(HBĐT) - Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát động chủ đề "Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Thực hiện chủ đề này, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định phục vụ phát triển KT-XH địa phương.


Từ đầu năm 2022, PC Hòa Bình tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của khách hàng. Ảnh chụp tại xã Bình Sơn (Kim Bôi).

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: Lưới điện trên địa bàn tỉnh hiện được cấp bởi 7 trạm biến áp (TBA), 13 máy biến áp (MBA) 110 kV, với tổng dung lượng 423 MVA; 12 đường dây 110 kV có tổng chiều dài 239,26 km; hơn 2.652,37 km đường dây trung áp; 4.448 km đường dây hạ thế và 2.542 MBA phân phối có tổng công suất đạt 707.188 kVA, đáp ứng cho trên 266,5 nghìn khách hàng sử dụng điện. Năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế trên địa bàn tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ, kéo theo đó nhiều phụ tải tại các khu công nghiệp, trung tâm TP Hòa Bình và các huyện không ngừng gia tăng. Trong 10 tháng năm nay, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn công ty đạt trên 1,009 tỷ kWh, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Công suất sử dụng điện lớn nhất (Pmax) đạt ngưỡng 255,4 MW vào ngày 27/10, tăng 12,8% so với Pmax năm 2021.

Để đảm bảo cung ứng điện năng an toàn, ổn định, ngay từ đầu năm, PC Hòa Bình đã bám sát chủ đề năm 2022 của EVN đề ra là "Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống lưới điện, giảm tổn thất điện năng để đem lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Bám sát thực tế về tăng trưởng điện, nhu cầu phụ tải từng khu vực để có kế hoạch đầu tư, xây dựng bổ sung các công trình đường dây và TBA mới. Theo đó, công ty đã thực hiện 27 công trình đầu tư xây dựng lưới điện trên địa bàn tỉnh, tổng mức đầu tư trên 312 tỷ đồng. Trong đó, nhiều công trình cán đích trước thời hạn, nổi bật như dự án nâng công suất MBA T1 TBA 110 kV Hòa Bình.

Ngoài ra, PC Hòa Bình triển khai các danh mục sửa chữa lớn, phương án sửa chữa thường xuyên. Thực hiện nâng công suất và hoán đổi hợp lý các MBA nhằm hạn chế vận hành non tải tại một số khu vực. Công ty cũng thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện khu vực quản lý nhằm ngăn chặn các sự cố về điện có thể xảy ra. Hạn chế tối đa việc cắt điện khi sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị. Áp dụng công nghệ không cắt điện khi thi công công trình. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh doanh của đơn vị đều hoàn thành vượt định mức. Trong đó, tổng sản lượng điện thương phẩm tăng 8,3%; tỷ lệ tổn thất điện năng giảm 0,23% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, PC Hòa Bình tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới vào công tác dịch vụ chăm sóc khách hàng như: Triển khai hóa đơn điện tử; tra cứu tiền điện và thông báo lịch cắt điện thông qua zalo, hoặc App EVNNPC. Đặc biệt, công ty phối hợp có hiệu quả với các ngân hàng thực hiện công tác thu hộ tiền điện. Đồng thời, tăng cường cung cấp thêm các dịch vụ điện lực nhằm gia tăng sự trải nghiệm và đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Trong tháng cuối năm 2022, công ty phấn đấu nâng tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 1,2 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng giảm xuống dưới 6,66%; chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện không ngừng tăng lên.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, Phó Giám đốc PC Hòa Bình cho biết thêm: Công ty nỗ lực triển khai các giải pháp để giảm thiểu sự cố, giảm tối đa thời gian mất điện, đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định. Tạo bước đột phá trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, theo hướng tuân thủ nghiêm pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng trong đầu tư và khai thác hiệu quả các công trình lưới điện sau đầu tư. Đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đặc biệt là chủ động cung cấp thông tin và phục vụ khách hàng. Mặt khác, PC Hòa Bình tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp, tăng cường chuyển đổi số, hợp lý hóa công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh; tối ưu hóa chi phí, tăng cường phân cấp quản lý, tạo động lực thực sự cho các đơn vị nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ khách hàng.

Viết Đào

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục