(HBĐT) - Đến nay, ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có lưới điện phủ khắp, với tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng lưới điện ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa đã xuống cấp; thực trạng người dân phải dùng cột tre, gỗ kéo điện xa vài trăm mét vẫn còn phổ biến.



Công nhân Điện lực Lạc Sơn cải tạo, nâng cấp lưới điện để đảm bảo cung cấp điện trong mùa mưa bão.

Điện phải đi trước một bước

"Không có đường thì "trói” chân, còn không có điện thì "mù” tri thức. Vì thế, muốn phát triển KT-XH thì điện phải đi trước một bước". Câu nói mang tính đúc kết đó chúng tôi được nghe từ một cử tri ở xã vùng sâu của huyện Lạc Sơn trong buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khi nêu ý kiến, kiến nghị về vấn đề đầu tư lưới điện. Thực tế, trong những chuyến đi công tác về những vùng khó khăn trong tỉnh, chúng tôi đã có thời gian để kiểm chứng về vai trò "đi trước một bước” của ánh điện. Còn nhớ, những ngày cuối tháng 8/2016, chúng tôi đến xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn). Bản Mường lúc bấy giờ chưa có điện lưới quốc gia, con đường độc đạo lên xóm Pheo ngoằn ngoèo, trắc trở. Không đường, không điện, xóm Pheo khi đó "ẩn mình” giữa bao la núi rừng, đời sống kinh tế của bà con vô cùng khó khăn.

Thế nhưng, Tết Nguyên đán năm 2018, người dân xóm Pheo đã được đón cái Tết vui nhất khi ánh điện về đến bản. Tháng 3 năm đó, khi chúng tôi trở lại Pheo, bản làng đã có những sự thay đổi đáng kinh ngạc. Ở trung tâm xóm đã có những quán tạp hóa, trên 70 hộ dân mua sắm được ti vi, tủ lạnh để sử dụng. Ánh điện về đã thúc đẩy xóm Pheo phát triển kinh tế. Sau 3 năm được hưởng niềm vui ánh điện, đời sống của bà con nơi đây tiếp tục có những đổi mới. Trưởng xóm Pheo Bùi Văn Bình chia sẻ: Từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của bà con đã nhiều thay đổi. Các gia đình mua được phương tiện nghe nhìn để học hỏi phát triển kinh tế. Mua được các thiết bị điện để phục vụ cuộc sống, con em trong xóm cũng có ánh sáng để học tập tốt hơn.

Có điện lưới quốc gia, đường giao thông được mở rộng, cứng hóa thuận lợi, từ một xóm đặc biệt khó khăn, bao đời người dân "ẩn mình” ở núi, nay xóm Pheo từng bước bắt kịp với các thôn, xóm khác trên địa bàn xã Văn Nghĩa. Cũng trong năm 2018, người dân ở xóm núi Thung Vòng, xã Do Nhân, nay sáp nhập là xóm Khi, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) cũng được hưởng niềm vui khi có điện lưới quốc gia để sử dụng. Xóm núi khi đó chỉ có hơn 10 hộ dân, sau khi dự án thủy điện được đầu tư vài tỷ đồng "đắp chiếu” sau một thời gian ngắn sử dụng, bà con nơi đây quay lại cảnh đèn dầu. Từ năm 2018, sau khi có điện lưới quốc gia, đời sống vật chất, tinh thần của bà con Thung Vòng đã có những chuyển biến tích cực.

Đến nay, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đều đã có điện lưới quốc gia để sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, hạ tầng lưới điện, nhất là ở một số khu vực nông thôn vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Chập chờn ánh điện tự kéo

Lưới điện xuống cấp do qua thời gian dài sử dụng nhưng chưa được thay thế, nâng cấp, dẫn tới điện yếu, chập chờn. Nhiều hộ dân ở khu vực vùng sâu, xa, vùng cao trong tỉnh suốt nhiều năm qua vẫn đang phải dùng cột tre "cõng” điện về sử dụng, với khoảng cách vài trăm mét. Đó là thực trạng phổ biến về tình hình lưới điện nông thôn hiện nay trên địa bàn tỉnh. Điển hình là hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn các xã của huyện Lạc Sơn. Trong đó, thực trạng lưới điện tự kéo của xã Phú Lương (nay sáp nhập là xã Quyết Thắng) đã được phản ánh nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Được sử dụng lưới điện quốc gia từ năm 2002, nhưng do đường dây 0,4 kV mới chỉ đến trung tâm xóm, nên nhiều hộ dân phải dùng cột tre kéo điện cách nhà vài trăm mét. Hình ảnh đường dây điện tự kéo chằng chịt, dây diện vắt trên bờ rào ở xóm Khải Cai là một điển hình.

Đồng chí Bùi Văn Âu, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) cho biết: Năm nay, xã được đầu tư 5 trạm biến áp mới, gồm 2 trạm thuộc xã Phú Lương cũ và 3 trạm ở xã Phúc Tuy cũ, dự kiến đóng điện trong tháng 7. "Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, khoảng 80% hộ dân có điện đảm bảo để sử dụng, còn lại là điện yếu, chập chờn. Xã có điện từ năm 2002, hiện nhiều xóm đường dây 0,4 kV mới chỉ đến trung tâm xóm, nên các hộ phải kéo điện xa đến vài trăm mét.  Ngoài đầu tư thêm trạm biến áp mới, người dân cũng mong muốn được ngành chức năng quan tâm, nâng cấp các trạm biến áp đã cũ, đầu tư đường dây 0,4 kV đến các khu dân cư để người dân có điện đảm bảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất” - đồng chí Bùi Văn Âu, Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng bày tỏ.

Không chỉ có xã Quyết Thắng, khi đi dọc tỉnh lộ 436, hình ảnh đường dây điện tự kéo dễ dàng bắt gặp ở các xóm thuộc xã Gia Mô, Lỗ Sơn, Nhân Mỹ (Tân Lạc). Nhiều hộ dân ở các xóm: Gia Phú, Rên, Trang, Đừng (xã Gia Mô) phải kéo điện cách xa vài chục mét. Thực trạng mất điện do quá tải đường dây đã trở thành phổ biến ở xã vùng sâu này, nhất là vào giờ cao điểm. Ở xã Do Nhân cũ - nay sáp nhập là xã Nhân Mỹ, cấp ủy, chính quyền và người dân cũng đã nhiều lần bày tỏ mong muốn được đầu tư lưới điện đảm bảo.

Đồng chí Đinh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Mỹ cho biết: Tháng 4/2020, UBND xã có tờ trình đề nghị hỗ trợ cấp điện cho Trường TH&THCS Do Nhân và các hộ dân xóm Trăng Tà. Bởi, hệ thống cấp điện cho trường học này đã xuống cấp nghiêm trọng, bên cạnh đó, xung quanh trường có 8 hộ dân phải kéo điện xa 350 m nên điện yếu, không đảm bảo cho sinh hoạt. Đó là những trường hợp cấp thiết đầu tư, ngoài ra, ở xã Nhân Mỹ còn nhiều hộ dân ở các xóm khác cũng phải kéo điện từ xa về sử dụng.


Những đường dây điện tự kéo vắt vẻo ở các bờ rào vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Ảnh chụp tại xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc).

Ngành Điện nỗ lực đầu tư, nâng cấp

Trao đổi về vấn đề này,  đồng chí Lương Văn Phương, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết: Hiện nay, vẫn còn nhiều lưới điện nông thôn sau khi tiếp nhận chưa đảm bảo. Khó khăn nhất là các đường dây 0,4 kV, có những trạm biến áp đang bán điện chiều dài đường dây 0,4 kV lên tới 4 km. Tuy nhiên, để đầu tư, nâng cấp toàn diện là rất khó, vì cần vốn đầu tư lớn. Chính vì thế, hàng năm, Công ty Điện lực Hòa Bình đã bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên, để đáp ứng được nhu cầu lưới điện đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Như năm 2020, nguồn đầu tư lưới điện khoảng 90 tỷ đồng cho vốn đầu tư, 50 tỷ đồng cho vốn sửa chữa lớn và khoảng 9 tỷ đồng cho sửa chữa thường xuyên. Theo đó, từ đầu năm đến nay lắp đặt 77 trạm biến áp mới, đến nay cơ bản đóng điện, khách hàng đã được hưởng lợi.

Theo đồng chí Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình, đến nay, nhìn chung lưới điện tiếp nhận ở khu vực nông thôn đáp ứng được từ 70 – 80% nhu cầu của Nhân dân. Đối với các khu vực khác đều được cải tạo, đại tu, thay thế để đáp ứng nhu cầu vận hành khi phụ tải ngày một tăng cao. Trong năm 2021, dự kiến công ty được cấp khoảng 100 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng, 50 tỷ đồng cho sửa chữa lớn. Công ty sẽ tiếp tục rà soát, đầu tư, nâng cấp hạ tầng lưới điện nông thôn để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân.


Viết Đào

NHỮNG Ý KIẾN 

Tiếp tục quan tâm, đầu tư đường dây 0,4 kV đến các khu dân cư

Đồng chí Bùi Văn Bích
Phó Bí thư TT Đảng ủy xã Miền Đồi (Lạc Sơn)

Miền Đồi là xã khó khăn của huyện Lạc Sơn, dân cư phân bố khá thưa thớt. Được sự quan tâm của ngành chức năng, năm 2007, Miền Đồi được đầu tư hệ thống lưới điện quốc gia. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã đã có điện lưới quốc gia để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Điện đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu nhập của người dân từng bước được cải thiện. Thế nhưng, thực tế, do là địa bàn vùng cao, dân cư phân bố thưa thớt, nên đường dây 0,4 kV hiện vẫn chưa đến tất cả các khu dân cư trên địa bàn xã. Điển hình như các xóm Vôi Hạ, Tre Báng, Bái, có những hộ dân phải tự kéo điện cách xa từ 500 - 600 m. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của bà con
Hiện nay, trên địa bàn xã phát triển một số ngành nghề mới như: cơ khí, xưởng gỗ, bà con cũng mua nhiều máy móc phục vụ cho sản xuất nên nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng. Do đó, việc đầu tư, nâng cấp hoàn thiện lưới điện, đặc biệt là xây dựng đường dây 0,4 kV đến các khu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của một xã đặc biệt khó khăn như Miền Đồi. 



Mong được đầu tư lưới điện đảm bảo

Ông Bùi Văn Dan
Trưởng xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc)

Do chưa được đầu tư đường dây 0,4 kV, nên nhiều hộ dân trong xóm phải tự kéo điện khá xa để sử dụng, đặc biệt là 45 hộ dân ở chòm xóm Bo ngoài. Vào mùa mưa bão, các cột điện tự kéo bằng tre, gỗ bị mục nát, gãy đổ nên rất nguy hiểm. Ở trong xóm đã có trường hợp trâu bị điện giật chết do mắc vào đường dây điện của bà con. Đường dây tự kéo xa không chỉ gây nguy hiểm mà điện còn yếu, chập chờn, nhất là vào buổi tối, rất khó để sử dụng các thiết bị như: quạt điện, tủ lạnh, nồi cơm điện, các thiết bị này cũng nhanh hỏng hóc.

Năm nay, được sự quan tâm của ngành Điện, các hộ dân ở khu Cò Khị đã có điện đảm bảo để sử dụng nhưng ở chòm xóm Bo ngoài, hiện, bà con vẫn phải dùng cột tre, nứa để kéo điện về sử dụng. Những ngày mưa, bão vừa qua, nhiều cột điện bị gãy đổ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bà con rất mong được cơ quan chức năng quan tâm, tiếp tục đầu tư thêm đường dây 0,4 kV để 45 hộ dân ở chòm xóm Bo ngoài không còn phải kéo điện xa, có điện đảm bảo để sử dụng. Từ đó, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục