(HBĐT) - Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thời kỳ hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu tính bền vững. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách trong xây dựng và phát triển chuỗi giá trị. Vấn đề đặt ra là làm sao để liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân cùng một hướng.

Nông dân xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) yên tâm về đầu ra của sản phẩm bí xanh thương phẩm theo mô hình liên kết với Công ty CP Xuất - nhập khẩu GS Việt Nam.

 

Vì sao chuỗi liên kết chưa mang lại kết quả như mong muốn

 

Lợi ích không tương xứng, thiếu “chữ tín” giữa doanh nghiệp và người nông dân là nguyên nhân chính khiến chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa mang lại kết quả như mong muốn.

 

Những năm gần đây, “kịch bản” được mùa, mất giá của nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đã trở thành nỗi lo của người nông dân. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại và rủi ro trong sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Có trong tay những hợp đồng này, người nông dân yên tâm hơn khi sản phẩm của mình được tiêu thụ với mức giá bảo đảm có lãi, cho dù thị trường biến động sụt giảm. Thế nhưng trên thực tế đã nảy sinh những vấn đề đáng quan tâm. Đó là khi giá nông sản sụt giảm hoặc tiêu thụ cầm chừng thì người nông dân xếp hàng để bán cho các doanh nghiệp mà họ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Còn khi giá cao, thương lái về tận nhà để thu mua không ít hộ nông dân quay lưng lại với các doanh nghiệp, sẵn sàng bán sản phẩm cho các tư thương. Nhiều trường hợp do thị trường gặp khó khăn, giá sản phẩm giảm, doanh nghiệp thậm chí còn không thu mua hết sản lượng như hợp đồng đã ký với nông dân. Xảy ra tình trạng này một phần là do các điều, khoản của hợp đồng giữa đơn vị bao tiêu sản phẩm và nông dân chưa thực sự có sự ràng buộc chặt chẽ.

 

Bài học nhãn tiền những ngày vừa qua, người trồng ớt xuất khẩu tại xã Liên Vũ, Lạc Sơn đang điêu đứng vì doanh nghiệp ngừng thu mua ớt đã đến kỳ thu hoạch. Hậu quả là nhiều hộ dân phải nhổ bỏ ớt để lấy đất cấy lúa. tình trạng ớt thu hoạch ứ đọng, thậm chí phải đem đổ đi vì không bán được. Vụ đông - xuân 2016 - 2017, xã Liên Vũ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt xuất khẩu với doanh nghiệp tư nhân xuất nhập khẩu nông sản Phú Sĩ, địa chỉ tại thôn Làng Sen, xã Định Bình, huyện Yên Định (Thanh Hoá). Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, doanh nghiệp (DN) sẽ đầu tư ứng trước vật tư gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo từng thời điểm sâu bệnh; phối hợp với xã hướng dẫn quy trình kỹ thuật, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi kết thúc thời vụ thu hoạch và quan trọng nhất là công ty chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên diện tích hơn 4 ha với giá tối thiểu 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do DN ngừng thu mua nên người nông dân không thu hồi được vốn bỏ ra và với số ớt đã bán chưa biết bao giờ mới được nhận hết tiền?

 

Không chỉ có cây ớt, câu chuyện phá vỡ hợp đồng liên kết, bao tiêu các loại nông sản như sắn, mía, gừng, gấc, dưa chuột Nhật, chè... giữa  nông dân và doanh nghiệp vẫn thường xảy ra và để lại những bài học còn nguyên giá trị. Điển hình như vụ tranh chấp vùng nguyên liệu chè ở Đà Bắc thời điểm 2014-2015. Công ty giống cây trồng Phương Huyền đã ký kết với các hộ dân các xã Trung Thành, Yên Hoà phát triển vùng chè. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu,  hàng năm, Công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng cung ứng giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật đến các hộ nông dân. Đến mùa thu hoạch, bà con bán sản phẩm cho Công ty và trả khoản nợ được đầu tư ban đầu. Cách làm đó đã triển khai hàng chục năm qua. Tuy nhiên, đến vụ chè năm 2014- 2015, giá chè tăng cao, một số doanh nghiệp ở Phú Thọ tổ chức thu mua chè trên địa bàn với giá cao hơn và trả tiền ngay nên một bộ phận người dân đã “bội tín”, quay lưng lại với doanh nghiệp đã gắn bó với mình hàng chục năm nay.

 

Từ thực tế này cho thấy, mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp còn rất lỏng lẻo và vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước cũng là vấn đề đáng bàn.

 

Điều kiện cần và đủ để liên kết bền vững

 

Việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn do số lượng sản phẩm làm ra chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Bên cạnh đó, bà con còn thiếu thông tin, kiến thức để tiếp cận các hình thức mua bán, nhất là thiếu sự tham gia của doanh nghiệp .

 

Cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường là hoạt động cốt lõi đòi hỏi phải xây dựng được liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp. Xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang không đạt được lợi ích như mong muốn. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp trong tỉnh mới chỉ thu gom nông sản thô, hoặc sơ chế đóng gói. Có nghĩa là ngay bản thân các doanh nghiệp cũng không tiếp cận tới được người tiêu dùng thông qua thương hiệu của mình. Vì vậy, kinh doanh của doanh nghiệp chỉ mang tính thời vụ, không ổn định. Những doanh nghiệp này cũng không thể liên kết với nông dân được. Họ không có các yếu tố ổn định để liên kết với nông dân về chất lượng, cung ứng và chia sẻ rủi ro. Do vậy, xây dựng cánh đồng lớn hay sản xuất hàng hoá nông dân chỉ nên liên kết với những doanh nghiệp có khả năng chế biến sâu, bán sản phẩm trực tiếp, có thương hiệu đến người tiêu dùng thông qua các hệ thống phân phối trong và ngoài nước; hoặc liên kết với những doanh nghiệp chứng minh được họ đã liên kết, là một phần hữu cơ của một chuỗi hàng hóa nào đó trong các khía cạnh về chất lượng, thương hiệu, rủi ro…

 

Chất kết dính giữa doanh nghiệp và nông dân là gì? Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty TNHH và sản xuất - kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền, TP Hòa Bình cho biết: Ngoài việc đầu tư đầu vào, đảm bảo đầu ra, một trong những mấu chốt gắn kết thành công với nông dân là đặt lợi ích của nông dân lên trên lợi ích của công ty là cách hiệu quả nhất để nông dân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

 

HTX nông nghiệp Dân Chủ (TP Hòa Bình) trồng gừng trâu theo mô hình liên kết với Công ty Pacific đảm bảo ổn định đầu tư và thu nhập.

ảnh: p.v

 

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Điểm cơ bản và cốt lõi của các mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp chính là xây dựng các mối liên kết ngang (nông dân với nông dân) để thực hiện hành động tập thể và liên kết dọc (nông dân với doanh nghiệp) để xây dựng kênh phân phối mới của các tác nhân trong chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường hiệu quả nhất dựa trên nguyên tắc các bên tham gia bình đẳng, cùng có lợi.

 

Để đáp ứng các điều kiện cần và đủ trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, cần có sự nhận thức, chỉ đạo thống nhất của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến địa phương. Cần có liên kết “4 nhà” mà nhà doanh nghiệp là hạt nhân và chính là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết. Cần tuyên truyền, vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của nông dân về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất. Cần có các doanh nghiệp đủ tầm, đủ năng lực và tâm huyết để tham gia vào mô hình liên kết và rất cần sự đóng góp công sức, trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học… Bên cạnh đó phải có đủ diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí cánh đồng lớn. Phải có đủ 4 nhà cùng thực hiện liên kết nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện các hợp đồng sản xuất. Trong đó, chủ yếu là nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng thực hiện trong 1 dự án – có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ KH-KT cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành sản phẩm hạ. Bên cạnh đó phải có đủ máy móc, kho bãi phục vụ chăm sóc, thu hoạch phù hợp với quy mô diện tích, sản lượng của từng cánh đồng liên kết.

 

                                                                         Đinh Thắng

 

 

* Doanh nghiệp cần giữ vai trò đầu tàu trong liên kết

 

Doanh nghiệp và nông dân là 2 tác nhân chính của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là đầu tàu, là động cơ của mối liên kết. Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng liên kết “3 nhà” còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng vào WTO, doanh nghiệp cần nắm bắt đầy đủ các kiến thức và sự hiểu biết về WTO, nhanh chóng đổi mới và chủ động hội nhập. Các doanh nghiệp cần có chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; phải xây dựng được thương hiệu và chăm sóc thương hiệu theo định hướng cạnh tranh lành mạnh. Để các mối liên kết thật sự mạnh, ngoài việc có năng lực tổ chức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thì cần có các doanh nghiệp có tâm huyết, có trách nhiệm với nông dân và sự nghiệp phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Doanh nghiệp đóng vai trò là người cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất. Bao gồm nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu… và trên hết là tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nông dân; dự báo định hướng thị trường cho nông dân sản xuất.

 

                                                                   Trần Văn Tiệp

                                                          Giám đốc Sở NN&PTNT

 

 * Ngoài chính sách, doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn trong liên kết

 

Là doanh nghiệp thực hiện liên kết trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè với nông dân 2 huyện vùng cao Đà Bắc và Mai Châu hơn chục năm nay, Công ty đã góp phần tích cực trong tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở 2 địa phương này.

 

Trên thực tế, chúng tôi mong muốn nông dân phải làm quen dần với việc làm ăn theo luật, phải bỏ thói quen làm ăn tự phát để chuyển qua làm ăn theo hợp đồng, liên kết; tôn trọng hợp đồng cả về số lượng, chất lượng sản phẩm và thời gian cung ứng. Đặc biệt, nông dân cần hiểu biết và nâng cao hơn nữa về quyền và trách nhiệm trong thực hiện các hợp đồng kinh tế, tránh tình trạng khi giá nông sản cao thì bán sản phẩm ra bên ngoài gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, Nhà nước cần thông tin về thị trường, thu thập thông tin, nghiên cứu, đưa ra dự báo về cung cầu thị trường cho doanh nghiệp và đưa ra những quy hoạch sản xuất và thông tin cho người dân biết. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho nông dân hoặc những cơ chế chính sách tạo môi trường pháp lý cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp. Nhà nước phải có giải pháp đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, đào tạo nông dân một cách thiết thực; đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện trên từng địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, ngoài những chủ trương, chính sách khuyến khích doanh nghiệp mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về vốn để có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh và đầu tư phương tiện máy móc nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường.

 

                                                            Nguyễn Thị Tâm

                                     Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh

                                                     giống cây trồng Phương Huyền

 

* Mong muốn doanh nghiệp thực hiện nghiêm những cam kết trong hợp đồng

 

Là xã thuần nông, từ xưa chúng tôi chỉ quen với sản xuất truyền thống. Từ thất bại trong thực hiện mô hình liên kết trồng ớt xuất khẩu vừa qua, chúng tôi rất ủng hộ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất hàng hoá.

 

Nhưng doanh nghiệp ngoài hỗ trợ giống, vật tư và tập huấn kỹ thuật cần thực hiện bao tiêu sản phẩm đúng như cam kết trong hợp đồng để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương là người trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp khi ký hợp đồng phải có những điều khoản chặt chẽ bảo vệ quyền lợi của bà con, tránh trường hợp doanh nghiệp có những mánh khoé gây thất thiệt cho người nông dân. Có như vậy, chúng tôi mới yên tâm sản xuất được.

 

                                                                Bùi Văn Ninh

                                         Xóm Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn)

 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục