(HBĐT) - Từ chỗ chăn nuôi manh mún, tự phát, đến nay, các hộ nuôi dê tại huyện Lương Sơn đã liên kết với nhau phát triển theo hướng hàng hóa. Dê núi Lương Sơn khẳng định uy tín, chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Thịt dê núi Lương Sơn có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh…    


Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Bình, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy lợi thế địa hình núi đá, nguồn thức ăn dồi dào, người dân trên địa bàn huyện đã phát triển nghề nuôi dê. Dê được nuôi tập trung ở một số xã: Liên Sơn, Cao Dương, Thanh Sơn… Để hỗ trợ các hộ nuôi dê, Phòng NN&PTNT huyện thường xuyên tổ chức lớp tập huấn trang bị kiến thức về phòng các loại bệnh thường gặp ở dê như: thủy đậu, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, hoại tử đường ruột, nhiệt thán. Hướng dẫn hộ nuôi cách làm chuồng, vệ sinh phòng bệnh. Nhờ vậy, dê sinh trưởng, phát triển tốt, tổng đàn dê của huyện duy trì khoảng 8.500 con. Trung bình mỗi hộ nuôi vài chục con trở lên. Năm 2019, huyện xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể "Dê núi Lương Sơn”. Năm 2020, thịt dê núi Lương Sơn tiếp tục khẳng định là sản phẩm ưu việt khi được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Từ lâu, người dân xã Thanh Sơn tận dụng địa hình và nguồn thức ăn tự nhiên để nuôi dê. Năm 2017, một số hộ dân trong xã bắt đầu phát triển quy mô đàn dê, thực hiện liên kết với nhau để thành lập HTX nông nghiệp Hòa Bình với 6 thành viên. Tháng 7/2019, sản phẩm dê núi của HTX là sản phẩm dê thịt đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận VietGAP. Các thành viên của HTX nghiêm chỉnh thực hiện quy trình chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP. Địa điểm chăn nuôi được bố trí khoa học, gồm: Khu nuôi dê giống, khu dê con, kho thức ăn, khu nuôi cách ly và khu xử lý nước thải. Hiện, diện tích khu chăn nuôi của HTX là 1.200 m2; diện tích đồi núi, khu vực chăn thả rộng 120 ha; tổng đàn dê khoảng 900 con.

Anh Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc HTX nông nghiệp Hòa Bình cho biết: Dê của HTX được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc kháng sinh, thức ăn chủ yếu là lá cây tự nhiên trên rừng nên thịt săn chắc, thơm ngon. Thịt dê núi Lương Sơn có hương vị đậm đà, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; được đăng ký nhãn hiệu, logo, mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; mẫu mã, bao bì hấp dẫn. Năm 2020, thịt dê núi Lương Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thị trường tiêu thụ chủ lực của HTX là các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Đặc biệt, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Eco Food, HG Hifood… Trung bình HTX cung cấp ra thị trường từ 4 - 4,8 tấn/năm. Giá bán bình quân đối với dê hơi là 170.000 đồng/kg; đối với thịt dê đóng gói hút chân không, cấp đông lạnh dao động từ 500 - 600.000 đồng/kg.

Đồng chí Nguyễn Quốc Tiến, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Với ưu điểm tốn ít vốn, dễ nuôi, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thời gian tới, huyện thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi dê, tập trung phát triển ở các xã vùng Nam của huyện. Khuyến khích các hộ nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo từ khâu cung ứng giống, thức ăn, chăm sóc tới tiêu thụ sản phẩm; phát triển nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu chất lượng; nâng cao chất lượng đàn dê giống để mở rộng quy mô tổng đàn.

Thu Thủy


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục