(HBĐT) - Huyện Kim Bôi có nhiều thuận lợi cho việc giao thương với các thị trường trong và ngoài tỉnh, có diện tích đất nông nghiệp lớn, có tiểu vùng khí hậu thích nghi với nhiều chủng loại rau như rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ theo các mùa trong năm.

 

  Xã Hạ Bì (Kim Bôi) mở rộng diện tích trồng dưa chuột Nhật có hiệu quả kinh tế cao.  

Với những lợi thế đó, huyện Kim Bôi đã xây dựng đề án sản xuất rau an toàn giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tạo ra những sản phẩm rau an toàn, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất nông nghiệp.

 

Theo thống kê năm 2015, diện tích trồng rau của huyện có 2.552 ha, phân bố ở 27 xã của huyện. Năng suất rau trung bình toàn huyện đạt 174,1 tạ/ha, sản lượng đạt 44.454,6 tấn. Trên thực tế, rau lấy quả được trồng với diện tích lớn nhất, chiếm 44,6% gồm các loại chính như dưa chuột, bí xanh, bí đỏ; các loại rau ăn lá chiếm 43,5% gồm rau muống, cải các loại và một số loại rau khác; còn lại là các loại rau lấy củ, rễ hoặc thân chiếm 11,9%. Do các loại rau được trồng với diện tích manh mún, nhỏ lẻ ở các điểm và chưa có sự quản lý về chất lượng nên việc tiêu thụ chủ yếu là bán ở các chợ trong huyện. Tại một số xã: Hạ Bì, Vĩnh Đồng, Vĩnh Tiến, Tú Sơn, rau được tiêu thụ ở các điểm du lịch trên địa bàn xã. Đây cũng là lợi thế về mặt thị trường trong sản xuất rau tập trung trong giai đoạn tới.

 

Mục tiêu của đề án là hình thành được các vùng sản xuất rau an toàn với quy mô ngày càng lớn, đảm bảo cơ cấu, chủng loại theo nhu cầu thị trường gắn với phát triển rau bản địa để nâng cao giá trị kinh tế, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Đồng thời, nâng cao trình độ, nhận thức và trách nhiệm của nông dân trong việc sử dụng hóa chất, phân bón trong sản xuất và bảo quản rau. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo quyết định quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tỉnh đến năm 2020 có 25/27 xã nằm trong vùng quy hoạch với diện tích 1.522 ha. Trên cơ sở phân loại đất, nước và điều kiện canh tác, đề án đề xuất trong giai đoạn đầu chỉ phát triển sản xuất rau an toàn tại 2 xã Hạ Bì và Sào Báy với diện tích 10 ha (năm 2017) và đến năm 2020 thực hiện thêm ở 2 xã Trung Bì và Nam Thượng sẽ có 50 ha được chứng nhận an toàn, sản lượng thu được ước đạt 750 tấn/vụ. Theo tính toán, hiệu quả phát triển rau an toàn cao hơn hẳn so với các cây trồng khác. Bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha rau an toàn đạt từ 120-140% so với trồng rau thông thường. Kinh phí thực hiện đề án dự kiến trên 6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 550 triệu đồng, ngân sách huyện trên 2,3 tỷ đồng, người dân đóng góp trên 1,8 tỷ đồng, vốn khác trên 1,2 tỷ đồng.

 

Đồng chí Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Thực hiện quy hoạch phát triển rau an toàn là góp phần phá thế độc canh cây lúa, làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Để phát triển sản xuất rau an toàn đạt hiệu quả và có tính bền vững cao, huyện tổ chức khảo nghiệm, tuyển chọn bổ sung các giống thời vụ thu hoạch khác nhau, thu trái vụ để đa dạng hóa sản phẩm, tránh áp lực trong thu hoạch và có sản phẩm thường xuyên cung cấp ra thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường mở các lớp tập huấn để có đội ngũ kỹ thuật viên giỏi, chuyên sâu về rau an toàn, thường xuyên chỉ dẫn cho người nông dân trong quá trình thực hiện các khâu kỹ thuật, tạo thói quen để người dân có thể tự thực hiện được. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật và dạy nghề về sản xuất rau an toàn cho nông dân dưới nhiều hình thức. Xây dựng các nhóm nông dân sản xuất rau an toàn tự quản để nâng cao tính tự chủ, tăng cường liên kết hợp tác và ý thức, trách nhiệm của nông dân. Phát triển sản xuất rau an toàn sẽ dần hình thành nền sản xuất nông nghiệp vừa có tính hiện đại, vừa có tính sinh thái, tạo tiền đề hình thành những khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

 

 

                                                                          Đinh Thắng

 

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục