Từ đầu năm đến nay,Tỉnh Quảng Ninh thu hút 2,15 tỷ
USD vốn FDI, đứng thứ hai cả Nước.
Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), sáu tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,43 tỷ USD, bằng 80,9% so với cùng kỳ năm 2009. Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký này là mức khá cao trong bối cảnh chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhà đầu tư
Trong sáu tháng qua, số các dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư lên đến 438 dự án với tổng vốn đăng ký 7,9 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2009. Mặc dù vốn FDI đăng ký mới tăng khá nhưng quy mô vốn FDI tăng thêm trong sáu tháng đầu năm lại thấp hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, chỉ có 121 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 525 triệu USD, bằng 10,7% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong số các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài với 164 dự án đầu tư, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm: 2,87 tỷ USD, chiếm 34% tổng vốn đầu tư đăng ký trong sáu tháng. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước điều hòa với tổng vốn đầu tư đăng ký khá cao 2,2 tỷ USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong sáu tháng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với 1,78 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm, chiếm 21,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, số dự án FDI cấp mới chiếm tỷ lệ lớn với 12 dự án có tổng vốn đầu tư là 1,75 tỷ USD. Ðiều này cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục trở thành lĩnh vực thu hút luồng vốn FDI vào Việt Nam.
Một tín hiệu đáng mừng trong bức tranh FDI sáu tháng đầu năm là giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng lên, bình quân mỗi tháng có gần 1 tỷ USD vốn FDI được giải ngân. Tính chung sáu tháng, vốn FDI thực hiện ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Cục Ðầu tư nước ngoài thì tiến độ giải ngân này là phù hợp so với dự kiến giải ngân từ đầu năm.
Chọn lọc dự án FDI
Có thể thấy tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI trong sáu tháng qua là khả quan. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì cơ cấu vốn FDI theo ngành đang bộc lộ những bất cập. Tình trạng có quá nhiều dự án xi-măng, sắt thép quy mô lớn, với vốn đầu tư hàng tỷ USD được cấp phép trong thời gian qua đã dẫn đến hệ quả là chỉ vài năm nữa, nước ta có sản lượng xi-măng, sắt thép vượt quá nhu cầu trong nước trong khi tìm kiếm thị trường xuất khẩu không phải dễ dàng. Hay gần đây, rộ lên nhiều dự án xây dựng các khu du lịch ven biển từ bắc vào nam mà trong đó khá nhiều dự án FDI chỉ để giữ đất, chờ lên giá, hoặc bán lại kiếm lời. Thậm chí nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực bất động sản tuy vốn đăng ký hàng tỷ USD nhưng thực tế vốn nước ngoài đưa vào Việt Nam rất ít, còn lại là huy động vốn trong nước theo hình thức "bán lúa non"... Trong khi đó, những dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại chỉ chiếm số lượng khiêm tốn. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới và hệ thống các giải pháp về chính sách điều tiết vĩ mô để chủ động trong việc lựa chọn dự án, phương thức, hình thức đầu tư đối với FDI, không thể tiếp tục phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu xét theo địa bàn đầu tư thì Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong sáu tháng đầu năm với 2,16 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 2,14 tỷ USD, 1,18 tỷ USD và 1 tỷ USD... Trong số 10 địa phương dẫn đầu về thu hút FDI từ trước đến nay thì không có tỉnh miền núi nào. Thực tế này cho thấy, một số tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ thu hút được rất ít dự án FDI mặc dù Chính phủ đã có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các tỉnh đó và chính quyền địa phương cũng rất quan tâm đến hoạt động xúc tiến đầu tư. Theo các chuyên gia, để thu hút vốn FDI vào các địa phương thì chính sách ưu đãi về thuế, đất đai là cần nhưng chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Mạng lưới giao thông hạ tầng điện nước phương tiện thông tin các trường đào tạo nghề cung ứng nhân lực còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thường vượt quá tầm của từng địa phương, do vậy rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ trung ương, nhất là được ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để phát triển hạ tầng cơ sở. Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là vốn FDI cần được điều chỉnh theo hướng vừa tạo ra một số đầu tàu kinh tế ở những địa phương có sức lôi kéo kinh tế vùng và cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng lại phải điều phối hợp lý để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương chậm phát triển, chưa có môi trường hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Tính liên kết vùng trong thu hút FDI cần được coi trọng, tránh tình trạng một số địa phương ban hành các chính sách ưu đãi trái luật, quá mức cần thiết cho nhà đầu tư chỉ vì muốn có được dự án FDI mà không tính đến lợi ích của vùng kinh tế và của cả nước.
Theo Báo Nhandan
Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và thương mại, nền kinh tế trong nước phải trông cậy rất nhiều vào giải ngân vốn đầu tư công.
(HBĐT) - Ngày 18/9, Sở Kế hoạch và đầu tư ban hành Quyết định số 99/QĐ-SKHĐT về việc ngừng hoạt động toàn bộ dự án Nhà máy mía đường Hòa Bình tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 4, Luật Đầu tư năm 2020.
(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND tỉnh, 8 tháng qua, có 32 dự án trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 736 dự án đang hoạt động, trong đó có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD và 700 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 189.075 tỷ đồng.
(HBĐT) - Tiếp tục hiện thực hóa khát vọng vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản lớn trong nước, Công ty CP Kim Bôi (khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi, Lạc Thủy) không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã; tăng cường kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong năm nay, măng nứa tươi là 1 trong 2 sản phẩm được công ty đưa vào kế hoạch thực hiện để được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Qua đó góp phần thúc đẩy tiêu thụ, nâng tầm giá trị các nông sản đặc trưng của huyện, tỉnh, tăng thu nhập cho lao động cũng như người sản xuất tại các vùng trồng măng.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến thời điểm này, huyện Lạc Sơn có 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Trong đó, năm 2022, huyện có 4 sản phẩm được công nhận, gồm: thịt chua Lâm Tin, xã Vũ Bình; rượu cần Mường Khói, xã Ân Nghĩa; mật ong Thành An của HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Thành An, xóm Đồi Cả, xã Mỹ Thành; sim rừng Phương Bắc của Công ty TNHH Phương Bắc, xóm Cỏ, xã Mỹ Thành.
(HBĐT) - Nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản ở địa phương, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt là những hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân (HVND) trong phát triển, sản xuất các sản phẩm OCOP, góp phần tăng giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.