Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năng lực có nhưng thiếu đi sự "bắt tay" của chủ đầu tư cộng với những vướng mắc trong cơ chế chính sách và nguồn vốn hạn hẹp đã khiến ngành công nghiệp chế tạo cơ khí trong nước có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

 

Đó là những ý kiến hâm nóng buổi sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 21/CT-BCT về thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư trong nước trong công tác đấu thầu, nhằm thúc đẩy sản xuất và hạn chế nhập siêu do Bộ Công Thương tổ chức sáng 28/9.

Từ chính sách đến hành động vẫn... rất xa

Theo báo cáo của các Tập đoàn, Tổng công ty, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh giá trị máy móc thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước năm 2010 khoảng 30.596 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước trung bình là khoảng 53,6%.

Dự kiến năm 2011 khoảng 37.798.579 triệu đồng, tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước trung bình là khoảng 52%; đối với các dự án đầu tư giá trị máy móc thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước khoảng 16.090 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước trung bình khoảng 18,6%.

Thế nhưng, theo lập luận của ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, dù đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước nhưng từ nhận thức đến hành động của các chủ đầu tư, đặc biệt là các Tập đoàn và Tổng công ty vẫn còn một khoảng cách rất xa.

Theo ông Thụ, năng lực của các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã được kiểm chứng, đơn cử là sự phối hợp giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Hiệp hội Cơ khí thì sau hai năm đã chế tạo thành công một giàn khoan chất lượng cao và hạ thủy đúng thiết kế và yêu cầu mà chủ đầu tư đưa ra.

Tuy nhiên, sự “bắt tay” như vậy là rất hiếm bởi chỉ riêng 20 công trình thủy điện với giá trị khoảng 30 tỷ USD thì hầu như các doanh nghiệp trong nước vẫn đứng ngoài cuộc do qui định của luật đấu thầu về mức giá thấp nhất khiến doanh nghiệp không trúng thầu được.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Viết Kha, Tổng Giám đốc Tổng công ty máy thiết bị công nghiệp bảy tỏ, trong 7 năm qua, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã sản xuất được hàng chục vạn tấn thiết bị, từng bước thay thế được hàng nhập khẩu, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của nhà thầu lớn.

Nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ vì đơn vị nào đầu tư cũng muốn sử dụng các thiết bị và sản phẩm nhập ngoại nên các doanh nghiệp trong nước không biết phải xoay sở thế nào.

“Hơn nữa, với luật đấu thầu hiện tại thì các công trình EPC theo hình thức chìa khóa trao tay đều rơi vào các nhà thầu nước ngoài do các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được về giá,” ông Kha băn khoăn.

Không phản bác ý kiến của các doanh nghiệp chế tạo trong nước, nhưng dưới tư cách là một chủ đầu tư, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, kiểm điểm lại các công trình do nước ngoài trúng thầu hiện nay thì cơ bản vẫn là nguồn vốn.

Do hầu hết các công trình lớn đều phải đi vay nước ngoài nên khi tiến hành đấu thầu cũng phải theo tiêu chí mà đối tác đưa ra.

Còn liên quan đến luật đấu thầu, theo EVN thì trong luật cũng không nói đến việc phải chọn thầu giá rẻ, “tuy nhiên việc đánh giá thầu có một số việc rất dễ bị đánh đồng với cách hiểu giá rẻ, nên cần phải làm rõ các tiêu chí đối với các sản phẩm tham gia đấu thầu,” ông Ninh Viết Định, Ban đấu thầu Tập đoàn điện lực Việt Nam bày tỏ.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ ra những bất cập của cơ chế chính sách như: chỉ thị và hướng dẫn còn chung chung khó thực hiện. Trong khi luật đấu thầu chưa có nội dung khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia và cung cấp các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước.

“Trong đấu thầu có những điểm về kỹ thuật, có những điểm về giá, thế nhưng kỹ thuật thì chúng ta vẫn chưa làm nên khi đấu thầu doanh nghiệp nào cũng nói là thiết bị tốt nhất, tiên tiến nhất nhưng sự thật vẫn chưa được kiểm chứng, còn về giá thì phải xem xét cả quá trình chứ không đơn thuần ở lúc bỏ thầu,” thứ trưởng Lê Dương Quang cho hay.

Vẫn cần nhiều "cú hích"

Nhìn lại bước đi của ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam trong những năm qua, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém từ nội tại của chính các doanh nghiệp này.

Cụ thể là một số máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu có chất lượng và giá cả chưa cạnh tranh. Hơn nữa, nhiều nhà sản xuất trong nước chỉ làm được những bộ phận gia công cơ khí đơn giản, còn lại phải nhập khẩu về lắp ráp trong nước.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cũng khẳng định, hiện cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ khí nhưng về thực chất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được.

Nhiều doanh nghiệp không có đủ hồ sơ chứng nhận về vận hành thành công, không có chứng nhận thử nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế do các tổ chức có uy tín độc lập cấp và chứng nhận.

Thậm chí hiệu quả của các công trình không hẳn ở việc thiếu vốn, trong 9 đơn vị được giao nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp nhận được tiền, ở đây là do doanh nghiệp làm thủ tục không đúng chứ không hắn là việc không cung cấp đủ tiền.

“Ngành cơ khí trong nước thời gian qua còn chưa phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu, thua nước ngoài, tại sao họ làm ra được giá rẻ. Chúng ta còn nghèo nhưng danh sách EPC lại rất dài chỉ muốn nhận công trình trao tay mà thôi?” ông Nguyễn Văn Tài, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, khoảng 83% tổng kim ngạch nhập khẩu hiện nay rơi vào nhóm vật tư, máy móc thiết bị. Ước tính trong 9 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ nhập siêu là 6,84 tỷ USD, bằng 9,77% tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng và giảm 20,46% so với cùng kỳ năm 2010.

Thứ trưởng Lê Dương Quang nhận định, việc thực hiện chỉ thị 21/CT-BCT cũng là một trong những yếu tố góp phần kìm chế nhập siêu, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Do vậy, trong thời gian tới các Tập đoàn, Tổng công ty khi xây dựng kế hoạch cho năm 2012 phải làm rõ từng công trình cụ thể, ưu tiên sử dụng các máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được.

Còn về phía doanh nghiệp, cũng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

“Sự hỗ trợ trực tiếp sẽ giảm đi nhưng cơ chế chính sách cần phải đồng bộ để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất,” thứ trưởng nói./.

                                                                               Theo Vietnam+
 
 

Các tin khác


Giá vàng sáng 20/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 20/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục