 tấn ka li; 250 - 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Vật tư nông nghiệp (VTNN) là hàng hóa thiết yếu quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm, sức khỏe người tiêu dùng. Bởi lẽ đó, vấn đề quản lý, kiểm soát chất lượng và việc sử dụng mặt hàng này được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm nhằm góp phần ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và môi trường sinh thái.


Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện các quy trình trong kinh doanh mặt hàng vật tư nông nghiệp tại thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy).

Vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng giảm lưu thông nhưng còn nguy cơ tiềm ẩn

Đó là nhận định của các ngành chức năng như: Công an, Quản lý thị trường (QLTT), NN&PTNT qua quá trình thanh, kiểm tra, kiểm soát thị trường và ý kiến phản ánh của người dân tại các cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát của HĐND tỉnh, huyện.

Vụ việc vận chuyển, kinh doanh VTNN gần đây nhất được lực lượng liên ngành Ban chỉ đạo 389 chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại phát hiện, xử lý vào hồi cuối tháng 2/2019. Theo đó, Đội QLTT số 6 phối hợp với Đội 4, Phòng PC 03 (Công an tỉnh) kiểm tra xe ô tô BKS 29C - 034.84 do ông Phạm Văn Tiến, quê quán tỉnh Hải Dương làm chủ. Căn cứ vào lỗi vi phạm vận chuyển hàng hóa là thuốc BVTV vi phạm nhãn hàng hóa, Cục trưởng Cục QLTT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 61 triệu đồng.

Thị trường cung ứng VTNN của tỉnh hiện nay khá phong phú, đáp ứng nhu cầu VTNN cho sản xuất. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 549 cơ sở kinh doanh VTNN, chủ yếu là cơ sở kinh doanh phân bón, một số cơ sở kinh doanh cả 3 mặt hàng gồm: giống, thuốc BVTV, phân bón và một số điểm bán có tính chất thời vụ. Có một thực tế là vấn đề quản lý chất lượng VTNN chưa đều khắp. Hàng năm, nếu tính thanh, kiểm tra theo kế hoạch của các đơn vị cấp tỉnh chỉ đạt khoảng 10% tổng số cơ sở. Đối với cấp huyện có thực hiện thanh tra theo chuyên đề nhưng xét về mặt tổng thể, chuyên sâu thì còn bị hạn chế.

Đồng chí Trương Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Trong khoảng 2-3 năm gần đây, tình trạng vận chuyển, kinh doanh, buôn bán VTNN giả, kém chất lượng ít xảy ra. Việc chấp hành các điều kiện kinh doanh về thuốc, phân bón được cải thiện, đơn cử như điều kiện bằng cấp chuyên môn, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng... Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng buôn bán theo mùa vụ, không có chứng nhận đăng ký kinh doanh đủ điều kiện. Lĩnh vực này thuộc quản lý của cấp chính quyền địa phương. Cá biệt ở nhiều chợ phiên vẫn còn tình trạng bày bán giống, phân bón. Đây là những nơi tiềm ẩn thuốc, giống, phân bón giả, kém chất lượng.

Đối với thanh, kiểm tra cấp tỉn, trong 7 tháng qua, thực hiện Kế hoạch số 1239 của Ban chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra 147 cơ sở, phát hiện và xử phạt hành chính 17 cơ sở, tổng tiền phạt trên 86 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện niêm yết giá theo quy định, để phân bón tiếp xúc trực tiếp xuống nền nhà, không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán thuốc BVTV, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, không duy trì đầy đủ các điều kiện trong kinh doanh theo quy định. Riêng cơ quan thanh tra chuyên ngành NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, lấy 8 mẫu VTNN gồm 4 mẫu phân bón, 4 mẫu thuốc BVTV gửi đi phân tích. Kết quả có 4 mẫu vi phạm về chất lượng, gồm: 1 mẫu thuốc, 3 mẫu phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Trong quý III và IV năm nay, công tác phòng, chống buôn lậu, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng tiếp tục được đẩy mạnh thông qua việc mở lớp tập huấn kiến thức về hàng thật, hàng giả đối với ngành hàng VTNN. Ban chỉ đạo 389 tỉnh cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, đơn vị thuộc ngành tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng VTNN. Lấy mẫu VTNN kiểm định chất lượng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định. Tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tăng cường các đợt thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc BVTV có dấu hiệu vi phạm, lập lại trật tự trong kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn.

Có chuyển biến trong sử dụng vật tư nông nghiệp nhưng còn chậm

Với mức độ tập trung đầu tư thâm canh trong trồng trọt ngày càng cao, nhu cầu sử dụng giống mới, ưu việt, các loại thuốc, phân bón của bà con nông dân trong tỉnh ngày càng lớn. Một thực trạng dễ thấy đó là vấn đề an toàn lao động cho người phun thuốc BVTV chưa được nhiều chủ sử dụng lao động quan tâm hoặc quan tâm có mức độ, nhất là đối với cây mía và cây có múi. Riêng về an toàn sức khỏe người tiêu dùng, đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho rằng: Mặt hàng nông sản của tỉnh cơ bản đảm bảo an toàn. Mặc dù diện tích được chứng nhận VietGAP, hữu cơ hiện mới đạt khoảng trên 1.000 ha, tương đương 10%, sức ép về năng suất, thu hồi vốn đầu tư cho sản xuất là có nhưng với nhận thức của số đông người sản xuất được nâng lên, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh ghi nhận đảm bảo chất lượng sạch, an toàn.


Nông dân trồng bưởi xóm Tân Hương, xã Thanh Hối (Tân Lạc) ươm cây giống cung cấp cho thị trường. 

Một minh chứng nữa trong quá trình kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng kết hợp lấy mẫu đưa đi phân tích kiểm nghiệm cho thấy, trong 2 - 3 năm nay, dư lượng thuốc BVTV nếu có cũng chỉ hãn hữu. Về kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc, thực hành nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc BVTV, đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đánh giá nông dân có sự chuyển biến trong áp dụng biện pháp kỹ thuật nhưng còn chậm. Có một lưu ý trong thực hành nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc - đúng liều - đúng lúc - đúng cách), bà con thường không "đúng lúc" với những đối tượng sâu bệnh hại mới, không thực hiện xử lý như cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Đơn cử như đối tượng sâu keo mùa thu xảy ra thời gian gần đây do người dân chưa quen nên sử dụng thuốc muộn. Mặc khác, sự lây lan sâu keo mùa thu diện rộng một phần do sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền địa phương và người dân không làm đúng theo chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn dẫn đến vấn đề xử lý dịch bệnh còn lúng túng, chất lượng, hiệu lực xử lý không cao, không đồng bộ.

Giống, phân bón, thuốc BVTV là VTNN "đầu vào" quan trọng quyết định hiệu quả kinh tế và chất lượng nông sản. Bên cạnh những chuyển biến trong cộng đồng người sản xuất về nhận thức, tư duy ứng dụng, kỹ thuật sử dụng VTNN vẫn còn một số nông dân hạn chế về trình độ, vốn, kỹ thuật, cũng như tâm lý e dè, không muốn thay đổi, làm theo kinh nghiệm nên chưa phát huy được tiềm năng phát triển nông nghiệp. Đặc biệt là do hạn chế về vốn nên việc đầu tư VTNN cho sản xuất nông nghiệp chưa mạnh mẽ. Ngành NN&PTNT trong những năm gần đây đã triển khai đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ thuật, trọng tâm là hướng dẫn kỹ thuật chọn giống, quy trình sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong canh tác, chăm sóc cây trồng. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) theo hướng đảm bảo ATTP để nông dân học hỏi. Trong 7 tháng năm nay, ngành NN&PTNT đã cấp phát 5.000 sổ tay hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV trên cây có múi và cây rau, 50.000 tờ rơi hướng dẫn sử dụng nước sạch và thu gom bao gói thuốc BVTV ở 11 huyện, thành phố. Triển khai 33 lớp tập huấn chuyên đề về quản lý sản xuất, kinh doanh VTNN, tập huấn trên cây rau, cây ăn quả có múi cho 1.200 người. Bà con nông dân trong tỉnh cần lưu tâm trong việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hiện nay cần được tiếp tục áp dụng kỹ thuật tốt hơn để đảm bảo cả về chất và lượng cây trồng. Nhất là nhóm cây ăn quả có múi cần chặt chẽ hơn về thời gian cách ly sử dụng thuốc BVTV đối với loại quả có múi chín sớm, chín muộn. Đối với các loại quả cho thu đúng vụ, nông dân thường không xử lý bằng thuốc BVTV hoặc hàm lượng sử dụng thấp, thời gian cách ly đảm bảo an toàn.

Bùi Minh


Nhóm ý kiến: 

 

Tăng cường lấy mẫu kiểm định chất lượng vật tư nông nghiệp

Bên cạnh hoạt động thanh, kiểm tra, Sở NN&PTNT đã tăng cường công tác lấy mẫu, giám định phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc triển khai, thực hiện đảm bảo quy trình, quy định.

Trong 7 tháng qua, ngành NN&PTNT đã kiểm tra 53 cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, tiến hành xử lý 1 cơ sở xếp loại C. Thanh tra theo kế hoạch đối với 5 cơ sở trên địa bàn huyện Cao Phong, lấy 8 mẫu vật tư nông nghiệp. Thanh tra đột xuất đối với 2 cơ sở kinh doanh VTNN, lấy 10 mẫu hạt giống, 3 mẫu phân bón để kiểm nghiệm chất lượng. Tiến hành 1 cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật trong buôn bán, lưu thông thuốc trừ cỏ với 7 cơ sở trên địa bàn 4 huyện (Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn, Yên Thủy), lấy 4 mẫu thuốc trừ cỏ Wamrin 800WP để phân tích, kiểm nghiệm chất lượng theo yêu cầu. Qua đó là căn cứ để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

 

Nguyễn Hữu Tài

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản


Nông dân tránh mua vật tư nông nghiệp ở chợ phiên, điểm bán thời vụ

Hiện, vẫn còn một bộ phận bà con vùng sâu, xa có thói quen mua VTNN ở các chợ họp theo phiên, thậm chí chưa để ý nhiều đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, hạn sử dụng. Tình trạng tư thương trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng không chỉ xảy ra đối với mặt hàng VTNN mà còn ở một số mặt hàng khác thường bán ở chợ phiên.

Là tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân không mua VTNN tại những điểm bán không có địa chỉ rõ ràng. Khi mua hàng cần chú ý đến việc nhận diện sản phẩm chất lượng qua tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng... Có như vậy mới giúp bà con không bị thiệt thòi khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo yếu tố "đầu vào" sản xuất.

Trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng... người tiêu dùng hãy liên hệ ngay và thông tin cho cơ quan Quản lý thị trường, Công an, chính quyền cơ sở... hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn, hướng dẫn khiếu nại nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Liên hệ với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh theo số điện thoại đường dây nóng 02183.603.262 hoặc Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Bộ Công Thương.

 

Phạm Hữu Chiến

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh

 

Mong được tham gia tập huấn chuyên đề về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp

Quá trình kinh doanh mặt hàng VTNN, tôi nhận thấy nhu cầu mua các vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất của bà con trong vùng rất lớn và đa dạng.

Hàng năm, các đoàn của tỉnh, huyện có đến thanh, kiểm việc kinh doanh tại cơ sở và lưu ý, nhắc nhở để cơ sở hoàn thiện hơn về điều kiện kinh doanh, thực hiện chấp hành các quy định về chất lượng VTNN. Trong nhập nguồn hàng hóa, tôi quan tâm đến các chủng loại phân bón, thuốc BVTV có danh tiếng trên thị trường hoặc đã được người sử dụng tin dùng, phù hợp từng loại cây trồng, tư vấn cho khách hàng để sử dụng vào sản xuất cho hiệu quả cao. Tại cửa hàng, tất cả các mặt hàng đều được niêm yết giá, bày bán trên kệ...

Tôi mong muốn được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, tập huấn chuyên đề về quản lý sản xuất, kinh doanh VTNN cho các cơ sở, hộ kinh doanh VTNN. Từ đó, cơ sở, hộ kinh doanh nắm bắt được các quy định hiện hành, chủ động nắm bắt, kịp thời khắc phục một số điều kiện quy định khi sản xuất, kinh doanh và các chế tài xử lý khi vi phạm.

Đỗ Quốc Hương

Xóm Mỹ Tân, xã Tân Thành (Lương Sơn)


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục