Ngày 25-5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và Ðại sứ quán Thụy Ðiển phối hợp tổ chức Ðối thoại lần thứ 9 với chủ đề "Phòng, chống tham nhũng trong quản lý và khai thác khoáng sản".

 

Tại cuộc đối thoại, đại diện các đối tác, nhà tài trợ trong nước và quốc tế cùng đại diện một số bộ, ngành tập trung thảo luận về các vấn đề như: thực trạng và giải pháp phòng, chống tham nhũng trong công tác quản lý nhà nước, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; các dạng sai phạm và sơ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý và khai thác khoáng sản; những nguy cơ tham nhũng tiềm ẩn trong một số hoạt động của ngành khai thác khoáng sản.

Các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng thời gian qua, trong đó có lĩnh vực quản lý và khai thác khoáng sản.  Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập hiện nay trong hoạt động khai thác và quản lý khoáng sản. Các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để công tác quản lý và khai thác khoáng sản phát triển theo hướng bền vững.

* Ký hợp đồng tín dụng dự án Nhà máy thủy điện Ðác-đrinh

Ngày 25-5, tại Hà Nội, Công ty CP Thủy điện Ðác-đrinh, đơn vị thành viên của Tổng công ty Ðiện lực dầu khí Việt Nam và Credit Agricole Corporate and Investment Bank, với tư cách là ngân hàng thu xếp vốn chính duy nhất, đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 178 triệu USD xây dựng Nhà máy thủy điện Ðác-đrinh. Ðây là khoản vay thời hạn 13 năm, có bảo lãnh của Bộ Tài chính Việt Nam và bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản theo hình thức bảo hiểm tín dụng không ràng buộc. Khoản vay này tài trợ tới 80% tổng chi phí đầu tư của Nhà máy thủy điện Ðác-đrinh. Ðến dự và chứng kiến lễ ký có đại diện lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và một số bộ, ngành, doanh nghiệp.

* Cho vay hơn 500 tỷ đồng thí điểm xây dựng nông thôn mới

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30-4-2011, dư nợ cho vay trên địa bàn 11 xã thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 534,74 tỷ đồng với 19.484 hộ dân và 28 doanh nghiệp đang còn dư nợ. Trong đó, dư nợ của các hộ sản xuất kinh doanh đạt 300,47 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 56,2% cơ cấu cho vay tại 11 xã), dư nợ cho vay xây dựng hệ thống thủy lợi là 2,51 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 0,5%), cho vay xây dựng nhà ở đạt 32,05 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 6%), cho vay hộ nghèo đạt 42,94 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 8%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt 12,82 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 2,4%), các lĩnh vực cho vay khác là 143,95 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 26,9%).

* Doosan Vina xuất khẩu bảy cẩu trục lớn

Những chiếc cẩu lớn  'Made in Việt Nam' là những sản phẩm mới nhất của Công ty Doosan Vina được xuất đi từ cảng chuyên dụng Dung Quất, Quảng Ngãi.

Chuyến xuất bốn cẩu trục chạy bằng bánh lốp (RTGC) này là lô hàng đầu tiên của dự án PSA (Port of Singapore Authority) đến Xin-ga-po. Tổng dự án PSA bao gồm 36 cẩu trục được ký kết và cung ứng cho cảng Xin-ga-po. Mỗi chiếc RTGC nặng 153 tấn, cao 26 m, dài 25 m và rộng 14 m, được thiết kế để bốc dỡ công-ten-nơ tải trọng 40 tấn nhanh chóng, an toàn, là tiêu chuẩn thế giới của ngành hậu cần ngày nay. Dự án PSA được ký kết giữa Doosan Heavy Industries & Construction với Chính phủ Xin-ga-po vào tháng 9-2009. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 7-2012.

Song song với những cẩu trục đang bốc trên tàu của dự án PSA tại cảng chuyên dụng Doosan Vina là ba cẩu trục siêu trường siêu trọng chạy bằng đường ray (RMQC) của dự án JNPT (Jawaharlal Nehru Port Trust) cũng đã được hoàn thành và sẵn sàng xuất đến cảng Ấn Ðộ.

* Nhật Bản hỗ trợ 2,2 triệu USD cho quản lý đường cao tốc

Ngày 25-5, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ký bản ghi nhớ dự án Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực hệ thống vận hành và bảo trì đường cao tốc. Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ không hoàn lại 2,2 triệu USD cho dự án, bắt đầu thực hiện từ giữa năm nay, trong thời gian hai năm.

Trong khuôn khổ dự án, JICA sẽ cử các chuyên gia giúp xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng đường bộ cao tốc; cung cấp thiết bị và tổ chức các khóa đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm qua việc thực hiện chương trình đào tạo tại hiện trường (OJT) cho cán bộ đảm nhận vận hành và bảo dưỡng đường bộ cao tốc. Bộ GTVT và JICA đã chọn ra ba đoạn thí điểm trên đường vành đai 3, đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho việc triển khai OJT.

* Phạt đến ba triệu đồng nếu sử dụng còi xe quá âm lượng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 33/2011/NÐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 34/2010/NÐ-CP ngày 2-4-2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Một trong những điểm mới của nghị định này là bổ sung mức phạt tiền từ hai đến ba triệu đồng đối với hành vi điều khiển, lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định (trước đây, hành vi này chỉ bị phạt từ 300 đến 500 nghìn đồng). Bên cạnh đó, phạt tiền từ ba đến năm triệu đồng đối với hành vi chở hàng vượt quá khổ giới hạn của cầu đường nhưng không có giấy phép lưu hành hoặc chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong giấy phép lưu hành. Hành vi điều khiển xe không có dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng. Ngoài ra, nghị định mới cũng quy định thời hạn xử phạt xe không gắn thiết bị giám sát hành trình đến ngày 1-7-2013. Ðối với trường hợp điều khiển xe ô-tô đầu kéo sơ-mi rơ-moóc không có Giấy phép lái xe hạng FC bị xử phạt từ hai triệu đồng đến ba triệu đồng kể từ ngày 1-7 tới, còn trường hợp đặt báo hiệu nguy hiểm không đúng quy định thì lùi thời hạn xử phạt đến 1-7-2013.

                                                                             Theo Nhandan

 

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục