(HBĐT) - Vùng đất Lâm Sơn (Lương Sơn) có nghề truyền thống nuôi ong lấy mật. Năm 2020, mật ong và các sản phẩm từ ong của HTX ong mật Lâm Sơn được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Mật ong Lâm Sơn là sự kết tinh có hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, dần khẳng định được vị thế, vươn ra thị trường trong nước và hướng tới thị trường quốc tế.


Mật ong và các sản phẩm từ ong của HTX ong mật Lâm Sơn (Lương Sơn) được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.


"đất lành ong đậu”


Xã Lâm Sơn có tổng diện tích tự nhiên trên 3.500 ha, trong đó, 2.300 ha rừng tự nhiên, trên 300 ha cây ăn quả... Những tiềm năng, lợi thế đó đã đem lại nguồn nguyên liệu dồi dào cho nghề nuôi ong lấy mật. Năm 1984, Công ty ong T.Ư (nay là Công ty CP ong T.Ư) đặt cơ sở trên địa bàn xã với mục đích nghiên cứu, bảo tồn các giống ong quý và phát triển, kinh doanh các sản phẩm từ ong mật đã tạo cơ hội cho người dân địa phương được tiếp xúc với nghề nuôi ong lấy mật, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Lê Đình Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX ong mật Lâm Sơn là người có gần 40 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật. Ông chia sẻ: "Trước đây, khi nghề nuôi ong lấy mật chưa phổ biến, người dân sử dụng gốc cây đã được đục rỗng để làm đõ nuôi ong. Thu hoạch thủ công, vắt bằng tay để sử dụng trong gia đình hoặc làm quà biếu. Dần dần nghề nuôi ong phát triển, hình thành thương hiệu mật ong Lâm Sơn có hương vị đặc trưng với vị ngọt thanh, sánh, màu nâu cánh gián”.

Với lợi thế thiên nhiên ban tặng cùng kinh nghiệm tích lũy, người dân Lâm Sơn đã khai thác hiệu quả nguồn ong giống tại địa phương. Tùy theo từng mùa, người nuôi ong linh hoạt di chuyển đàn ong đến các vùng có nguồn hoa dồi dào đảm bảo cung cấp đủ phấn và mật phụ. Đồng thời, chú trọng chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo cho đàn ong khỏe để thu hoạch mật năng suất cao. Song song với đó từng bước cải tiến phương pháp, áp dụng hiệu quả KHKT vào quá trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong.

Xây dựng và phát triển thương hiệum ật ong Lâm Sơn

Trên địa bàn xã hiện có trên 40 hộ phát triển nghề nuôi ong lấy mật với trên 3.000 đàn. Những năm trước, quy mô, hình thức sản xuất còn nhỏ lẻ; chưa liên kết thành các nhóm hộ để mở rộng sản xuất, tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm từ ong mật. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, năm 2015, tổ hợp tác, HTX ong mật Lâm Sơn được thành lập với 16 thành viên, quy mô trên 1.000 đàn ong. Với cách làm mới, sáng tạo, thay đổi tư duy trong sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, khai thác sản phẩm bằng máy quay ly tâm nên mật ong Lâm Sơn có ưu điểm vượt trội về chất lượng, giá thành hợp lý, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Sản lượng bình quân hàng năm của HTX ong mật Lâm Sơn đạt khoảng 10.000 lít, giá bình quân 200.000 đồng/lít. Ngoài ra, một số sản phẩm khác được chế biến, sản xuất từ ong như phấn hoa, sữa ong chúa, sáp ong cũng được thị trường ưa chuộng.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng mật ong, HTX đã đưa các sản phẩm từ mật ong lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn. Đây được xem là một kênh phân phối mới thông qua việc kinh doanh, bán hàng trực tuyến. Từ đó kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, bắt kịp xu thế kinh doanh thời công nghệ 4.0. Ngoài ra, HTX xây dựng chiến lược cụ thể, chủ động liên kết với các công ty dược, cơ sở chế biến các sản phẩm từ ong. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm mật ong Lâm Sơn trên các kênh truyền thông đại chúng; xây dựng, thiết kế bao bì, nhãn mác hấp dẫn người tiêu dùng.

Đồng chí Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết: "Cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích HTX ong mật Lâm Sơn mở rộng quy mô, kết nạp thêm hội viên tham gia. Xã đã đề xuất các ban, ngành liên quan hỗ trợ nguồn kinh phí lắp đặt hệ thống máy lắng lọc hạ thủy phần trong sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng mật ong. Quy hoạch xây dựng cơ sở, cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên địa bàn nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Qua đó từng bước nâng tầm, khẳng định giá trị mật ong Lâm Sơn trên thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu”.


Đức Anh


Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục