(HBĐT) - Không chỉ cuốn hút bởi những thảm cỏ may rộng mênh mông, những thửa ruộng bậc thang nối tiếp hàng trăm, hàng nghìn bậc. Xã Miền Đồi (Lạc Sơn) còn được biết đến là nơi nhiều hộ dân sở hữu đàn trâu "khủng", số lượng vài chục con.


Hộ dân ở xóm Vôi Hạ, xã Miền Đồi (Lạc Sơn) chăn thả trâu trên thửa ruộng bậc thang.

Địa hình cao hơn so với các xã lân cận nên Miền Đồi có khí hậu mát mẻ, đặc biệt, những thửa ruộng bậc thang rộng ngút tầm mắt, những mái nhà sàn thấp thoáng, ẩn hiện trên lưng chừng đồi đã trở thành hình ảnh đặc trưng của mảnh đất này. Đồi, núi rộng nên từ lâu, người dân Miền Đồi phát triển mạnh nghề chăn nuôi đại gia súc, nổi bật là chăn nuôi trâu, bò. Hiện nay, cùng với thực trạng chung, khi diện tích chăn thả bị thu hẹp, phần lớn người dân Miền Đồi chuyển sang nuôi nhốt hoặc chăn dắt gia súc.

Ngược lên Vôi Hạ ngắm đàn trâu "khủng”

"Trước đây, ở Miền Đồi nhiều hộ nuôi đàn trâu lên tới vài chục con. Những năm gần đây, do không có bãi chăn thả, nhiều hộ phải bán bớt. Hiện chỉ còn 2 hộ ở xóm Thăn và trên chục hộ ở xóm Vôi Thượng, Vôi Hạ còn giữ được đàn trâu số lượng lớn” - Phó Chủ tịch UBND xã Miền Đồi Bùi Văn Thượng cho biết.

Chúng tôi ngược lên Vôi Hạ, xóm cách trung tâm xã Miền Đồi khoảng 5 km. Vôi Hạ là nơi sinh sống của hơn 100 hộ người Mường. Được giới thiệu là xóm có nhiều trâu nhất ở Miền Đồi, nhưng trên đường vào Vôi Hạ, chúng tôi chỉ gặp một vài đàn trâu bà con đang thả trên các ruộng bậc thang. "Chỉ một số hộ để trâu ở nhà, còn đa số thả vào đồi, rừng. Từ khi Nhà nước giao rừng, bà con trồng cây lâm nghiệp, diện tích chăn thả bị thu hẹp nên nhiều hộ chuyển sang chăn dắt, số lượng trâu cũng giảm. Rất may, ở xóm hiện còn một số bãi chăn thả khá rộng vẫn thả gia súc được” - ông Bùi Văn Hanh, một vị cao niên xóm Vôi Hạ lý giải.

Một trong những bãi chăn thả đó là đồi U Bò, bãi cỏ may rộng lớn thiên nhiên đã ban tặng cho người dân xóm Vôi Hạ. Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Quyền, Trưởng xóm Vôi Hạ, bãi cỏ may rộng vài ha, có mó nước, rất thuận lợi cho việc chăn thả gia súc. Trước đây, bà con thả vào đồi U Bò, dăm bảy ngày mới đi thăm 1 lần nhưng vài năm trở lại đây xảy ra các vụ mất trộm nên người dân làm lán, trại, hàng ngày luân phiên nhau vào thăm đàn vật nuôi.

Với nguồn thức ăn đảm bảo, trâu chăn thả ở đồi U Bò béo tốt, da đen bóng. Là xóm nổi tiếng về nuôi trâu nên Vôi Hạ là địa điểm nhiều thợ mua trâu hay đặt chân đến. Theo Trưởng xóm Vôi Hạ, mặc dù mấy năm trở lại đây đàn trâu trong xóm giảm, nhưng nhiều hộ vẫn nuôi từ 10 - 20 con. Như gia đình ông Bùi Văn Cù có đàn trâu, bò trên 20 con, các hộ Bùi Văn Thiển, Bùi Văn Tiệp sở hữu đàn trâu trên chục con.

"Đầu cơ nghiệp” của người dân Miền Đồi

Vôi Thượng cũng là xóm nuôi trâu nhiều ở xã Miền Đồi. Xóm này vẫn còn bãi chăn thả, như đồi Lè nên cũng có những hộ còn đàn trâu số lượng nhiều. Trong đó, nhiều nhất là hộ ông Bùi Văn Chính với đàn trâu trên 20 con. Trong 4 - 5 năm trở lại đây, do không còn bãi chăn thả, bà con chuyển sang nuôi nhốt vỗ béo hoặc chăn dắt. Ý thức phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi của bà con Miền Đồi ngày càng được nâng cao. "Để trâu sinh sản, phát triển tốt phải quan tâm, chăm sóc chúng. Trước đây, chúng tôi thả vào rừng, thỉnh thoảng mới đi thăm nên vào mùa rét, nhiều con bị chết. Nhưng hiện nay, bà con làm lán trại, vào thăm trâu hàng ngày, trời rét thì đưa về chuồng” - ông Bùi Văn Tường, người dân xóm Vôi Hạ chia sẻ.

Xác định chăn nuôi trâu là một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn, cấp ủy, chính quyền xã Miền Đồi đã tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật cho bà con. Người chăn nuôi cũng chủ động tìm tòi, từng bước áp dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng chí Bùi Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tổng đàn trâu trên địa bàn xã có trên 1.300 con. Hầu như hộ nào trong xã cũng nuôi, bình quân một con trâu nuôi nhốt cho thu nhập 12 - 13 triệu đồng/năm. Ngoài tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, người chăn nuôi đã chú trọng trồng cỏ, chuyển đổi diện tích đất ruộng kém hiệu quả trồng cỏ voi, tổng diện tích cả xã đạt trên 10 ha.

Những năm qua, người dân xã Miền Đồi tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, con trâu đã bớt đi "gánh nặng” ra đồng. Thế nhưng, với người dân nơi đây, con trâu vẫn là người bạn gắn bó, là "đầu cơ nghiệp”. Cuối năm là thời điểm các lái buôn ngược lên Miền Đồi. Mỗi chuyến xe chở trâu rời Miền Đồi là lại có những chuyến xe ngược lên, chở theo mùa xuân của sự no ấm đến với xã vùng cao này.


Viết Đào


Các tin khác


Duy trì sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 20,26 tỷ USD.

Người dân xã Đa Phúc ấm no từ trồng mía

(HBĐT) -Dọc trên những con đường bê tông liên thôn, xóm tại xã Đa Phúc (Yên Thủy) là những ruộng mía bạt ngàn. Nông dân hồ hởi chăm sóc đảm bảo thu hoạch đúng khung thời vụ. Trong 2 - 3 năm trở lại đây, giá mía ở mức 6.000 - 8.000 đồng/cây, thị trường tiêu thụ ổn định. Cây mía đã trở thành cây trồng mũi nhọn giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Sản lượng thủy sản thu hoạch ước đạt 6,14 nghìn tấn

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Trong đó, nuôi cá lồng bè trên hồ sông Đà diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt, các chỉ số môi trường tương đối ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Hiện, tổng diện tích nuôi cá ao, hồ toàn tỉnh đạt 2.698 ha với 4.900 lồng nuôi cá, tăng 200 lồng so với cùng kỳ.

Tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.028,4 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.028,4 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 3,19%, so với cùng kỳ năm trước tăng 33,5%.

Nhận diện rào cản trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện chỉ số PCI

(HBĐT) - Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) thời gian qua rất rõ ràng, điều này trực tiếp phản ánh qua tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh trong quý I/2023 ước đạt 3,88%. Đồng thời ảnh hưởng đáng kể đến cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình. Nhận diện sớm và kịp thời đưa ra các giải pháp đồng bộ, thiết thực là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh. 

Nâng cao trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công

Để chấn chỉnh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực vào cuộc thì việc triển khai các dự án vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục