Những ngày qua có thể nói là cả hệ thống chính trị và DN, người lao động đều chạy đua nước rút, mỗi người đều làm việc gấp 5 gấp 10 trước đó để sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ. Đến hết 23/6, tỉnh đã thẩm định và chấp thuận cho 168 doanh nghiệp (DN) với 24.207 lao động được phép hoạt động trở lại.




Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn - Ảnh: Báo Bắc Giang

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về kế hoạch phục hồi sản xuất tại tỉnh Bắc Giang, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – Trưởng Ban Chỉ đạo khôi phục sản xuất tỉnh Bắc Giang cho biết, toàn tỉnh đang phấn đấu đến 1/7, cơ bản các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động trở lại.
Dịch COVID-19 tại Bắc Giang đã tạm qua thời điểm nóng, tỉnh đã có kế hoạch gì để khôi phục sản xuất trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Phan Thế Tuấn: Trong giai đoạn Bắc Giang là điểm nóng về dịch COVID-19, mọi hoạt động đều ưu tiên cao cho nhiệm vụ chống dịch. Nay đã chuyển sang trạng thái mới, chúng tôi đang tập trung cao và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ các DN sớm khôi phục hoạt động sản xuất. Việc tổ chức hoạt động sản xuất trở lại của các DN phải đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng chống, dịch COVID-19.

Chúng tôi đã ban hành Phương án hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, trong đó đã đề ra mục tiêu cụ thể, phân công rõ nhiệm vụ cho đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, gắn với thời hạn hoàn thành, với tinh thần quyết tâm cao nhất để đẩy nhanh tiến độ khôi phục hoạt động sản xuất của các DN.

Cụ thể, toàn tỉnh đang phấn đấu đấu đến ngày 1/7/2021, hầu hết DN trong khu công nghiệp hoạt động sản xuất trở lại. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 đạt tối thiểu 8.000 tỷ đồng; tháng 8/2021 đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng; tháng 9, 10/2021 đạt tối thiểu 12.000 tỷ đồng/tháng; từ tháng 11/2021 đạt trên 15.000 tỷ đồng/tháng.

Tổng số lao động đi làm trở lại phấn đấu đến hết tháng 7/2021 đạt tối thiểu 30.000 người; đến hết tháng 8/2021 đạt tối thiểu 50.000 người; đến hết tháng 10/2021 đạt tối thiểu 100.000 người; từ cuối tháng 11/2021 đạt trên 120.000 người.
Để việc khôi phục sản xuất được hiệu quả, tỉnh có những hỗ trợ gì cho DN trong thời gian tới đây, thưa ông?

Ông Phan Thế Tuấn: Qua khảo sát từ phía DN, chúng tôi đã nắm được những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ. Trước mắt, chúng tôi tập trung vào hỗ trợ những nội dung cụ thể:

Hỗ trợ DN giải quyết bài toán thiếu hụt về lao động bằng cách giúp DN đón số lao động đủ điều kiện kiểm soát nguy cơ nhiễm dịch trở lại DN làm việc; hỗ trợ DN tuyển dụng lao động mới bù đắp số lao động đang bị thiếu hụt do người lao động đã về quê, chưa sẵn sàng trở lại làm việc.

Hỗ trợ giải quyết khó khăn trong việc bố trí chỗ ở tập trung cho người lao động. Cùng với đó, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phương án phòng, chống dịch: Thành lập Bộ phận y tế thường trực tại Khu công nghiệp (KCN) để hỗ trợ DN xử lý các tình huống phát sinh về phòng, chống dịch…

Hỗ trợ xử lý các tình huống khi xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm: Khi có tình huống ca nhiễm xảy ra, Bộ phận y tế thường trực tại KCN phải triển khai ngay việc bố trí phương tiện, nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp xử lý tình huống.
Tỉnh cũng thực hiện ưu tiên tiêm vaccine COVID – 19 cho người lao động đang làm việc tại các DN trong các khu công nghiệp; lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa của DN.



Hôm nay (24/6), TP. Bắc Giang chính thức gỡ bỏ giãn cách. Ảnh: Báo Bắc Giang

Một trong những khó khăn lớn của DN là việc di chuyển của người lao động và hàng hóa trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Tỉnh Bắc Giang có kế hoạch cụ thể gì cho việc này, thưa ông?

Ông Phan Thế Tuấn: Việc này chúng tôi đã bàn bạc rất kỹ với DN và cũng thống nhất hỗ trợ giải quyết khó khăn trong việc bố trí chỗ ở tập trung cho người lao động. Theo đó, ngoài bố trí chỗ ở cho người lao động trong DN, chúng tôi đang tiến hành khảo sát, lập danh sách các khu nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, các trường học chuyển đổi công năng đảm bảo điều kiện để tổ chức nơi lưu trú cho người lao động, từ đó giới thiệu cho doanh nghiệp thuê theo hướng "một nơi ở tập trung chỉ bố trí cho lao động của một doanh nghiệp”.

Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố nơi có KCN sẽ bố trí dự phòng khu vực cách ly tập trung. Trong tình huống xảy ra ca nhiễm, ca nghi nhiễm mà DN không tự bố trí được nơi cách ly tập trung thì hỗ trợ địa điểm cách ly, DN chỉ phải lo công tác hậu cần cho người lao động.

Về cơ bản, phương án đưa đón công nhân tại gia đình và tạo thuận lợi do DN trong tuyển dụng lao động mới được người dân, DN rất ủng hộ và phấn khởi. Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 32.000 công nhân được xác định đủ điều kiện đi làm.

Xin ông cho biết rõ hơn, hiện công tác hỗ trợ này đã được thực hiện như thế nào để đảm bảo được tiêu chí an toàn nhưng vẫn khẩn trương nhất để phục hồi sản xuất?

Ông Phan Thế Tuấn: Chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Để giúp việc hiệu quả cho Ban Chỉ đạo, chúng tôi thành lập 8 Tổ giúp việc theo từng mảng công việc để hỗ trợ kịp thời hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh của các DN.

Để đảm bảo được tiêu chí an toàn khi khôi phục lại hoạt động sản xuất, các DN hoạt động sản xuất trở lại chỉ sử dụng lao động đã được xét nghiệm âm tính với COVID-19 và đã được theo dõi, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch. Khâu đầu vào của lao động chúng tôi thực hiện xét nghiệm, sàng lọc rất kỹ từ khi đón về doanh nghiệp, vào vùng đệm của doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm và theo dõi sức khỏe chỉ khi đảm bảo âm tính với COVID-19 mới đưa vào làm việc trong DN.

Vấn đề khẩn trương nhất để phục hồi sản xuất đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía DN mà cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Những ngày qua có thể nói là cả hệ thống chính trị và DN, người lao động đều chạy đua nước rút, mỗi người đều làm việc gấp 5 gấp 10 trước đó để sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Hiện nay, khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang khi khôi phục hoàn toàn sản xuất là gì, thưa ông?

Ông Phan Thế Tuấn: Sau những tổn thất nặng nề từ dịch bệnh thì không một địa phương nào lại không có khó khăn khi khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động, nỗ lực thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, có một số khó khăn mà tự tỉnh không giải quyết được, rất cần sự hỗ trợ của Trung ương, của các tỉnh bạn đó là: Chính sách của Trung ương hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 (chính sách về miễn, giảm thuế; gia hạn đóng bảo hiểm xã hội; giãn, khoanh, gia hạn các khoản vay ngân hàng, lãi suất ngân hàng…); sự hỗ trợ của các tỉnh bạn trong việc tháo gỡ khó khăn trong khâu lưu thông đối với các phương tiện vận tải hàng hóa đi đến tỉnh Bắc Giang.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Bao chính Phủ


Các tin khác


Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 36,39% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh ước đạt 160,596 triệu USD, tăng 0,65% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 477,568 triệu USD, tăng 36,39% so với cùng kỳ, thực hiện 23,88% kế hoạch năm.

Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục