(HBĐT) - Sắc xuân đã tràn ngập trên đất Mường Hòa Bình. Xuân 2020 mở ra thập niên mới cùng niềm tin và sự kỳ vọng bởi cơ hội đang rộng mở. Với vị trí địa lý liền kề Thủ đô Hà Nội, hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, mạng lưới giao thông thuận lợi, tỉnh ta có cơ hội trở thành nơi bố trí các trung tâm logistics và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, phân bố các cơ sở công nghiệp vệ tinh, tham gia vào chu trình sản xuất công nghiệp hiện đại tại các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, với quyết tâm đổi mới của lãnh đạo tỉnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tỉnh ta hứa hẹn trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.


Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra việc đầu tư Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng. Đây là công trình trọng điểm, khi hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả lớn cho 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy.

Những công trình giao thông giúp "mở rộng cánh cửa” đầu tư

"Tỉnh Hòa Bình có vị trí địa lý đặc biệt, là cửa ngõ khu vực Tây Bắc, kết nối với Thủ đô Hà Nội bằng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và QL6. Trong tương lai, Hòa Bình sẽ kết nối giao thương với các tỉnh Tây Bắc bằng hệ thống đường cao tốc hiện đại đã được quy hoạch. Vì vậy, với việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trong tỉnh cùng với sự điều hành trí tuệ, năng động của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sẽ là cơ sở vững chắc để Hòa Bình có bước phát triển đột phá về KT - XH và thu hút đầu tư” – chia sẻ của ông Trần Quang Việt, Giám đốc Công ty TNHH TM&XD Trung Chính tại lễ khởi công xây dựng công trình cầu Hòa Bình 2 (TP Hòa Bình) cho thấy rõ tiềm năng, lợi thế và cơ hội "mở rộng cánh cửa” để tỉnh ta phát triển KT – XH, thu hút các dự án, nhà đầu tư tiềm năng.

Sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, sử dụng, đường Hòa Lạc – Hòa Bình thực sự đóng vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển KT-XH của Hòa Bình cũng như các tỉnh Tây Bắc, rút ngắn quãng đường trên 20 km, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại từ Hòa Bình về Thủ đô Hà Nội. Tuyến đường đã kết nối, kéo tỉnh ta gần hơn với vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, mở ra cơ hội phát triển đô thị, du lịch, thương mại dọc tuyến. "Hiện có nhiều nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng đã nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án xung quanh tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình cũng như trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến những tập đoàn lớn như FLC, Vingroup, Sungoup, Hanbeak, T&T… vào khảo sát, lập dự án đầu tư phát triển du lịch với quy mô lớn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Tỉnh Hòa Bình sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ trong công tác khảo sát lập dự án, giải quyết thủ tục hành chính, quy hoạch, GPMB, đầu tư cơ sở hạ tầng một cách nhanh nhất theo quy định để hỗ trợ nhà đầu tư có thể triển khai dự án” – đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.


Đường Hoà Lạc - Hòa Bình góp phần thúc đẩy KT - XH và thu hút đầu tư của tỉnh.

 Thực hiện chủ trương giao thông đi trước mở đường sẽ kéo theo sự phát triển KT-XH, những năm qua, cùng với tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình, nhiều công trình giao thông trọng điểm đã được triển khai thực hiện và phê duyệt chủ trương đầu tư. Đặc biệt ở TP Hòa Bình, trên dòng sông Đà thơ mộng đã hiện hữu các cây cầu hiện đại, thỏa niềm ước mong của người dân đôi bờ. Hiện, công trình cầu Hòa Bình 3 đã hoàn thành và thông xe kỹ thuật. Công trình cầu Hòa Bình 2 đang gấp rút thi công. Theo quy hoạch, cầu Hòa Bình 2 phía bên bờ phải thông qua đường Trần Hưng Đạo, QL6 kết hợp cùng với hệ thống QL12 B, đường Hồ Chí Minh, QL1. Phía bờ trái thông qua các tuyến trên, kết hợp cùng với QL70 B, đường tỉnh 433 sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh phục vụ các phương tiện lưu thông vận tải hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc đi các tỉnh vùng núi phía Tây Bắc, phía Nam và ngược lại. Đối với khu vực nội thành, cầu Hòa Bình 2 sau khi hoàn thành, cùng với các cây cầu bắc qua sông Đà sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông và là điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, thúc đẩy đầu tư mở rộng không gian đô thị về phía bờ trái sông Đà cũng như các dự án đô thị sinh thái dọc 2 bờ sông Đà phía hạ lưu, tạo nên động lực thúc đẩy phát triển KT - XH, thu hút đầu tư, đảm bảo AN-QP của thành phố nói riêng và tỉnh Hòa Bình nói chung trong công cuộc CNH - HĐH và hội nhập của tỉnh.

Nói về cơ hội "mở toang cánh cửa” thu hút đầu tư, hứa hẹn tạo sự đột phá trong trong quá trình phát triển của tỉnh ta không thể không nói tới đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 85 km, trong đó trên địa phận tỉnh ta khoảng 49 km (đi qua TP Hòa Bình, huyện Đà Bắc); trên địa phận tỉnh Sơn La khoảng 36 km (đi qua 2 huyện Vân Hồ, Mộc Châu). Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu có điểm đầu tại nút giao QL6 tại Km 66+700 thuộc địa phận xã Trung Minh, TP Hòa Bình (tiếp nối với dự án cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình). Điếm cuối tại nút giao với QL 43 thuộc địa phận bản Muống, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu.

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu sẽ kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh Sơn La với Hòa Bình và Thủ đô Hà Nội, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Từ đó tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nhất là lĩnh vực du lịch, công nghiệp, dịch vụ của tỉnh ta và Sơn La. Tuyến đường đưa vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Mộc Châu còn khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Đặc biệt, từ nguồn vốn thuộc NSNN của tỉnh Hòa Bình, Sơn La quy ra các quỹ đất, trong tương lai sẽ có một số khu đô thị tầm cỡ tại TP Hòa Bình được triển khai, góp phần thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại của tỉnh ta.

Kỳ vọng những dự án làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn

Bao nhiêu năm qua, Hòa Bình nổi danh với công trình thế kỷ - Thủy điện Hòa Bình lớn nhất Đông Nam Á, để từ đó, TP Hòa Bình cũng như dòng sông Đà chảy qua được gọi với cái tên mỹ miều: thành phố điện hay dòng sông ánh sáng. Năm 2020, trên dòng sông yêu thương này sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng mang tính chất lịch sử, đó là khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (NMTĐHBMR). Dự án có công suất lắp máy 2 tổ x 240 MW với sản lượng điện khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Mục tiêu nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện. Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện, góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia. Đồng thời giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.

Theo kế hoạch, Dự án NMTĐHBMR sẽ thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào tháng 4/2020; khởi công công trình chính quý IV/2020; phát điện tổ máy 1 quý III/2023; phát điện tổ máy 2 vào quý IV/2023. Khi hoàn thành, công trình là cơ hội chỉnh trang TP Hòa Bình, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, thúc đẩy phát triển du lịch. Từ những khu vực đổ thải của dự án sẽ được quy hoạch các công trình, dự án quan trọng. Trong đó tại khu vực Quỳnh Lâm dự kiến triển khai Dự án san nền tạo mặt bằng phục vụ phát triển đô thị (sử dụng vật liệu đổ thải của Dự án NMTĐHBMR để tạo mặt bằng Khu liên cơ quan tỉnh).

Cũng từ những công trình hứa hẹn tạo nên sự đổi thay lớn cho tỉnh phải kể đến Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng đang được gấp rút triển khai. Dự án thực hiện điều tiết nguồn nước để bảo đảm cấp nước tưới cho 6.460 ha đất canh tác của 17 xã thuộc 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy; tạo nguồn cấp nước bổ sung cho các công trình ở hạ lưu trong mùa khô. Đồng thời, cấp nước 200 ha khu công nghiệp Lạc Thịnh (Yên Thủy); cấp nước sinh hoạt cho 3.500 dân thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn); tạo cơ sở cho phát triển kinh tế vùng theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Dự án xây dựng hồ chứa có dung tích khoảng 95 triệu m3, gồm các hạng mục: Đập ngăn sông, tràn xả lũ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ nằm trên địa phận xã Yên Phú (Lạc Sơn); hệ thống đường ống cấp nước nằm trên địa phận 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy. Tổng diện tích GPMB khoảng 1.238 ha, trong đó đất cho công trình 728,5 ha, đất phục vụ xây dựng 3 khu tái định cư 510 ha. Có 652 hộ phải di chuyển, tái định cư cho 630 hộ.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại hiệu quả lớn cho 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy. Khi hoàn thành, công trình sẽ phục vụ đắc lực cuộc sống, sản xuất cả vùng, nhất là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, điều hòa khí hậu, môi trường. Đặc biệt, với cảnh sắc đẹp, kỳ vĩ, giao thông thuận lợi do gần QL12 B và tuyến đường Hồ Chí Minh nên trong tương lai, nơi đây sẽ là điểm du lịch đẹp, hấp dẫn du khách. Từ đó người dân trong vùng có cơ hội phát triển các dịch vụ đi theo. Song lợi ích trước mắt là hàng trăm gia đình trong mùa xuân này đã được ở tại khu tái định cư rộng rãi, cơ sở hạ tầng đảm bảo, gần trung tâm xã, huyện.



Hoàng Nga

Các tin khác


Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục