Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU bởi hiệp định sẽ mang lại nhiều lợi ích cho 2 bên.

 

Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Phil Hogan, Cao ủy Liên minh Châu Âu phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhân chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU.

Đánh giá cao về kết quả làm việc giữa Đoàn công tác và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, đây là dịp để hai bên trao đổi về những lĩnh vực cần hợp tác, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại vẫn còn tiềm năng lớn. 

 

 

Toàn cảnh buổi tiếp. 

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam mong muốn thúc đẩy và sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, bởi Hiệp định này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, nhất là doanh nghiệp Việt Nam và EU, đồng thời đề nghị EU công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam. Thủ tướng mong muốn EU hỗ trợ Việt Nam về mặt kỹ thuật để thực thi Hiệp định này. Việt Nam cam kết nỗ lực trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và quý hiếm.   

Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng Thủ tướng cho rằng, số nhà đầu tư EU vào Việt Nam còn thấp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản. Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các nhà đầu tư EU đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại hai bên. Hoan nghênh nhiều doanh nghiệp lớn của EU tham gia đoàn công tác đến Việt Nam lần này, Thủ tướng mong các doanh nghiệp tìm hiểu về những sản phẩm Việt Nam có lợi thế như thủy sản, rau quả, may mặc, giầy dép để đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư.

Thủ tướng nhất trí với ông Phil Hogan đưa hợp tác giữa Việt Nam và EU phát triển tốt đẹp vào thời gian tới, đồng thời nhất trí về đề xuất thành lập nhóm công tác để thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa hai bên. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm tốt nhất để đảm bảo an toàn thực phẩm xuất khẩu.

Về phần mình, ông Phil Hogan cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp và cho biết, chuyến thăm Việt Nam lần này có 42 doanh nghiệp EU với doanh thu 170 tỷ euro mỗi năm để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh. Tương lai hợp tác giữa Việt Nam và EU đang rất thuận lợi khi hai bên tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do. Hiện EU đang đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn và các công việc đang diễn ra theo đúng như kế hoạch để hai bên sớm ký kết, có thể vào cuối năm 2017 hoặc vào đầu năm 2018. 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay ông Phil Hogan, Cao ủy Liên minh Châu Âu phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Chia sẻ và đồng cảm với những mất mát người dân miền Trung Việt Nam phải gánh chịu do lũ lụt, ông Phil Hogan cho biết, EU cam kết đồng hành cùng Việt Nam về kỹ thuật và tài chính để ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ông Phil Hogan cho biết đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam để trao đổi thảo luận về vấn đề an toàn thực phẩm. EU có nhu cầu tiêu thụ cà phê, hạt điều và nhiều loại nông sản Việt Nam có thế mạnh. Các nhà đầu tư cùng đoàn đến Việt Nam lần này đều hiểu rõ Việt Nam không chỉ là một thị trường hấp dẫn mà còn là cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa sang các nước trong khu vực.

Những năm qua, đầu tư của EU vào Việt Nam giảm sút, nhưng ông Phil Hogan cho biết sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Thụy Điển đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và bán lẻ. Các doanh nghiệp EU đánh giá cao Việt Nam là thị trường có môi trường chính trị ổn định và tin tưởng vào những cơ hội hợp tác khi Việt Nam và EU ký kết Hiệp định thương mại tự do./.

 

 

                 TheoVOV.VN

Các tin khác


Doanh nghiệp trong xu thế kinh tế xanh

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.

Huyện Lạc Sơn khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới. Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

UBND tỉnh làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc

(HBĐT) - Sáng 29/3, đoàn công tác Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Lee Sang Back, Tổng Giám đốc khu vực tư nhân tổ chức KOICA Hàn Quốc đã làm việc với UBND tỉnh về dự án Hợp tác công tư liên quan đến lĩnh vực giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng cộng thêm (REDD+). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Nông dân lao đao vì giá lợn hơi sụt giảm

(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...

 Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục