(HBĐT) - Có tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng vì xa xôi, cách trở nên xã Miền Đồi (Lạc Sơn) vẫn ẩn mình trong nghèo khó. Cần một lực đẩy, cú hích dù chỉ ở tầm vi mô để cuộc sống của người dân nơi đây thêm phần xuân sắc.


Xã Miền Đồi (Lạc Sơn) đang giải phóng mặt bằng để xây dựng sân chơi, bãi tập cho hoạt động văn hóa, thể thao theo chuẩn nông thôn mới.

Khát vọng thoát nghèo

Đó không chỉ là ước vọng của gần 300 hộ dân (hộ nghèo theo chuẩn đa chiều) mà là mối quan tâm đặc biệt của những người nắm giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt của xã Miền Đồi. Theo Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Cường, số liệu thống kê 32,21% hộ nghèo (năm 2017) là chưa sát, cần được tính toán lại. Bởi mặt bằng kinh tế của xã đang ở mức thấp, phần lớn hộ gia đình có cuộc sống ở mức khó khăn.

Thật vậy, có đặt chân tới nơi này, tận mắt chứng kiến nhịp sống của người dân mới thấy những khó khăn chồng chất. Miền Đồi là một trong những xã vùng cao của huyện Lạc Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Đường lên Miền Đồi là những khúc quanh co, uốn lượn, nhiều khi dựng đứng bởi nơi đây có địa hình đồi núi phức tạp, bị chia cắt nhiều.

Xã có 12 thôn, xóm, đến nay hơn nửa số thôn, xóm vẫn đi lại bằng đường đất. Khí hậu cũng khác biệt. Mùa đông, Miền Đồi chìm trong làn sương mù dày đặc. Phần lớn hộ dân sống dựa vào nông nghiệp, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp hiện chiếm 50% cơ cấu kinh tế của toàn xã. Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp luôn gặp khó. Bởi ruộng lúa là ruộng bậc thang, nhiều thửa chỉ cấy được 1 vụ. Lúa, gạo Bao Thai của Miền Đồi ngon nổi tiếng, nhưng năng suất thấp nên hầu như việc cấy trồng chỉ đủ ăn chứ không thể làm hàng hóa. Cũng bởi thời tiết luôn trong tình trạng sương mù nên hoa màu thường bị nấm lá, gia súc, gia cầm hay bị bệnh. Dù có nhiều cố gắng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Sản lượng lương thực toàn xã năm 2017 đạt 2.184 tấn, thu nhập bình quân đạt 19 triệu đồng/người/năm.

Thoát nghèo! Đó là khát vọng lớn nhất. Bởi vậy, trong kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 của xã Miền Đồi có sự quyết liệt hơn. Trong sản xuất nông nghiệp: chỉ cấy lúa ở những khu ruộng đảm bảo nguồn nước và có năng suất ổn định, diện tích còn lại chuyển sang trồng màu. Huy động nguồn vốn từ Chương trình 135 và vốn của Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo từng bước xóa bỏ vườn tạp, mở rộng diện tích trồng quýt bản địa (quýt dược liệu Miền Đồi) để sau này làm hàng hóa. Khuyến khích các hộ, nhóm hộ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại như: vịt bầu, gà ri, ong mật, lợn đen bản địa làm hàng hóa cung cấp ra thị trường. Hiện tại, xã Miền Đồi có tổng đàn trâu, bò trên 2.480 con (nếu tính bình quân mỗi hộ trong xã có gần 3 con trâu, bò). Theo như lời Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Cường thì hiện tại, đàn trâu, bò của xã Miền Đồi nhiều nhất so với 7 xã vùng Cộng Hòa của huyện. Trong năm 2018, xã phấn đấu phát triển đàn trâu, bò lên 2.650 con, đàn lợn 3.500 con trở lên và gia cầm các loại 32.000 con để tăng nguồn thu nhập, nâng cao mức sống người dân.

Đón du khách tìm về

Xa xôi, cách trở nhưng nếu ai đã một lần đến với Miền Đồi sẽ mong có ngày trở lại. Bởi được mẹ thiên nhiên ban tặng, Miền Đồi có cảnh đẹp đến "mê hồn”. Điểm nhấn cho "bức tranh” phong cảnh nơi đây là những ruộng lúa bậc thang tầng tầng, lớp lớp ẩn mình trong sương khói. Phía trên bậc thang cao nhất là những nếp nhà sàn truyền thống của bà con người Mường, hoang sơ nhưng gần gũi, ấm áp. Tôi thấy rõ niềm tự hào trong mắt người đối diện khi miêu tả về cảnh sắc nơi đây (em Bùi Thị Luyến, công chức văn hóa xã Miền Đồi). Miền Đồi đẹp lắm! Em chưa được đi nhiều để so sánh, nhưng có nhiều khách du lịch họ cho rằng ruộng bậc thang ở đây còn đẹp hơn Mù Cang Chải của Yên Bái đấy. Đi lại hàng ngày em thấy khu ruộng bậc thang của xóm Dóm thực sự là một "kiệt tác”. Xa hơn, ở xóm Vôi Thượng còn có đồi Lè với bãi cỏ may rộng lớn tựa "thảo nguyên xanh” trong lành, mát mẻ được tô điểm thêm bởi dòng thác Điệu cuốn hút nên thơ. Những năm gần đây, vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hàng năm thường có nhiều đoàn khách chủ yếu là học sinh, sinh viên đến đây du ngoạn. Khi đi họ mang theo đồ ăn, thức uống, đôi khi cả phông bạt để cắm trại và thứ không thể thiếu là điện thoại, máy ảnh, camera… ghi lại những khuôn hình đẹp. Nhiều đôi uyên ương đã chọn nơi đây làm hậu cảnh cho những bộ ảnh cưới tuyệt tác.

Mong lắm có nhà đầu tư biến tiềm năng, lợi thế do mẹ thiên nhiên ban tặng để phát triển du lịch. Có sự đầu tư, tôn tạo, tuyên truyền, quảng bá và mô hình du lịch homestay để phục vụ sẽ là điều kiện tốt để du khách tìm về. Khi ấy Miền Đồi không còn xa xôi, cách trở - cô cán bộ văn hóa xã rạng rỡ niềm tin.

Thúy Hằng


Các tin khác


Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Huyện Lạc Sơn có trên 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay toàn huyện có 5.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 8.500 lao động thường xuyên. Một số nghề phát triển như: sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, cơ khí nhỏ, dịch vụ vận tải hàng hóa, chế biến lâm sản, các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục