Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng sáu tháng đầu năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn duy trì sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17% so với năm 2010. Là một doanh nghiệp gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với nông nghiệp, nông dân, Vinachem luôn đồng hành và chia sẻ những khó khăn với nhà nông, thực hiện thắng lợi các mục tiêu theo quy hoạch của Chính phủ.

 

Ðổi mới quản trị doanh nghiệp

Vinachem là tổ hợp doanh nghiệp hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, không có tư cách pháp nhân. Ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn là: đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước giao cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng; công nghiệp hóa chất, hóa dược, hóa dầu; công nghiệp chế biến cao-su; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.

 Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có vốn điều lệ là 8.000 tỷ đồng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Hiện nay Vinachem có bảy công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ; 21 công ty cổ phần Tập đoàn nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ và 19 công ty liên kết Tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Những năm qua, Vinachem luôn là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực sản xuất phân bón, hóa chất phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng khác của xã hội. Sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn luôn đạt tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2006 - 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 11,1%/năm; lợi nhuận tăng bình quân 46%/năm; vốn chủ sở hữu tăng 2,9 lần so với năm gốc 2005. Năm 2010, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn vẫn tăng 14,5% so với năm 2009, lợi nhuận đạt 2.844 tỷ đồng.

Do tác động của giá thế giới và chính sách điều chỉnh giá một số nguyên vật liệu chủ yếu trong nước nên chi phí đầu vào năm 2011 tăng khá cao: Than cho sản xuất phân bón tăng từ 29 đến 40%; điện tăng bình quân 15,3%; xăng dầu tăng bình quân 33%; tỷ giá tăng 9,3%; cao-su thiên nhiên tăng 26%; lưu huỳnh tăng 91%; SA tăng 57% so với cuối năm 2010, đã làm chi phí sản xuất của Tập đoàn tăng khoảng 2.800 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, với phương châm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, Vinachem đã tập trung đổi mới quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Với những nỗ lực nêu trên, sáu tháng đầu năm, sản xuất và lợi nhuận của Tập đoàn tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá; thu nhập bình quân người lao động khoảng 5,9 triệu đồng/người/tháng, cuộc sống ổn định. Tập đoàn đã sản xuất và cung ứng khoảng hai triệu tấn phân bón các loại, hàng chục nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Tham gia vào chương trình bình ổn giá, góp phần không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá hoặc tăng giá bất hợp lý.

Tập đoàn đã xây dựng Quy chế tài chính trình Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt. Hội đồng thành viên Tập đoàn trực tiếp ban hành Chương trình hành động thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015. Chương trình hành động của Tập đoàn được Giám đốc Công ty thành viên, người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn phổ biến sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công nhân viên. Cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, Vinachem đã tạo được sự đồng thuận cao trong tập thể người lao động, cùng chia sẻ khó khăn, góp phần cùng Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2011 mà Tập đoàn đề ra.

Triển khai Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', Tập đoàn đã tăng cường mối quan hệ liên kết, hợp tác trao đổi hàng hóa với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam và chỉ đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn tích cực trao đổi sản phẩm lẫn nhau nhằm tăng cường sử dụng nguyên liệu, sản phẩm trong nước đã sản xuất được, hạn chế nhập khẩu.

Nâng cao hiệu quả công tác đầu tư

Công tác đầu tư xây dựng của Tập đoàn luôn được quan tâm phát triển đúng hướng, với những bước đi thận trọng. Hiện nay, Tập đoàn đang tập trung đầu tư những dự án trọng điểm về sản xuất phân bón để đáp ứng nhu cầu về phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Ðó là việc quy hoạch lại từ khâu thăm dò, khai thác và tuyển quặng a-pa-tít đi kèm với đầu tư các dự án sản xuất phân bón sử dụng a-pa-tít; các dự án sản xuất phân đạm u-rê từ than; dự án thăm dò, khai thác và chế biến muối mỏ ka-li tại Lào... Nhờ đầu tư đúng hướng, thận trọng và không dàn trải; bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn, cho nên năm 2011, Tập đoàn không phải ngừng, giãn, hoặc hoãn tiến độ thực hiện các dự án đầu tư như một số doanh nghiệp khác, trái lại, Tập đoàn vẫn chỉ đạo các đơn vị bám sát tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án không thể giãn tiến độ như dự án thăm dò, khai thác và chế biến muối ka-li tại Lào, dự án sản xuất phân đạm u-rê tại Ninh Bình... Mặc dù còn một số khó khăn, vướng mắc, nhưng hầu hết các dự án đầu tư của Tập đoàn vận hành hiệu quả. Dự án DAP Hải Phòng mới đi vào hoạt động năm thứ hai nhưng đã đem lại hiệu quả đáng kể về kinh tế - xã hội; các dự án khai thác, tuyển a-pa-tít đã cung cấp đủ nhu cầu về quặng cho sản xuất phân bón, phốt-pho vàng; dự án Ðạm than Ninh Bình đi vào hoạt động cuối năm 2011 sẽ góp phần tăng đáng kể lượng phân bón u-rê cho sản xuất nông nghiệp. Các dự án Tập đoàn đang triển khai đều nằm trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi triển khai dự án. Năm 2011 được xác định là năm bản lề đối với kế hoạch năm năm 2011 - 2015 của Tập đoàn. Ðây là giai đoạn nhiều dự án lớn được gấp rút hoàn thành để đưa vào sản xuất, tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội, bảo đảm sự phát triển của Tập đoàn và tăng hiệu quả các dự án đầu tư, bảo đảm để năm 2011 sản xuất của Tập đoàn tăng 15% so với năm 2010, lợi nhuận đạt từ 2.800 đến 3.000 tỷ đồng.

Với những bước đi thận trọng và vững chắc, tập thể cán bộ, công nhân viên Vinachem tin tưởng sẽ thực hiện thành công kế hoạch phát triển của Tập đoàn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu theo quy hoạch của Chính phủ, luôn xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong ngành sản xuất phân bón và hóa chất cơ bản ở Việt Nam.

 

                                                                                               Theo ND

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục