Tại cuộc họp báo chiều 2-12, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong phiên họp thường kỳ tháng 11-2010, Chính phủ đã đánh giá kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, đề ra các giải pháp chỉ đạo điều hành trong tháng cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong phiên họp này, các thành viên Chính phủ cũng thảo luận đóng góp ý kiến vào đề án tăng cường và nâng cao chất lượng công tác dự báo vĩ mô, dự thảo nghị quyết của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 và chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Năm 2010

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Nhập siêu

11 tháng đầu năm

64,3 tỉ USD

75 tỉ USD

10,7 tỉ USD

 

73.000 tấn gạo cứu đói dân vùng lũ

Thiên tai lũ lụt tiếp tục xảy ra tại các tỉnh Nam Trung bộ, đặc biệt là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên..., gây thiệt hại về người và tài sản. Chính phủ đã trích 6.400 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để bổ sung nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và hỗ trợ kinh phí phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai..., xuất cấp không thu tiền gần 73.000 tấn gạo để cứu đói đồng bào vùng bị thiên tai.

Kinh tế phát triển theo chiều tích cực

Theo đánh giá chung của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm phát triển theo chiều hướng tích cực, thu ngân sách đạt khá, bảo đảm được các nhu cầu chi; đầu tư phát triển được đẩy mạnh, huy động và giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt mức cao. Trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 11 tháng đầu năm thực hiện đạt 9,95 tỉ USD.

Sản xuất công nghiệp phục hồi với tốc độ tăng trưởng nhanh (13,8%); sản xuất nông, lâm, thủy sản mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai, lũ lụt nhưng vẫn đạt khá, xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 25% so với cùng kỳ 2009.

Xuất khẩu đạt xấp xỉ 64,3 tỉ USD, trong đó có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD như: dệt may, giày dép, thủy sản, dầu thô, điện tử, máy tính, gỗ và sản phẩm gỗ; đá quý, kim loại quý, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, cao su, cà phê, phương tiện vận tải, than đá, cáp điện, hạt điều. Nhập khẩu xấp xỉ 75 tỉ USD. Nhập siêu khoảng 10,7 tỉ USD.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng tháng 11-2010 đã ở mức 9,58%), ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường và giá cả; quyết liệt thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý 1-2011.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động, kịp thời áp dụng các giải pháp hữu hiệu để bảo đảm kiểm soát, ổn định tỉ giá ngoại tệ, giá vàng và lãi suất; giảm rủi ro cho người dân, khuyến khích dòng tiền chảy vào hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đầu cơ tích trữ vàng, ngoại tệ; phối hợp với UBND các tỉnh kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ, làm lũng đoạn thị trường.

Chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương chủ động thành lập đoàn kiểm tra chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ..., xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, kể cả thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dự kiến hôm nay (3-12), Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về bình ổn giá.

Tiết kiệm để điều hành tỉ giá

Cũng tại cuộc họp báo, Thống đốc NHNN VN Nguyễn Văn Giàu đã trả lời các câu hỏi của Tuổi Trẻ về các vấn đề liên quan đến tỉ giá và lãi suất.

* Hiện nay có tình trạng chênh lệch giá do ngân hàng niêm yết và giá tại thị trường tự do là trên 2.000 đồng/USD. Phải chăng NHNN chậm can thiệp vấn đề này và sẽ can thiệp như thế nào trong khi các nhà sản xuất kinh doanh mong muốn NHNN công bố minh bạch lộ trình tăng tỉ giá để họ chủ động hoạch định kế hoạch làm ăn?

- Nói chung thị trường ngoại hối tùy thuộc các yếu tố kinh tế vĩ mô. Năm 2009, cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt 8,8 tỉ USD. Năm nay, theo kế hoạch đầu năm thâm hụt khoảng 4 tỉ USD, vài tháng gần đây có vẻ lạc quan hơn.

Cụ thể, nhập siêu giảm so với dự kiến ban đầu là 1,5 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp FDI giải ngân tốt, ODA tăng, vốn đầu tư gián tiếp FII nếu như năm 2009 âm khoảng 100 triệu USD thì năm nay đến giờ này tăng khoảng 712 triệu USD (tất nhiên đây là vốn ngắn hạn ra vào liên tục), kiều hối dự kiến 7,3 tỉ USD (so với năm 2009 chỉ đạt khoảng 6,4 tỉ USD)...

Hai tháng gần đây có tình hình tỉ giá thị trường tự do cao hơn tỉ giá chính thức. Có nhiều nguyên nhân tác động, trong đó có việc điều chỉnh chính sách của các nước có nền kinh tế lớn. Đặc biệt ở nước ta giá vàng gắn với ngoại tệ hết sức chặt chẽ và giá vàng biến động mạnh mẽ từ tháng 10 đến nay.

Thị trường vàng và ngoại tệ liên thông, khi người ta đầu cơ thì tác động mạnh mẽ đến tỉ giá. NHNN đã phát hiện sớm, báo cáo với Thường trực Chính phủ để bàn các giải pháp. Chúng tôi đưa ra nhiều phương án, Chính phủ quyết định sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ để ổn định tỉ giá.

Chỉ thị mới đây của Thủ tướng bên cạnh nội dung về đảm bảo cung hàng đồng thời phải tiết kiệm. Chính tiết kiệm mới giảm cầu đầu tư và đây là giải pháp tốt nhất để điều hành tỉ giá trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay.

Về chính sách tiền tệ, NHNN tác động giảm cầu, tăng dự trữ bắt buộc. Tất nhiên hệ thống các ngân hàng ở ta phát triển chưa đồng đều, đưa dự trữ bắt buộc lớn thì có tác động lớn tới thị trường, đặc biệt là thanh khoản.

Nghiệp vụ thứ hai là lãi suất nâng lên, hút tiền về, khi lãi suất cao sẽ cắt giảm một số dự án. Tất nhiên đến đoạn nào đó sẽ tác động đến tăng trưởng và lao động, nhưng vừa qua thì chưa vì thường chúng ta sử dụng các công cụ chống lạm phát trong ngắn hạn 3-6 tháng chứ không phải áp dụng mãi mãi.

Về việc dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp, tôi nghĩ rằng đối với nước ta, dự trữ ngoại hối phải dùng cho những việc đặc biệt. Chỉ can thiệp đảm bảo sản xuất và phục vụ đời sống.

Tôi thông tin thêm hai tuần qua trạng thái ngoại hối cải thiện đáng kể. Ngày 21-11, trạng thái ngoại hối âm đến 355 triệu USD, đến chiều 2-12 chỉ còn âm 94 triệu USD. Đến nay các giải pháp, theo tôi, là có hiệu quả. Những ngày tới, nếu chúng tôi thống nhất được với Bộ Công thương, giải tỏa vấn đề liên quan đến xăng dầu (còn đọng khoảng 400 triệu USD) sẽ giúp giảm sức ép về cầu ngoại tệ.

* Xin thống đốc cho biết cụ thể về định hướng lãi suất theo thị trường hay lãi suất theo đồng thuận của Hiệp hội Ngân hàng, vì thực tế lãi suất huy động hiện nay của nhiều ngân hàng cao hơn mức 12%?

- Lãi suất theo thị trường là mong muốn của nền kinh tế thị trường. Theo tôi hiểu, nhiều ngân hàng cạnh tranh để giảm lãi suất, đó là lãi suất thị trường, còn để tăng vọt lên thì không phải là thị trường.

Theo quy định pháp luật hiện nay, thống đốc NHNN có quyền can thiệp hành chính về lãi suất theo hướng cạnh tranh lãi suất ngày càng giảm để góp phần tích cực cho tăng trưởng, còn đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay chưa nên đặt ra. Vừa qua Hiệp hội Ngân hàng tham gia đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên, việc đó được tôi ủng hộ.

                                                                              Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục