Giờ thì đã có thêm một "xã tỏi" Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa trồng tỏi theo kiểu Lý Sơn, Quảng Ngãi. Những ngày giáp Tết, cánh đồng tỏi ở đây xanh ngát, bạt ngàn xóa sạch dấu tích của dải biển Ninh Phước vốn khô cằn, quanh năm cát bay, cát nhảy.

 

Người tiên phong của "xã tỏi"

Những năm cuối thập niên 90, cây tỏi ở đảo Lý Sơn "lên ngôi" ở thị trường trong nước. Dân trên đảo ví cây tỏi như "vàng trắng". Họ truyền nhau câu cửa miệng rằng, "làm vua thua làm tỏi"! Nhưng thời gian sau, tỏi Lý Sơn không còn thời hoàng kim và độc tôn nữa, do thời tiết ở đảo ngày càng khắc nghiệt, chi phí trồng tỏi tăng cao, năng suất giảm, giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp vì sự cạnh tranh của cây tỏi ở nhiều nơi khác. Nhận thấy cái khó đang "bó" dần nghề trồng tỏi truyền thống trên huyện đảo, anh Võ Ái Nhân, một người trồng tỏi ở Lý Sơn quyết định vượt sóng đưa cây tỏi vào trồng nhân rộng ở đất liền. Nhưng ngặt nỗi ở quê hương Quảng Ngãi không có cát vôi để trồng và tạo nên hương vị đặc biệt của cây tỏi Lý Sơn. Anh Nhân bèn bỏ quê đi "thị sát" ở dọc bờ biển từ miền Trung đến Vũng Tàu để tìm loại cát vôi quý hiếm được tạo nên bởi lớp lớp vỏ ốc, vỏ hàu hay san hô đã mủn qua thời gian hàng trăm ngàn năm...

"Tôi vui sướng như muốn phát điên khi phát hiện một động cát vôi lộ thiên rộng lớn ở ven biển Mỹ Giang, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Thế là năm 1996, tôi đưa vợ con cùng người cha vào lập nghiệp ở Ninh Phước và bắt đầu trồng 4000m2 cây tỏi theo kiểu ở đảo Lý Sơn" - Anh Nhân kể.

Sau một thời gian, ruộng tỏi của ông Nhân xanh ngát giữa một vùng cát khô cằn. Người dân Ninh Phước tò mò, trố mắt nhìn vợ chồng ông Nhân thu hoạch hàng tấn củ tỏi  trắng phau,  thơm, cay dịu không thua gì tỏi ở đảo Lý Sơn. Thành công ngoài mong đợi, ông Nhân mở rộng diện tích trồng tỏi lên 1,2ha, thu lãi hàng chục triệu đồng/vụ. Theo chân ông Nhân, từ năm 1998 đến nay, hơn 130 hộ dân đã rời đảo Lý Sơn mang theo nghề trồng tỏi truyền thống đến làm ăn, sinh sống ổn định lâu dài ở Ninh Phước và xã lân cận Ninh Vân. Chị Đỗ Thị Dù - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết: Giờ đây, dân đảo Lý Sơn cùng hàng chục hộ dân ở các thôn Ninh Tịnh, Ninh Yển, Mỹ Giang đã phát triển cả trăm hecta diện tích trồng tỏi. Cánh đồng tỏi dần được định hình và tỏi trở thành cây chủ lực của địa phương, thu lãi ít nhất 200 triệu đồng/ha/năm.

Trồng tỏi công nghiệp

Nếu như trồng một thửa ruộng tỏi ở đảo Lý Sơn cần đến hai người xách nước tưới hoặc vừa kéo dây, vừa tưới nước, bón phân, thì đồng tỏi ở Ninh Phước bây giờ đều "tự động hóa" nước tưới bằng hệ thống phun sương. Trước khi trồng tỏi, người dân đã san ủi cho cát đất bằng phẳng, đổ lên một lớp đất núi bazan rồi nện chặt, sau đó lắp hệ thống ống nhựa ngầm nối với béc phun, rồi trải lên một lớp cát vôi. Nhờ thuận lợi có điện, nước đầy đủ, nên phun tưới... vô tư! Vậy nên đang mùa chăm bón tỏi, nhưng dường như chẳng mấy ai ở trên đồng tỏi.

Trồng tỏi công nghiệp với vốn đầu tư rất cao, từ 400-500 triệu đồng/ha. Nhưng bù lại cây phát triển tốt, hiệu quả năng suất, sản lượng lại đạt cao hơn từ 2-3 tấn/ha và giảm hẳn mức chi phí công chăm sóc, tưới nước... Ông Lê Văn Thông, người trồng gần 1 ha tỏi ở Ninh Phước, nói: "Hệ thống tưới phun ngoài tiết kiệm nước, còn giúp tăng hiệu quả dụng đất quanh năm khi trồng xen canh và luân canh được nhiều loại cây khác như đậu phụng, cà chua, ớt, hành..." Về nhu cầu giống, phân bón phục vụ cho sản xuất, các "đầu nậu" sẵn sàng cung cấp mọi lúc mọi nơi và bao tiêu luôn sản phẩm. Nhờ vậy, các hộ trồng tỏi ở đây đều ứng dụng mô hình này và cho thu nhập rất cao, từ 100-300 triệu đồng/ha/năm...

Thương hiệu "Tỏi Khánh Hòa"?

Cây tỏi lên ngôi ở Ninh Phước đã làm đổi đời bao người dân nghèo.  Tỏi đang phát triển đến chân núi và lan rộng ra tận vùng biển Ninh Vân. Song, bấy lâu nay dân trồng tỏi ở đây vẫn canh cánh nỗi niềm trăn trở là chưa xây dựng được thương hiệu "Tỏi Khánh Hòa". Nếu như tỏi Lý Sơn đã khẳng định được thương hiệu từ lâu bởi hương thơm và giá trị sử dụng, thì tỏi Ninh Phước có chất lượng tương đương vẫn chỉ là loại hàng hóa bình thường lẫn lộn với nhiều loài gia vị khác trên thị trường trong nước...

Nói như ông Võ Ái Nhân thì, tỏi Ninh Phước "thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay"! Làm gì để phát triển bền vững vùng trồng tỏi này và xây dựng được thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm? Vấn đề đang cần sự quan tâm của các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa!

 

                                                                 Theo LaoDong

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục