(HBĐT) - Miền sơn cước Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi, mùa nào thức đấy, quanh năm cây cối xanh tươi, quả ngọt trĩu cành. Khi những cánh đào khoe sắc gọi xuân về, khắp các bản làng nhộn nhịp, rộn ràng tiếng ca, cũng là lúc người nông dân trong tỉnh tạm gác những nhọc nhằn, vất vả để hưởng thụ thành quả.


Người dân thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) sáng tạo thụ phấn cho na để na ra quả trái vụ.

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản... Trên địa bàn tỉnh hình thành vùng sản xuất cây ăn quả có múi tập trung tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Hiện có 11,5 nghìn ha, diện tích kinh doanh 7,4 nghìn ha, sản lượng 19,4 vạn tấn. Diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ 2,5 nghìn ha. Ngoài ra, còn có các vùng sản xuất nhãn, na, chuối tạo sự đa dạng hóa sản phẩm của từng địa phương.

Về xã Xuân Thủy (Kim Bôi) những ngày giáp Tết, đến đâu cũng thấy râm ran câu chuyện về những lô nhãn đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ông Đinh Công Phục, xóm Khoang chia sẻ: Đến nay, tôi vẫn nhớ về lần đầu tiên những quả nhãn của vườn nhà trồng được sơ chế làm hàng xuất khẩu. Tôi tiếp tục chăm sóc vườn nhãn hơn 1 ha theo đúng yêu cầu, kỹ thuật để xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng lớn hơn. Toàn xã có trên 140 ha nhãn, khoảng 70 ha đã cho thu hoạch. Những lô nhãn đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã khẳng định chất lượng, thương hiệu, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, tạo niềm tin để người dân yên tâm sản xuất, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nhãn Sơn Thủy.

Mường Thàng - Cao Phong tự hào là địa chỉ cung cấp những trái cam vàng óng, tươi ngon tới người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước. Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Toàn huyện có trên 3.000 ha cam, quýt các loại, trong đó, diện tích thời kỳ kinh doanh trên 1.700 ha, diện tích thời kỳ kiến thiết trên 1.200 ha. Để giữ gìn và phát triển thương hiệu cam Cao Phong, UBND huyện khuyến khích, có nhiều chính sách hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm như trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đến nay, huyện có trên 1.000 ha với 759 hộ rồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP; 1.147 ha được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức Lễ hội cam, tham gia hội chợ thương mại tại các tỉnh bạn; chuẩn hóa sản phẩm cam quả, sản phẩm chế biến từ cam đạt tiêu chuẩn OCOP.

Không chịu khuất phục trước diễn biến bất thường của thời tiết, nông dân Hòa Bình đã tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra những quả trái mùa ngọt thơm. Từ lâu, quả na xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) có tiếng bởi mẫu mã đẹp, ngọt thơm, ít hạt. Tuy nhiên, để có được những mùa bội thu, những "kỹ sư” nông dân đã nghiên cứu, sáng tạo, tỉa cành, thụ phấn bằng tay cho na. Phương pháp thụ phấn tạo vụ thu hoạch na trái vụ với năng suất, chất lượng tốt. Vụ chính vào tháng 8, trái vụ thu hoạch khoảng tháng 10. Na trái vụ được bán với giá cao, khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg.

Từ đầu tháng 10, để có thanh long phục vụ Tết Nguyên đán, chàng thanh niên Bùi Văn Thanh, xóm Đồi Bưng, xã Đông Lai (Tân Lạc) ngày, đêm bám vườn thắp đèn chiếu sáng kích thích thanh long ra hoa. Anh Thanh chia sẻ: Sau nhiều vụ thu hoạch chính, nhận thấy vào dịp trái vụ, nhu cầu của người tiêu dùng mua thanh long khá cao, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, giá bán có thể gấp đôi thời điểm chính vụ. Từ đó, tôi đã học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi áp dụng KH-KT để tạo ra quả thanh long trái vụ bằng phương pháp thắp đèn kích thích sự ra hoa của thanh long. Tháng 10/2020, tôi đầu tư hệ thống bóng đèn led chuyên dụng thắp sáng cho thanh long, thử nghiệm trên diện tích 3.000 m2, khoảng 400 bóng đèn led. Thắp điện từ 18h - 6h trong vòng 20 ngày để kích thích sự ra hoa của thanh long. Với phương pháp này, tôi cùng một số hộ trồng thanh long trong xã đã đưa ra thị trường Tết những quả thanh long ruột đỏ to, đẹp bày mâm ngũ quả ngày Tết.

Một mùa xuân mới đã đến, nông dân khắp xứ Mường đặt niềm tin vào một năm mới với nhiều hy vọng, nhiều thành công. Họ quyết tâm phát huy tiềm năng, thế mạnh, hăng hái thi đua lao động sản xuất tạo ra những mùa quả ngọt bội thu để khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp.


Thu Thủy


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục