(HBĐT) - Trong nhiều năm qua, hầu hết bà con nông dân xã Hào Lý (Đà Bắc) thu nhập chủ yếu dựa vào cây mía nguyên liệu. Niên vụ 2015-2016, trên địa bàn xã hoàn tất hợp đồng thu hoạch cho Công ty CP mía đường Hòa Bình kể từ tháng 4. Nhưng đến thời điểm này, đơn vị thu mua mới chỉ thanh toán nơi cao nhất đạt 50% tổng sản lượng thu mua. Trước tình trạng này, hàng trăm hộ dân đang mòn mỏi chờ tiền mía.

 

  Hộ trồng mía xóm Hào Tân 2, xã Hào Lý (Đà Bắc) mòn mỏi chờ Công ty CP mía đường Hòa Bình thanh toán tiền nợ.

Men theo con đường mòn lầy lội bùn đất sau cơn mưa, chúng tôi gặp bà Đinh Thị Lan, hộ trồng mía xóm Hào Tân 2. Trong căn nhà đất lợp mái proximăng, bà Lan buồn bã chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gần 1 ha mía nguyên liệu, niên vụ vừa rồi đã cho thu hoạch 60 tấn, trị giá 42 triệu đồng. Tháng 4, Công ty CP mía đường Hòa Bình giục bà con thu hoạch mía sớm. Để kịp tiến độ, tôi đã vay lãi thuê lao động hoàn thành việc thu hoạch đúng hạn. Đến nay, Công ty mới tạm ứng cho gia đình 10 triệu đồng, số tiền còn lại vẫn chưa thanh toán”. Đằng đẵng nhiều ngày chờ tiền mía, gia đình bà Lan không chỉ phải lo cái ăn hàng ngày mà còn phải “gánh” lãi ngoài, hiện số tiền gốc và lãi đã lên tới 20 triệu đồng. Trong khi đó, hai vợ chồng bà tuổi đã cao vẫn phải đi làm thuê để trang trải tiền lãi vay từ khi thu hoạch mía.

 

Ở xóm Hào Tân 2 có 43 hộ thì có 13 hộ trồng mía. Tất cả các hộ đều chưa được thanh toán đầy đủ tiền mía nguyên liệu của niên vụ này. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, các hộ được ứng trước 1 triệu đồng, sau đó được thanh toán thêm 10 triệu đồng, tương đương 30% tổng số tiền được thanh toán. Từ đó đến nay, bà con vẫn chưa được thanh toán thêm bất cứ một khoản nào.  Phía Công ty CP mía đường thu mua chậm nên bà con lỡ vụ trồng ngô, không kịp chuyển đổi giống cây trồng để cải thiện kinh tế. Không riêng gia đình bà Lan phải vay lãi ngoài mà nhiều hộ trong xóm cũng vậy khiến khó khăn càng thêm chồng chất.

 

 Trao đổi với đồng chí Đinh Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Hào Lý được biết: Giai đoạn 1995 - 2012, xã Hào Lý cung cấp mía nguyên liệu cho Công ty CP mía đường Hòa Bình từ vài chục lên tới gần 200 ha. Nhưng những năm gần đây, diện tích trồng mía trên địa bàn xã giảm đáng kể do cơ chế thu mua và mức đầu tư hỗ trợ nông dân của Công ty.

 

Niên vụ 2015-2016, diện tích mía nguyên liệu của xã giảm còn 70 ha, sản lượng thu hoạch đạt 4.000 tấn. Chưa nhận được tiền mía, đời sống của bà con ngày càng khó khăn. Một mặt do vốn từ nhà đầu tư giảm dần không có đủ vốn để sản xuất một mặt do diện tích đất canh tác của bà con chỉ trồng mía nên bị phụ thuộc vào cơ chế, chưa kịp chuyển đổi loại cây trồng.

 

Trước tình hình này, xã đã nhiều lần gửi các văn bản yêu cầu Công ty CP mía đường Hòa Bình sớm thanh toán tiền mía còn nợ cho nông dân. Tuy nhiên, xã luôn nhận được câu trả lời là Công ty đang trong giai đoạn khó khăn mong nhận được sự thông cảm và chưa trả lời thời gian cụ thể nào Công ty sẽ thanh toán tiền cho bà con.

 

Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng chủ trương tìm nguồn tiêu thụ số lượng mía lưu gốc chất lượng kém trên diện tích đất trồng mía cho các trang trại chăn nuôi bò ở Mộc Châu (Sơn La)  nhưng địa bàn xã cách Mộc Châu khá xa nên chỉ có thể bán làm thức ăn chăn nuôi cho các trang trại nhỏ ở các vùng lân cận với mức giá 350 đồng /kg.

 

Đồng chí Chủ tịch UBND xã trăn trở: “Vụ mía vừa rồi thu hoạch muộn nên bà con bị lỡ vụ, trồng cây nào cũng không đạt năng suất như mong muốn. Nhiều gia đình mất ăn, mất ngủ vì tiền vay lãi ngày một tăng. Thấy đời sống bà con như vậy, cấp ủy, chính quyền hết sức sốt ruột. Đồng thời đề nghị Công ty CP mía đường Hòa Bình sớm giải quyết  khắc phục nợ đọng tiền thu mua mía của bà con, giúp các hộ ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất cũng như vực dậy lòng tin với đơn vị”.

 

 

                                                                                

                                                            Thu Hằng (CTV)

 

 

 

 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục