(HBĐT) - Những ngày này, trên các cánh đồng ở nhiều địa phương, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân tập trung thu hoạch diện tích cây màu vụ đông và triển khai làm đất, gieo mạ vụ chiêm xuân.



Nông dân xóm 1, xã Sủ Ngòi (TP Hoà Bình) kiểm tra tình hình mạ trên đồng ruộng. 

Còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này, thời tiết thường xuyên nắng ấm, thuận lợi cho gieo cấy vụ chiêm xuân. Không khí lao động, sản xuất, chạy đua thời vụ, phấn đấu cấy trước tháng 2 rộn rã trên những cánh đồng ở khắp các địa phương. Trên cánh đồng xã Sủ Ngòi (TP Hoà Bình), nông dân tất bật xuống đồng. Người hối hả làm đất, người chăm sóc, phủ nilon cho mạ... Nông dân các xóm trong xã như đang chạy đua với thời gian để triển khai kịp tiến độ khung thời vụ. Đem tre, nứa ra đồng để làm luống phủ nilon cho mạ, ông Nguyễn Văn Đảm, xóm 1, xã Sủ Ngòi cho biết: "Năm nay, gia đình gieo cấy trên 2.000 m2. Thời tiết ấm nên mạ phát triển khá tốt, hiện hầu hết các hộ trong xã đã hoàn thành gieo mạ. Đối với gia đình tôi, dự kiến khoảng 10 ngày nữa bắt đầu cấy. Những năm gần đây, tôi và bà con trong xã được tập huấn kỹ thuật nên hầu như không có mạ bị chết rét. Vụ năm nay có khả năng thiếu nước cao, vì vậy phải sử dụng hợp lý, ra giêng mới bắt đầu bơm nước để phục vụ tưới tiêu cây trồng”.
   Tại huyện Kim Bôi, nông dân các xã đang thu hoạch diện tích rau màu vụ đông còn lại và tiến hành làm đất. Một số xã như: Nam Thượng, Sào Báy có 30% số hộ bắt đầu cấy. Đồng chí Bùi Văn Bộ, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngay từ đầu vụ, Phòng NN&PTNT, Trạm KN-KL, Thú y tăng cường bám sát cơ sở chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất. Theo kế hoạch, vụ chiêm xuân năm nay, huyện gieo cấy trên 2.300 ha lúa, toàn huyện chuẩn bị 95 tấn lúa giống, chủ yếu là các loại TVR25, nhị ưu 838, BC15 kháng đạo ôn, Thái Bình... Toàn huyện đã làm đất xong trên 85 ha. Các cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tiếp tục nhập phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con. Mực nước tại các hồ, đập hiện đảm bảo cho sản xuất từ 85 - 90%. Tuy nhiên, thời tiết vụ chiêm xuân năm nay có thể xảy ra rét đậm, rét hại khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2, nguy cơ hạn hán cao. Vì vậy, huyện chỉ đạo các xã quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý các nguồn nước, thực hiện chuyển diện tích cấy lúa thiếu nước tưới sang trồng các loại cây màu, chú ý tránh rét, sâu bệnh cho mạ và các loại cây trồng. 

 Đến thời điểm này, thời tiết vụ chiêm xuân diễn biến khá thuận lợi. Tuy nhiên, không vì thế mà nông dân trong tỉnh chủ quan với các nguy cơ có thể xảy đến. Nhiều hộ đã tích trữ nilon để sẵn sàng che phủ cho lúa non, giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác thủy lợi. Hộ chăn nuôi tiếp tục chú trọng thực hiện các biện pháp thiết yếu để bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi. Các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. 

 Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 73 nghìn ha cây lương thực có hạt. Trong vụ chiêm xuân, toàn tỉnh gieo trồng tổng số 45.500 ha, trong đó, diện tích trồng lúa trên 15.400 ha, diện tích trồng ngô trên 18.000 ha. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thu hoạch màu trên tổng số 14,495 ha; hoàn thành làm đất lúa gần 3,900 ha, đạt 30% kế hoạch, chuẩn bị gần 800 tấn lúa giống. Nông dân các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây màu vụ đông để triển khai gieo cấy vụ chiêm xuân. Đồng thời, chuẩn bị các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất như phân bón, các giống ngô và rau màu.
 
   Đồng chí Vũ Thị Thanh Huyền, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) cho biết: Vụ chiêm xuân năm nay, các giống trà xuân muộn chiếm 88% tổng diện tích gieo cấy, các giống lúa chủ yếu là Syn6, khang dân 18, Q5, nếp, nhị ưu 838, bồi tạp sơn thanh, JO1, JO2, TBR225, thiên ưu 8, Đài thơm 8, MĐ1, BC15 kháng đạo ôn, RVT, bắc hương 9... Trong vụ, bệnh lùn sọc đen hại lúa nhiều khả năng sẽ xuất hiện ngay từ giai đoạn mạ và là nguồn lây lan trên diện rộng nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối tháng 2, dự báo sẽ xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại nên có thể gây chết mạ nếu không được che phủ đúng kỹ thuật. Để hạn chế tối đa những tác động bất lợi của thời tiết và sâu bệnh hại, cũng như để đảm bảo đủ lượng mạ cấy trong khung thời vụ tốt nhất, Chi cục TT&BVTV chỉ đạo các Trạm TT&BVTV đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy trình kỹ thuật gieo sạ đến nông dân. Hướng dẫn nông dân thực hiện các bước trong khung thời vụ, chăm sóc và phát hiện sâu bệnh trên cây mạ. Thường xuyên bám sát đồng ruộng, phối hợp với nông dân kiểm tra tình hình cây trồng, phát hiện dịch bệnh kịp thời để có biện pháp xử lý triệt để... Khuyến cáo nông dân khẩn trương thu hoạch màu vụ đông, tranh thủ thời tiết thuận lợi làm đất, gieo mạ sản xuất vụ chiêm xuân.


Thu Hằng

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục