(HBĐT) - Đằng sau ánh hào quang sân khấu, không phải ai cũng biết các diễn viên xiếc phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt luyện tập như thế nào. Bên cạnh đó, nghề xiếc đang đối mặt với bao trăn trở, suy tư từ khâu tuyển sinh, đào tạo tới giữ chân nhân lực.


Tuyển học viên không dễ

Khoảng mười năm trở lại đây, cùng với sự xuất hiện của nhiều đơn vị nghệ thuật, giải trí, việc đào tạo nhân lực ngành xiếc luôn rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Vừa tốt nghiệp, các diễn viên đã được lãnh đạo các đoàn nghệ thuật trong nước đăng ký tiếp nhận ngay. Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tạ Duy Ánh cho biết: Lực lượng biểu diễn của Liên đoàn xiếc chỉ trông chờ vào nguồn diễn viên trẻ. Một số nghệ sĩ dù vẫn trong biên chế nhưng không còn năng lực biểu diễn. Với đặc thù tuổi nghề ngắn, Liên đoàn luôn trong tình trạng thiếu hụt diễn viên. Đầu ra rộng mở, nhưng vấn đề nằm ở đầu vào quá hạn chế, dẫn đến khoảng trống về đội ngũ diễn viên xiếc chuyên nghiệp ngày một lớn.



                             Một tiết mục biểu diễn xiếc của các nghệ sĩ tại Rạp xiếc Trung ương. 

Ngày 8 và 9-7 vừa qua, Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam tổ chức thi tuyển chuyên ngành xiếc hệ chính quy khóa 2017-2022. Theo đó, ngay từ tháng 3, nhà trường đã phải đi tuyển sinh trực tiếp ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía bắc. Tính đến ngày 10-6, trường hoàn thành tuyển sinh ở 113 trường tiểu học, 85 trường THCS, 12 trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên. Số thí sinh dự tuyển lên tới 8.320, nhưng sau vòng sơ tuyển chỉ còn 679 thí sinh được lựa chọn. Con số này giảm còn 200 sau vòng trung tuyển và cuối cùng, chỉ có 35 em đủ điều kiện nhập học. Hành trình đào tạo diễn viên cho ngành xiếc gian nan như đãi cát tìm vàng. Năng khiếu, khổ luyện, công việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, tuổi nghề lại quá ngắn ngủi; đây là những yếu tố khiến công tác tuyển chọn nhân lực cho ngành xiếc luôn gặp thách thức. Trong quá trình đào tạo, số học viên ít ỏi còn tiếp tục "rơi rụng”. 

Hiệu trưởng nhà trường TS Hoàng Minh Khánh cho biết, dù tuyển 35 em nhưng trung bình mỗi khóa tốt nghiệp còn được 25 em đã là mừng. Các em phải mất hai năm đầu học kỹ thuật cơ bản, năm thứ ba mới bắt đầu học chuyên ngành. Song song với quá trình tập luyện, các em vẫn phải học đầy đủ các môn văn hóa phổ thông. Phần lớn các học viên học nội trú, xa gia đình, thiếu sự quan tâm chăm sóc của người thân; trong khi việc học tập thường xuyên xảy ra chấn thương đòi hỏi phải có tâm lý vững vàng vượt qua. Bên cạnh đó, dù Nhà nước đã miễn giảm 70% học phí nhưng với đặc thù học sinh trường xiếc chủ yếu là con em vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, sinh hoạt phí hằng tháng cũng là cả bài toán khó đối với gia đình các em. Nhiều em cũng vì thế phải bỏ dở giữa chừng. Trường đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho học sinh được hưởng chế độ hỗ trợ như các trường dân tộc nội trú để tháo gỡ khó khăn cho các em nhưng chưa được chấp nhận.

Đem thắc mắc hỏi lãnh đạo trường, tại sao không mở rộng quy mô tuyển sinh để bảo đảm tốt hơn số lượng đầu vào, chúng tôi được biết với khoảng 20 giáo viên hiện có, đào tạo chừng ấy học viên đã khai thác hết công suất của giáo viên, tính ra mỗi tuần, một học viên cần ít nhất tám lượt giáo viên huấn luyện. "Chúng tôi còn phải nhận đào tạo cả diễn viên xiếc đến từ Lào và Cam-pu-chia, trong khi đã nhiều năm nay, trường không được tuyển thêm viên chức. Thu nhập ít ỏi nên việc giữ chân giáo viên giỏi càng nan giải…” - TS Hoàng Minh Khánh cho hay. Bên cạnh đó, đạo cụ giảng dạy chủ yếu do giáo viên tự chế, thô sơ, không được đầu tư cũng là rào cản khiến thầy và trò khó phát huy khả năng sáng tạo.

Tận dụng thế mạnh để bứt phá

Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng xiếc Việt Nam vẫn có những dấu ấn ngoạn mục. Mới đây nhất, tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cu-ba (Circuba) 2017 - một trong ba liên hoan xiếc quốc tế uy tín nhất thế giới, tiết mục nhào lộn trên không Cánh chim Việt của đoàn Việt Nam được thể hiện bởi hai diễn viên Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam đã xuất sắc đoạt Mái bạt vàng - giải thưởng cao nhất của cuộc thi, cũng là tiết mục duy nhất trong 34 tiết mục của 16 quốc gia tham dự nhận được giải từ Hội đồng nghệ thuật. TS Hoàng Minh Khánh nhận định, nếu xét về kỹ thuật và thể lực, Việt Nam không thể vượt qua một số quốc gia như Cu-ba, Mê-xi-cô… nhưng chiến thắng gần như tuyệt đối mà đoàn Việt Nam giành được là kết quả tổng thể của kịch bản, âm nhạc, vũ đạo và nghệ thuật. Đặc biệt, trong khi tiết mục của nước bạn mạnh về kỹ thuật nhưng không khác nhau nhiều về cách thể hiện thì tiết mục của Việt Nam đã toát được hồn dân tộc thấm đẫm qua âm nhạc, trang phục và đạo cụ thô sơ như tre, nứa. Đây cũng là hướng đi Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang áp dụng. Ông Tạ Duy Ánh cho biết: Xiếc Việt Nam hiện nay không chỉ là những tiết mục diễn đơn lẻ như đu dây, lắc vòng, tung hứng… mà các tiết mục đều được đầu tư thành những chương trình có nội dung và nghệ thuật xuyên suốt như một vở diễn. Và khi kỹ thuật xiếc về cơ bản ở đâu cũng giống nhau, điều tạo nên bản sắc riêng chính là hồn dân tộc. Trong điều kiện nguồn nhân lực còn mỏng với nhiều khó khăn, việc vừa hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng thế giới, vừa phát huy yếu tố truyền thống chính là hướng đi của xiếc Việt Nam.

Được biết, sau thành công tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cu-ba, nhà trường đã nhận được lời mời biểu diễn và hợp tác đào tạo của hai tập đoàn giải trí lớn của Anh và Mê-xi-cô. Việc hợp tác, liên kết với các đơn vị nước ngoài nếu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua sẽ mở ra hướng đi mới đào tạo nguồn nhân lực ngành xiếc, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Bắt đầu từ kỳ học này, trường đưa thêm vào chương trình học môn đạo đức nghề nghiệp nhằm trau dồi các kỹ năng mềm, văn hóa ứng xử, giúp học viên không lúng túng khi đến với những sân chơi quốc tế. Nhà trường cũng ưu tiên đầu tư trang thiết bị cho nhà hát thể nghiệm tại trường để tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu sáng tạo tiết mục mới, đồng thời học viên có môi trường để biểu diễn thực tập và tham gia biểu diễn tăng thu nhập… Những năm gần đây, trường phối hợp với Liên đoàn Xiếc để cung cấp diễn viên theo hình thức đặt hàng đào tạo. Theo đó, trong quá trình đào tạo học viên, trường sẽ dàn dựng sẵn một số tiết mục và bàn giao cho Liên đoàn Xiếc sau khi nghiệm thu tốt nghiệp. Đây là hình thức đào tạo vừa giúp Liên đoàn Xiếc có thêm những tiết mục biểu diễn ngay, vừa thu nhận được các diễn viên tốt. Cơ chế này giúp học viên được luyện tập chuyên sâu, cơ sở đào tạo buộc phải xây dựng tiết mục, huấn luyện diễn viên đáp ứng được yêu cầu từ đơn vị biểu diễn nghệ thuật. Đây là những nỗ lực nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn của ngành xiếc, trong lúc chờ những chính sách, giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý.


                                                                                                     Theo Nhandan

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục