(HBĐT) - Chè xuân là lứa búp đầu tiên trong năm, vị đậm đà, nước xanh, hương thơm mát. Ngày xuân, quây quần bên bạn bè, gia đình thưởng chè, chúc nhau năm mới an khang, thịnh vượng, tận hưởng mùa xuân thanh bình, hạnh phúc.



Thời gian qua, huyện Lạc Thủy luôn giữ gìn và phát triển thương hiệu chè sông Bôi thông qua việc đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu.

Nhiều địa phương của tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để cây chè sinh trưởng và phát triển. Chè Sông Bôi (Lạc Thủy), chè Shan tuyết Pà Cò (Mai Châu) là những thương hiệu nổi tiếng của tỉnh. Ngoài ra, một số địa phương có tiềm năng phát triển cây chè như xã Hùng Sơn (Kim Bôi), xã Trung Thành (Đà Bắc)… Theo lịch thời vụ, tháng 11, đầu tháng 12 (âm lịch), người trồng chè đốn cành tạo tán và chăm sóc để cây chè hồi sinh, nảy mầm khi xuân về. 

Tiết trời sang xuân, những giọt sương còn đọng trên lá chè cũng là thời điểm bà con người Dao sống tại xóm Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) lại rộn ràng hái lứa chè xuân đầu tiên. Cụ Phùng Đăng Phúc, người đầu tiên đưa cây chè về trồng tại xóm Bà Rà chia sẻ: Chè xuân là ngon nhất trong năm bởi nó kết tinh của "khí trời, vị đất” trong thời kỳ ngủ đông. Hương vị chè xuân thơm ngon, nhâm nhi chén chè cảm nhận được vị ngọt thanh nơi đầu lưỡi. Chè xuân cho năng suất thấp nhưng thu nhập cao gấp đôi so với các vụ chè khác. Để có được hương vị đặc biệt như vậy, chè phải được hái từ sáng sớm khi sương còn đọng trên lá, mang về hong và sao trên bếp than hồng vô cùng tỉ mỉ. Người sao chè phải điều chỉnh được nhiệt độ và mùi thơm.

Cứ thế, 16 năm nay, hương vị chè Bà Rà gắn bó với đời sống người dân xã Hùng Sơn và các xã lân cận. Chè Bà Rà trở thành thức uống đặc biệt và là sản phẩm làm quà tặng. 

Rời xã Hùng Sơn, chúng tôi tới huyện Lạc Thủy - địa phương trải qua bao thăng trầm cùng cây chè. Người dân Lạc Thủy luôn tự hào về thương hiệu chè Sông Bôi. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, cây chè được trồng trên đất sông Bôi - nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Chè được trồng chủ yếu ở các xã Phú Thành, Đồng Tâm, Phú Nghĩa. Hiện, toàn huyện có 250 ha chè, trong đó, Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi Thăng Long có khoảng 150 ha chè. Năm 2017, công ty xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, trung bình mỗi năm xuất khoảng 150 tấn chè khô sang thị trường này. Năm 2020, sản phẩm chè Sông Bôi đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. 
 Ông Trần Văn Thú, Phó Giám đốc công ty chia sẻ: Sau nhiều năm nghiên cứu, từ năm 2016, công ty lựa chọn giống chè mới LDP1 để trồng và nhân rộng trên địa bàn huyện. Đây là giống chè có ưu điểm nổi trội, phù hợp với đồng đất Lạc Thủy, khả năng sinh trưởng tốt, năng suất cao. Sản phẩm chè của công ty được kiểm soát ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, được đóng gói, gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

So với các địa phương khác Lạc Thủy được đánh giá là vùng có điều kiện, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây chè. Do vậy, để phát huy hiệu quả kinh tế của cây chè, công ty tăng cường tuyên truyền cho người dân giữ gìn vệ sinh ATTP trong sản xuất thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng chè; thiết kế đồi chè chống xói mòn đất, trồng mật độ hợp lý; ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè…
 Chè là thức uống không thể thiếu trong đời sống hàng ngày và mỗi dịp Tết đến, xuân về. Khách đến chơi nhà mời chén chè. Người pha chè bỏ cả tâm tình vào ấm chè, người thưởng thức trút hết mọi phiền muộn năm cũ, hướng về niềm hy vọng, sự đổi mới qua vị chè thơm ngon.

Thu Thủy

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục