Ông Bùi Tiến Sỹ, xóm Khả hiến 20m2 đất sổ đỏ mở rộng đường giao thông theo chuẩn NTM.

Ông Bùi Tiến Sỹ, xóm Khả hiến 20m2 đất sổ đỏ mở rộng đường giao thông theo chuẩn NTM.

(HBĐT) - Người dân xã Bắc Sơn (Kim Bôi) trước đây từng có thời kỳ chín tháng ăn độn, ba tháng đói giáp hạt. Vậy nhưng từ năm 2006 đến nay, xã 2 lần được tặng Huân chương lao động về những thành tích trong xây dựng hệ thống chính trị, phát triển KT-XH. Từ chỗ đứng cuối cùng trong xếp loại thi đua, xã đã vươn lên dẫn đầu toàn huyện. Nhân tố nào đã làm nên điều kỳ diệu đó? Câu trả lời của Chủ tịch UBND xã Bạch Công Nhi khá ngắn gọn: Cú hích từ việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt là bước chuyển từ học tập sang làm theo.

 

Gian nan bước khởi đầu

 

Ngót 6 năm, chúng tôi mới có dịp trở lại xã vùng sâu Bắc Sơn. Phóng xe máy trên con đường bê tông thoáng rộng vào xóm Khả, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi hồi đó, nhìn con đường đất sình lầy, nhỏ hẹp mà không dám bạo gan vào xóm. Phó Bí thư chi bộ Bùi Tiến Sỹ nay được tín nhiệm bầu làm Bí thư kể: Trước đây, câu chuyện của dân chỉ xoay quanh cây lúa. Ngày, đêm chỉ lo nâng cao năng suất nhưng người nông dân đâu chỉ có ăn mà còn hàng trăm thứ phải tiêu. Vì thế, ngay cả vào năm được mùa, người dân vẫn… đói. Nhà cũng chỉ là tranh tre, vách đất, đông lo gió lùa, hè lo mưa dột. Gia đình nào xây được nhà cấp bốn thì oách lắm. Con gái cả xóm muốn đến làm dâu. Đồng bào Mường lam lũ trên đồng ruộng. Đồng bào Dao chồn chân mỏi gối trên các triền đồi mà đói nghèo vẫn như con dốc dựng đứng trước mặt không thể vượt qua. Phong trào phát triển KT-XH của xã luôn xếp ở vị trí cuối cùng toàn huyện. Chủ tịch UBND xã Bạch Công Nhi nhớ lại: Năm 1996, Đảng bộ chỉ có 37 đảng viên nhưng một số đồng chí, kể cả lãnh đạo chủ chốt vi phạm kỷ luật, nội bộ mất đoàn kết. Nhiệm kỳ 1996-2000, xã phải thay đến 3 Bí thư và 2 chủ tịch. Cán bộ yếu kém, vi phạm điều lệ Đảng, nhân dân mất lòng tin, phong trào đi xuống. Chỉ cách đây hơn 10 năm có tới 70% hộ dân trong xã thiếu đói, kỳ giáp hạt có hộ đứt bữa; thu nhập bình quân đầu người mới đạt gần 800.000 đồng.

 

Từ những cú hích

 

Phó Bí thư TT Đảng uỷ Bùi Thành Nam tâm sự: Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, sau đại hội nhiệm kỳ 2000-2005, Đảng bộ luôn coi trọng công tác xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ đoàn kết, vững mạnh, có đủ phẩm chất, năng lực, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân. Đặc biệt, từ khi thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ thường xuyên chấn chỉnh, sửa đổi cách nghĩ, cách làm, tác phong làm việc của CBCC. Đảng bộ đã lấy ý kiến của cán bộ, nhân dân xây dựng 6 quy chuẩn người CBCC và đóng thành bảng to, kích thước 1,5 x 3 m, treo tại những nơi dễ thấy, dễ đọc. Kể từ khi xây dựng được chuẩn mực, CBCC không còn tình trạng đi muộn về sớm. Một số đồng chí cao tuổi, năng lực có hạn tự viết đơn xin nghỉ trước tuổi. Cán bộ được sắp xếp, phân công nhiệm vụ đúng sở trường, năng lực. Nhờ đó, công tác tham mưu cho lãnh đạo chất lượng, hiệu quả, kịp thời hơn. Đến nay, Đảng bộ đã có 10 chi bộ với trên 140 đảng viên. Là xã vùng sâu, ¾ diện tích là đồi núi, đất canh tác chỉ có vài trăm ha, Đảng bộ xác định nông nghiệp vẫn là hướng phát triển chính. Vận dụng lời dạy của Bác “Muốn đưa miền núi thành nơi giàu có về nông nghiệp, để nâng cao đời sống nhân dân… phải có phương hướng sản xuất đúng với điều kiện…”. Vậy, phương hướng đúng đối với địa phương là gì? Sau nhiều trăn trở, lãnh đạo chủ chốt xã đã đi thăm quan, học hỏi nhiều mô hình kinh tế trong, ngoài tỉnh và tìm ra hướng đi riêng. Đó là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hoá, quy hoạch lại vùng sản xuất. Muốn vậy phải tích tụ ruộng đất, sản phẩm làm ra đủ để doanh nghiệp đánh xe ô tô đến tận nơi thu mua. Xã đã liên kết với một số doanh nghiệp để cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Vậy là lần lượt các nghị quyết ra đời, trọng tâm là xây dựng cánh đồng thu nhập cao với các mô hình thâm canh tăng vụ, chăn nuôi theo nhu cầu thị trường… Những diện tích lúa bấp bênh, thậm chí lúa 2 vụ nhưng trong vùng quy hoạch vẫn chuyển đổi. Không ít gia đình đảng viên nhờ trồng trọt, chăn nuôi kinh tế khá lên trông thấy như: Bùi Văn Thiềng, Bùi Văn Lương, Triệu Văn Toàn... Không cần vận động nhiều, nhân dân Bắc Sơn đã theo gương đảng viên xây dựng thành công mô hình cánh đồng thu nhập cao, kết hợp 2 màu+1 lúa, 3 màu, giá trị gấp 4–5 lần trồng lúa. Đáng kể là mô hình trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Hiện nay, xã phát triển thêm mô hình trồng cây hoa đỏ. Bắc Sơn cũng đã thành lập được hội chăn nuôi động vật hoang dã với những loại vật nuôi như: lợn rừng, nhím, hươu sao.  

 

Bước vào xây dựng nông thôn mới, có thể nói, Bắc Sơn đã có chút tiền đề là nhân dân đã biết áp dụng KHKT mới vào sản xuất. Vấn đề là phải tuyên truyền về lợi ích của chương trình để người dân không trông chờ hoàn toàn vào Nhà nước. “Tôi đã từng nói với cán bộ, nhân dân rằng: Tiền đầu tư của Nhà nước ví như thìa mỳ chính cho vào bát canh cho thêm ngọt. Còn để có bát canh thì chính người dân phải tự nấu. NTM phải bắt đầu từ trong dân mà ra. Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm thì không hề đơn giản. Đảng Một lần nữa, đảng viên lại là những người tiên phong làm trước.” - Chủ tịch UBND xã Bạch Công Nhi chia sẻ.

 

Ai cũng cảm phục gia đình đảng viên Bùi Tiến Sỹ chỉ vỏn vẹn có 20m đất vườn nhưng sẵn sàng nhổ cọc rào để mở rộng đường xóm theo chuẩn nông thôn mới từ 2,5m lên 5m. Từ tấm gương của gia đình đảng viên Sỹ, Bắc Sơn đã huy động được nhiều sức dân. Tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Đức Hiên, Bùi Văn Hưng và Bùi Sỹ Cảnh, xóm Hồi hiến hàng trăm mét đất, tặng cây làm đường giao thông. Ông Bùi Văn Chiến, xóm Hồi hiến 200m2 đất đồi để làm nơi tập kết rác thải của xã. Ông Bùi Tiến Lực, xóm Khả hiến đất làm giao thông nội đồng; ông Bùi Văn Xiền và Bùi Văn Vấn, xóm Cầu hiến đất mở rộng đường giao thông… Cuối năm 2012, nhân dân bản Dao Đằng Long phấn khởi đón dòng điện quốc gia. Trong 9 tháng, nhờ có sự hiến cây, hiến đất của nhân dân các xóm Hồi, Khả mà đơn vị thi công đã hoàn thành nhanh dự án. Gia đình ông Dương Đức Minh, bản Đằng Long được Huyện uỷ Kim Bôi biểu dương vì đã hiến đất thi công đường điện và làm đường giao thông. Đằng Long còn được biết đến bởi nhân dân đã đóng góp được gần 400 triệu đồng và ngày công, thuê máy móc tự thi công con đường 7 km nội đồng, nối liền sang chợ Cá (Miếu Môn, Hà Nội), gần hơn cả chục cây số so với trước.

 

Các hội, đoàn thể cũng có nhiều việc làm tốt theo tấm gương Bác Hồ để cùng chung tay xây dựng NTM. Phụ nữ xóm Cầu và các xóm khác thi đua thực hiện “ống tiền tiết kiệm”, “hũ gạo tiết kiệm”, thu được gần 40 triệu đồng tiền mặt. Số tiền đó  cho các chị em nghèo vay phát triển kinh tế. Các chị Bạch Thêu, Bùi Thị Bến… đã vươn lên thoát nghèo. Thanh niên thi đua thực hiện “Tuổi trẻ Việt Nam làm theo lời Bác”. Riêng trong tháng Thanh niên đã huy động được nhiều ngày công, vật liệu để cứng hoá bai Mận, đảm bảo nước tưới cho trên 40 ha. Hội CCB triển khai mô hình hỗ trợ hội viên xây công trình vệ sinh. Hội Nông dân góp tiền xây dựng hệ thống đèn đường chiếu sáng. CBCC xã đã trích một ngày lương mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, được 15 thẻ. Sau 2 năm thực hiện xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã hiến trên 6.000m2 đất các loại, trên 50 cây gỗ. Tổng giá trị gồm cả ngày công lao động trên 800 triệu đồng.

 

Gặt hái thành công           

 

“Bản Dao Đằng Long nghèo khó ngày nào nay chỉ là kỷ niệm. Bây giờ, có một số hộ xây được cả ngôi nhà 500 – 600 triệu đồng. Họ đón thợ từ tỉnh Hà Nam về xây. Không chỉ có Đằng Long, đối với nhân dân các xóm khác, việc mua ti vi, xe máy, tủ lạnh... không còn là chuyện khó.” – ông Chủ tịch UBND xã Bạch Công Nhi tự hào nói về đổi thay của quê hương. Với những nền tảng đó, từ năm 2011, Bắc Sơn được chọn làm điểm về xây dựng NTM của huyện. Năm 2012, xã thành lập một HTX dịch vụ nông nghiệp với 30 xã viên, bước đầu hoạt động hiệu quả với 5 máy cày, bừa, các xóm đều có tổ dịch vụ làm đất. HTX đã được huyện giao phụ trách công tác thuỷ lợi một số xã vùng Bắc của huyện. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 13,566 triệu đồng. Sản lượng cây có hạt đạt 1.823 tấn. Các ngành nghề khai thác khoáng sản, mộc, chế biến nông sản, giá trị đạt trên 5,7 tỉ đồng. 80% KDC đạt tiên tiến. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Xã cơ bản xóa xong nhà tạm. Căn cứ vào 19 tiêu chí NTM, xã tự chấm điểm đạt 11 tiêu chí. Đó là những kết quả bước đầu từ chương trình xây dựng NTM mà Bắc Sơn đạt được bằng nội lực, đặc biệt từ cú hích “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

                                                                        Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục